18/09/2015 11:15 GMT+7

Hai trụ cột của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ  (Giám đốc Trung tâm, Nghiên cứu quốc tế - SCIS, , ĐH KHXH&NV TP.HCM)
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Giám đốc Trung tâm, Nghiên cứu quốc tế - SCIS, , ĐH KHXH&NV TP.HCM)

TT - Hình mẫu quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từ hơn hai thập kỷ trở lại đây phản ánh sự tương đồng sâu rộng giữa các lợi ích quốc gia hai nước.

Sáng 16-9-2015 tại hoàng cung ở thủ đô Tokyo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Nhật hoàng Akihito - Ảnh: TTXVN
Sáng 16-9-2015 tại hoàng cung ở thủ đô Tokyo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Nhật hoàng Akihito - Ảnh: TTXVN

Việt Nam xem Nhật Bản là một nhà cung cấp đáng tin cậy về vốn, công nghệ, sự đổi mới và an ninh. Vốn viện trợ phát triển (ODA) và đầu tư của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Sự tham gia tích cực hơn của Nhật vào các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải tại Đông Nam Á góp phần làm cán cân lực lượng cân bằng hơn, dù nhìn cán cân ở khía cạnh ngoại giao, mặt trận pháp lý hay quân sự.

Trong khi đó, Nhật Bản nhìn nhận Việt Nam dưới lăng kính của các cơ hội kinh tế và chính trị.

Việt Nam là một thị trường lớn gồm 90 triệu người, với tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng và có nhu cầu lớn về hàng hóa và sản phẩm từ Nhật Bản, cũng như một môi trường thân thiện cho các khoản đầu tư của Nhật với chi phí lao động tương đối rẻ và công nhân lành nghề.

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia thành viên quan trọng của ASEAN.

Những yếu tố bổ sung lẫn nhau kể trên là khởi đầu và xúc tiến cho mối quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (được hai bên thống nhất năm 2014).

Đây cũng là xuất phát điểm để hai nước nâng cấp mối quan hệ trong tất cả các lĩnh vực và tìm kiếm những sáng kiến mới để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của cả vùng. Trong đó đảm bảo “hàng hóa công” và xây dựng một “tầm nhìn chung” là hai trụ cột căn bản.

Chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe không chỉ giới hạn trong hợp tác kinh tế mà còn mở rộng trong lĩnh vực an ninh.

Xét về mặt quân sự, trong vòng ba năm vừa qua Nhật Bản nhanh chóng tăng cường quan hệ quốc phòng với một số nước ASEAN trong bối cảnh sự chuyển đổi quyền lực đang diễn ra nhanh chóng.

Bên cạnh củng cố liên minh quân sự với Mỹ, Tokyo sẽ tập trung định vị Nhật Bản như một điểm liên kết của một tam (và tứ) giác kim cương với bộ ba Úc, Nhật, Ấn và Mỹ. Tứ giác này định hình một vành chiến lược kéo dài từ khu vực Ấn Độ Dương tới bờ Tây Thái Bình Dương.

Tầm nhìn chung về tương lai phát triển của khu vực là một thí dụ khác. “Tư tưởng” và “kiến thức” đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành “một tiểu vùng sông Mekong mở rộng chung” (GMS).

Hiện tồn tại một cuộc đấu tranh giữa hai luồng quan điểm về phát triển. Một bên là “phát triển mang tính bao gồm”, xem xét nhu cầu phát triển của con người gắn liền với các vấn đề xuyên quốc gia như bệnh truyền nhiễm, tổn thương do biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước.

Bên còn lại là quan điểm “tăng trưởng loại trừ”, tập trung nhiều vào mục tiêu chỉ số, có xu hướng thúc đẩy một nền kinh tế khu vực lấy thủy điện làm trọng tâm. Những tư tưởng khác nhau trong việc xây năng lượng thủy điện tại khu vực “đụng chạm” với nhau khi hình dung về một GMS thịnh vượng.

Định vị vai trò của mình tại khu vực sông Mekong, Hội nghị Mekong - Nhật Bản vào tháng 11-2009 với sự tham gia của thủ tướng bốn quốc gia hạ nguồn. Mặc dù nghị trình đụng tới nhiều vấn đề mà sự hợp tác trong quản lý nguồn nước và giải quyết biến đổi khí hậu được nhấn mạnh ưu tiên.

Bốn năm sau, Hội nghị Mekong - Nhật Bản lần thứ tư vào năm 2013 đã xác định ba trụ cột trong hợp tác “đối tác chiến lược nhắm tới một tương lai thịnh vượng chung” giữa các nước Mekong và Nhật Bản giai đoạn 2013 - 2015.

Nghị trình nhấn mạnh việc tăng cường mối liên kết trong khu vực Mekong và giữa các nước Mekong với các nước ngoài khu vực dựa trên việc phát triển hành lang vận chuyển giữa các nước.

Trong đó bao gồm một cơ sở hạ tầng viễn thông và thông tin chung, cùng hiện đại hóa các quy trình hành chính.

Như vậy, thay vì thực hiện những dự án năng lượng khổng lồ với sự trợ cấp “hào phóng” từ nhà nước, Tokyo hướng tới sự phát triển công bằng, bền vững, khuyến khích các quốc gia hợp tác vì lợi ích chung của khu vực.

Nhấn mạnh vào sự phát triển công bằng, bền vững, khuyến khích các quốc gia hợp tác vì lợi ích chung, cách tiếp cận của Nhật đang tìm đúng đường dẫn đến trái tim của người dân địa phương hạ nguồn.

Với bối cảnh biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng và sát sườn, những ý tưởng đang được kết nối tìm sự hợp tác giữa Nhật - Việt không chỉ với các vấn đề kỹ thuật mà còn là định hình thế giới quan về “thách thức biến đổi khí hậu”.

Đồng thuận từ tầm nhìn tương lai là phản hồi tốt nhất cho những cách tiếp cận hay luồng tư tưởng lỗi thời nhưng vẫn mong muốn giữ mình làm chủ đạo.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Giám đốc Trung tâm, Nghiên cứu quốc tế - SCIS, , ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên