Những quán nhậu vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM lúc nào cũng đông khách - Ảnh: Q.ĐỊNH
Dưới đây là chia sẻ của một số người nước ngoài về vấn đề này.
“Thay vì hạn chế khả năng tiếp cận và tăng giá rượu bia, cần chú trọng nhiều hơn vào việc giáo dục mọi người về việc tiêu thụ rượu bia có trách nhiệm
Chị Julia Goeb
* Anh Joshua Durkin (giáo viên tiếng Anh, người Mỹ):
Đối thoại với công chúng về cách quản lý bia rượu
Việc mua bia rượu ở Việt Nam khá dễ dàng. Tại nhiều bang ở Mỹ, chúng tôi có quy định
về thời gian mua bia rượu và quy định độ tuổi được phép uống bia rượu. Tuổi này ở Mỹ là khi tròn 21 và cao hơn nhiều so với tuổi được phép uống bia rượu tại châu Âu.
Một số người tin rằng tuổi uống rượu thấp dễ tạo ra nguy cơ lạm dụng chất có cồn ở thanh niên vì những bạn trẻ 18-20 uống rất nhiều sau một thời gian ngắn. Chưa kể ở Mỹ có nhiều khu vực bạn không được phép uống rượu bia.
Về việc có nên siết chặt quản lý việc bán bia rượu không, tôi nghĩ vậy cũng tốt, tuy nhiên với những người lạm dụng bia rượu, tôi không cho rằng quy định chặt chẽ có thể giúp giải quyết vấn đề vì họ luôn tìm cách uống. Trước khi chính quyền điều chỉnh quy định hay ra luật về vấn đề này, tôi nghĩ biện pháp tốt hơn là nên tổ chức đối thoại với công chúng.
* Ông J. Paul Fallon (người Mỹ):
Lệnh cấm sẽ phản tác dụng nếu...
Tôi không nghĩ người Việt sẽ thay đổi thói quen uống bia rượu một cách tự nguyện, mà cần có sự can thiệp từ phía chính quyền.
Uống nhiều bia rượu không bao giờ tốt cả, nhưng vì sao người ta lại uống nhiều như vậy? Một thực tế là bia tại Việt Nam khá rẻ và có thể mua ở bất cứ đâu.
Trong khi đó ở Mỹ lại rất khác, bia rượu không rẻ chút nào. Tại Mỹ cũng có những hạn chế về người mua, người uống và địa điểm bán bia rượu. Những nơi có phục vụ rượu bia luôn có quy định giờ đóng cửa bắt buộc.
Chỉ nên cho phép người từ 18 tuổi hay tốt hơn là 21 tuổi trở lên mới được uống rượu bia. Những nơi bán bia rượu cần có giấy phép và người lái xe nếu uống bia rượu phải bị phạt nghiêm khắc.
Nước Mỹ từng đối mặt với vấn đề rượu bia rất nghiêm trọng, để giải quyết tình hình, họ cấm bán bia rượu. Tuy nhiên việc đó chỉ tạo nên tình trạng buôn bán các sản phẩm bất hợp pháp và người tiêu dùng cũng bị đối xử như tội phạm.
Chính quyền Mỹ sau đó chấm dứt lệnh cấm này và ban hành luật quy định độ tuổi (để mua hoặc uống rượu bia), yêu cầu người bán phải có giấy phép, quy định giờ đóng cửa. Các công ty cũng dễ dàng sa thải những người uống rượu bia say xỉn làm việc không hiệu quả, nhưng việc này lại gây ra các hệ lụy về kinh tế.
Một vấn đề nữa rất đáng quan tâm là Việt Nam hiện vẫn thiếu lực lượng thực thi pháp luật. Nếu không thể đảm bảo việc thực thi được luật pháp, không nên thông qua điều luật đó vì sẽ gây thêm nhiều vấn đề do các yếu tố tội phạm được dung dưỡng.
* Anh Tanasak Phosrikun (giảng viên đại học, người Thái Lan):
Phải hạn chế điểm bán bia rượu
Bản thân bia rượu không xấu. Vấn đề đáng quan tâm là văn hóa bia rượu trong xã hội. Theo tôi, nên uống có trách nhiệm, đừng để say quắc cần câu không biết gì, lái xe gây tai nạn hay đánh nhau hoặc gây ra bạo lực gia đình.
Tôi mới ở Việt Nam vài tháng nhưng có thể thấy rằng mua bia rượu tại Việt Nam dễ hơn ở Thái Lan.
Tôi có thể mua một cốc bia hơi với giá 10.000 đồng trong khi ở Thái Lan tôi phải trả gấp bốn lần cho một ly bia cùng chất lượng.
Bởi Thái Lan đánh thuế tiêu thụ đặc biệt khá cao, mà tên gọi của chúng tôi là "thuế tội lỗi" đối với rượu và thuốc lá - do các mặt hàng này gây ra nhiều bệnh tật cho người tiêu dùng.
Theo tôi, giá bia rượu quá đắt ở Thái Lan cũng có mặt trái. Người nghèo, người lao động đành mua rượu rẻ tiền và những thứ rượu này lại càng độc hại, gây bệnh tật cho họ.
Tuy nhiên, bia rượu ở Việt Nam lại quá dễ mua, nên tôi ủng hộ việc chính quyền nên đưa ra những quy định để hạn chế bớt như quy định tuổi được phép uống bia rượu, giờ bán hoặc khuyến cáo về lượng rượu bia tối đa một người nên uống để tránh gây tai nạn.
Ở Thái Lan, chúng tôi có luật quy định về tuổi được uống rượu và giờ bán rượu (chỉ bán từ 11-14h và từ 17-24h). Luật là vậy chứ tôi vẫn có thể mua được rượu bia ở những cửa hàng tạp hóa nhỏ của người dân địa phương.
Nhưng nếu phạt rất nặng người uống rượu bia mà tham gia giao thông, việc uống bia rượu có giảm bớt. Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam có thể áp dụng như Thái Lan hay Trung Quốc, đã lái xe thì không được uống bia rượu. Hoặc giới hạn việc bán bia tại các quán bar, quán nhậu.
* Chị Julia Goeb (người Đức):
Giải pháp đến từ giáo dục
Tôi đến từ nước Đức, nơi một lon bia còn rẻ hơn cả một ly nước lọc trong nhà hàng. Mỗi năm, mỗi người Đức tiêu thụ bình quân đến hơn 100 lít bia.
Dù các nhà khoa học đã cảnh báo các chất có cồn còn nguy hiểm hơn các loại chất như cần sa, việc uống bia sau một ngày làm việc vẫn là một phần văn hóa ở Đức.
Nhưng nhờ có các chiến dịch cộng đồng, ngày càng nhiều người trẻ ý thức được nguy cơ về sức khỏe và có khuynh hướng giới hạn mức độ uống của mình.
Độ tuổi hợp pháp để được uống là 16 tuổi trở lên. Ở Đức, chủ cửa hàng sẽ bị phạt rất nặng nếu bị phát hiện bán bia cho người chưa đủ tuổi. Ngoài ra, người say xỉn lái xe nếu bị bắt sẽ bị phạt rất nặng.
Tuy nhiên, những quy định này ở Đức vẫn chưa nghiêm khắc bằng các nước khác, ví dụ như ở Ba Lan, bạn không thể uống bia mà đi ngoài đường. Còn ở Đức, người ta có thể uống bất cứ khi nào và bất cứ chỗ nào ở nơi công cộng. Vậy nên tôi thấy thói quen uống bia rượu ở Đức khá giống Việt Nam.
Tôi từng sống trong một con hẻm nhỏ ở Phú Nhuận, TP.HCM, thường mua bia từ tiệm tạp hóa hay các cửa hàng tiện lợi. Buổi tối, tôi thấy mọi người ngoài đường, chơi guitar, nói chuyện và uống bia. Tôi nghĩ việc ngồi cùng bạn bè thưởng thức một lon bia ở một quán nhậu bờ kè sau giờ làm việc không có vấn đề gì.
Tôi chưa từng thấy ai uống bia mà chưa đủ tuổi ở Việt Nam, ít nhất ở nơi công cộng. Ngoài ra, tôi có nhiều đồng nghiệp Việt Nam và trong nhiều chuyến đi của công ty hay có dịp gì đó, mọi người đều biết khi nào nên dừng uống. Tôi chưa thấy ai nhậu xỉn đến mức hôm sau không đi làm nổi, nên thái độ của tôi nhìn nhận văn hóa uống bia ở đây vẫn là tích cực hơn tiêu cực.
Tôi nghe nhiều người nói giá bia ở Việt Nam rẻ, tuy nhiên nếu so với mức lương trung bình mỗi giờ thì giá 11.000 đồng cho một lon bia không rẻ. Vẫn có nhiều người làm cả tiếng mới đủ tiền mua một lon bia nội. Trong khi đó, lương tối thiểu mỗi giờ ở Đức là gần 9 euro, một lon bia trong siêu thị có giá khoảng 1 euro - điều này lý giải vì sao người Đức có thể say 24/7.
Vậy nên tôi nghĩ thay vì hạn chế khả năng tiếp cận và tăng giá rượu bia, cần chú trọng nhiều hơn vào việc giáo dục mọi người về việc tiêu thụ rượu bia có trách nhiệm. Quy định nghiêm ngặt nghe có thể là một giải pháp tốt, nhưng một quốc gia ở châu Âu đã chứng minh điều này là sai, đó là Phần Lan.
Ở đó họ quy định rất nghiêm ngặt, rượu bia rất đắt tiền và chỉ được bán ở các cửa hàng được cấp phép đặc biệt, nhưng tỉ lệ nghiện rượu ở nước này vẫn rất cao.
Điều này chứng minh rằng lạm dụng rượu không phải là vấn đề về khả năng tiếp cận hoặc khả năng chi trả, mà nằm ở chỗ giáo dục hoặc các vấn đề cá nhân. Người nghiện rượu sẽ mua rượu với giá bất kỳ - và điều này thậm chí còn phá hỏng gia đình của họ nhiều hơn.
Cách duy nhất để ngăn chặn bi kịch gia đình và tai nạn do rượu là giáo dục tiêu thụ có trách nhiệm, nâng cao nhận thức về những rủi ro sức khỏe và có các quy định nghiêm ngặt liên quan đến việc tiêu thụ rượu trong khi lái xe.
N.ĐÔNG ghi
Làm sao hạn chế mức tiêu thụ bia rượu đang có chiều hướng gia tăng 'thần tốc' như hiện nay? Theo bạn, tăng giá bán bia rượu là một trong những giải pháp? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận