Không ít ý kiến lo ngại việc này gián tiếp làm mất cơ hội mong muốn học tập của nhiều người. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt cánh cửa liên thông để việc đào tạo được chất lượng hơn.
Phóng to |
Một buổi học của sinh viên lớp 2011 hệ liên thông cao đẳng lên đại học ngành CNTT tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh tư liệu |
TTO xin trích đăng:
* Cánh cổng đại học đã đi vòng giờ càng xa
+ Hiện tôi đang theo học liên thông ở một trường đại học và tôi thấy chất lượng đào tạo tại trường này khá tốt. Tôi thấy Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo như thế là không hợp lý về một số phương diện:
- Thứ nhất: Thời gian bỏ kiến thức các môn văn hóa khá lâu rồi, trong khi thời gian ôn thi để thi liên thông khá ngắn vì thường mọi người đều đi làm.
- Thứ 2: Thi môn văn hóa nhưng liệu khi đi làm có áp dụng được những kiến thức các môn văn hóa này cho công việc sau này không.
- Thứ 3: Phải xem xét tình hình thực tế để đưa ra dự thảo xem hình thức đó có hợp lý với trình độ và khả năng của sinh viên không.
Với không ít người, vì hoàn cảnh nên cánh cổng ĐH đã phải đi vòng, giờ lại thành quá xa...
+ Việc xã hội lên tiếng một số đơn vị đào tạo liên thông không minh bạch chỉ là những trường hợp cá biệt, Bộ GD-ĐT không nên vì thế mà gây khó khăn cho những nguyện vọng chính đáng của đại đa số tầng lớp sinh viên đang theo học hệ CĐ.
Một trưởng phòng kinh doanh đã ra trường 4 năm, muốn học lên hệ ĐH để nâng cao trình độ lại phải quay lại ôn thi toán, lý, hóa... là một điều nghe ra rất bất hợp lý.
Nếu dự thảo này được thông qua, Bộ GD-ĐT vẫn khăng khăng làm theo ý kiến chủ quan là sàng lọc chất lượng đầu vào bằng việc thi môn văn hóa, siết chặt chỉ tiêu liên thông thì việc đó giống như muốn xóa sổ hệ đào tạo CĐ và trung cấp chuyên nghiệp.
Ai mà dám học CĐ nữa khi trước sau gì cũng phải thi lại một trong 3 môn toán, lý hoặc hóa.
Họ sẽ chọn con đường ôn thi để thi lại ĐH, gây tốn kém vô cùng cho xã hội.
+ Sức học của tôi không được tốt cho lắm. Mọi người học tốt hơn thì chọn ngay con đường vào đại học. Tôi quyết định chọn con đường xa hơn là học cao đẳng sau đó sẽ liên thông lên đại học. Nếu Bộ GD-ĐT quyết định như vậy thì coi như đóng cửa vào con đường đại học đối với tôi nói riêng và tất cả các bạn như tôi nói chung. |
Theo tôi, nên lấy môn ngoại ngữ (vì đây là nhu cầu rất cần thiết có thật cho công việc và cũng cho nghiên cứu), và lấy thêm 1-2 môn chuyên ngành nữa là phù hợp, đồng thời cần có quy chế rõ ràng để nâng cao chất lượng.
Ở các nước, đầu vào đại học không quá khắt khe, nhưng trong quá trình học việc chấm điểm khá khắt khe nên đòi hỏi người học phải cố gắng chịu khó học tập và nghiên cứu để nâng tầm hiểu biết.
Thêm vào đó cần có chương trình khung đào tạo phù hợp, có chương trình đề thi để các trường đào tạo với nguồn lực đầu ra đáp ứng nhu cầu thực tế nhằm tránh lãng phí cho xã hội.
Hi vọng việc ban hành quy chế mới giúp nâng tầm việc học, giúp mọi người có điều kiện nâng cao hiểu biết của mình.
Đừng ban hành quy chế làm hạn chế việc nâng cao giáo dục và gây ra lãng phí lớn cho dân, cho Nhà nước vì nhiều trường hợp phải học ôn thi lại năm sau cũng vì dự thảo này.
+ Vì nhiều sinh viên ước mơ được vào đại học nhưng không có khả năng nên buộc phải đi đường vòng, cố gắng để được liên thông vào các trường ĐH. Vậy khi có quyết định này thì còn bao nhiêu người học CĐ nữa? Chẳng lẽ học CĐ ra trường rồi lại vô mấy lò luyện thi để ôn thi liên thông? Cách thi ĐH hằng năm của nước ta đã quá lạc hậu, giờ lại thêm vấn đề này... chỉ làm cho SV cảm thấy chán nản...
+ Có những người không có điều kiện để thi và vào học hệ CĐ, ĐH. Có khi họ phải đi làm một thời gian mới vào học lại từ trung cấp rồi liên thông lên CĐ, ĐH để nâng cao bằng cấp cũng như trình độ. Họ đã không thể đi đường tắt nên đành phải đi đường vòng mất thời gian hơn. Ban hành quy định mới này khác nào chặn mất đường học của họ.
* Đánh giá đúng hơn từng trường hợp đào tạo liên thông cụ thể
+ Tôi thấy việc thi liên thông hiện giờ quá dễ dãi. Học trung cấp đã dễ, thi liên thông cũng dễ. Quá trình học liên thông cũng cẩu thả hơn so với chính quy, thế mà bằng cấp lại tương đương chính quy. Riết rồi ai cũng có được bằng ĐH, hay nói cách khác là hiện tượng lạm phát bằng ĐH, phổ cập ĐH.
Muốn xã hội phát triển thì phải có sự công nhận đúng đắn về trình độ.
Tùy khả năng của mỗi người mà đứng ở vị trí thích hợp. Người giỏi thì làm thầy, người yếu hơn thì làm thợ. Ai cũng đòi làm thầy hết thì ai làm thợ, hơn nữa người thầy mà bản chất yếu kém thì càng nguy hiểm gấp bội.
+ Nếu ta chấp nhận đào tạo liên thông, thiết nghĩ cần phải công nhận kết quả rèn luyện 3 năm CĐ và xem đó là cơ sở để đánh giá xét tuyển. Bên cạnh đó, ta cần phải giải quyết tính công bằng trong việc đánh giá xếp loại văn bằng. Tấm bằng sẽ được đánh giá trong 3 năm CĐ + 2 năm liên thông hay chỉ vỏn vẹn trong 2 năm? |
+ Về vấn đề đào tạo liên thông hiện nay, tôi thấy nhiều trường chất lượng kém thật. Một số trường tổ chức học ban đêm, một số lại học như kiểu tại chức.
Nhưng bên cạnh đó một số nơi đào tạo rất tốt, sinh viên liên thông được học theo hệ tín chỉ và học cùng với sinh viên chính quy, do vậy phải cố gắng rất nhiều mới ra trường.
Tôi nghĩ việc kiểm tra, siết chặt hình thức đào tạo liên thông là cần thiết nhưng tổ chức thi cùng đề với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì thật vô lý.
+ Tôi cũng đang học hệ liên thông. Tôi nghĩ không phải ai học liên thông cũng dở. Năm 2007, tôi thi ĐH 20,5 điểm nên rớt ĐH KT TP.HCM.
Tôi quyết định học một trường cao đẳng khá nổi tiếng để sau này thi liên thông ĐH KT chứ không muốn học ngành mình không thích hoặc các trường dân lập, bán công.
Mọi người nói dở cũng nên đánh giá tùy theo trường, đừng nhập nhằng như thế.
Thế nên nếu có quyết định siết chặt liên thông để bảo đảm chất lượng thì tôi hoàn toàn đồng ý.
* Có hạn chế cơ hội học hành của mọi người?
+ Tôi thấy việc này vô hình trung đã chặn bước tiến của sinh viên trên con đường mở rộng vốn kiến thức của mình. Con đường tri thức là con đường vô tận, vì thế đừng ngày càng bó hẹp nó mà hãy mở rộng nó cho mọi người.
+ Học tập là nhu cầu của con người, nếu như ai có nhu cầu thì nên tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Việc phân chia thợ thầy nên để dành cho các doanh nghiệp xử lý. Năng lực của ai tới đâu thì làm vị trí đó. Tuyển nhân viên là tuyển theo năng lực.
+ Nếu Bộ GD-ĐT làm như quy định này xem như "giết" sinh viên. Học miệt mài cả 3 năm trời cuối cùng còn phải thi lại những môn mà không được học thì làm sao đậu được? Bộ GD-ĐT cần xem lại "mặt bằng" chung của các trường rồi hãy thay đổi quy chế sao cho phù hợp.
+ Chỉ còn đại học, quyết vào đại học, tuyệt không còn quan tâm đến trung cấp, cao đẳng làm gì nữa. Tôi nghĩ các trường nghề, trung cấp, cao đẳng sớm muộn gì cũng phải đóng cửa hết với quy định mới của Bộ GD-ĐT. Rồi xã hội chỉ còn toàn dân đại học. Bộ đang cố kiểm soát đường vào đại học mà khép hết các ngõ ra của trung cấp và cao đẳng. Điều đó có đúng, có hợp lý khi mọi người đổ xô bằng mọi giá cũng phải vào đại học?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận