27/12/2021 11:58 GMT+7

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 1: Rủi ro nghề đi biển xa

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Không chỉ trong thế kỷ 21, hải tặc và chống hải tặc là cuộc chiến dai dẳng kéo dài cả hàng ngàn năm qua. Gần đây, nhiều quốc gia đưa cả tàu hải quân hùng hậu đi dẹp loạn cướp biển. Nhưng nạn cướp biển tạm yên chỗ này lại bùng nơi kia.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 1: Rủi ro nghề đi biển xa - Ảnh 1.

Và hiểm họa vẫn luôn rình rập từ những nòng súng AK trên các chiếc canô như bóng ma bất ngờ xé sóng ập tới.

"Đi tàu chở dầu hay chở hàng chỉ sợ hai thứ: thời tiết xấu và cướp biển" - anh Trần Tâm, thuyền trưởng vừa mới trên 40 tuổi, nói với trải nghiệm của người từng ngang dọc nhiều vùng biển trên thế giới. 

Cuộc trò chuyện giữa tôi và anh vào một chiều cuối năm hay bị đứt quãng do người thuyền trưởng đang lênh đênh trên biển. Song ký ức của anh về những ngày đi qua các vùng biển nguy hiểm, đối mặt với bọn hải tặc vẫn còn nguyên vẹn và liền mạch.

Đi lựa tàu để cướp như đi siêu thị

Tốt nghiệp Trường đại học Hàng hải Việt Nam, Trần Tâm lên đường thực tập rồi thành "lính đánh thuê" cho các công ty vận tải nước ngoài. Cũng nhờ vậy mà anh được va chạm nhiều hơn, tích lũy kinh nghiệm trước khi về nước và thành thuyền trưởng một tàu dầu tải trọng hơn 300.000 tấn. 

Con tàu đang chờ hoàn thiện những bước cuối cùng để lên đường sang Nigeria, nơi nó sẽ được neo ngoài khơi để trở thành một kho chứa dầu nổi hàng triệu thùng dầu cùng lúc.

Vì kích thước to lớn nên tàu không thể đi qua kênh đào Suez mà phải vòng xuống cực nam châu Phi, qua mũi Hảo Vọng để đến Nigeria. Hải trình dài nhưng với anh Tâm lại không đáng lo ngại do đây là tuyến đường anh đã từng qua lại nhiều lần. 

Ngoại trừ thiên tai, thứ nguy hiểm nhất với những người đi biển xa như anh là cướp biển, mà khét tiếng nhất là cướp biển Somalia quanh khu vực vùng Sừng châu Phi.

"Tầm năm 2008, thời đó cướp biển Somalia lộng hành vô cùng. Báo cáo các vụ cướp tàu, bắt giữ con tin ngoài khơi vùng Sừng châu Phi dày đặc" - anh Tâm nhớ lại giai đoạn đang làm việc trên một tàu nước ngoài. 

"Cướp biển ngang nhiên hoạt động vì chẳng có ai trừng trị chúng cả. Từ tàu mẹ, chúng lên các xuồng cao tốc rồi đi ngang qua các tàu trong khu vực để lựa con mồi. Giống như người ta đi chợ xem cá, bọn cướp biển chỉ nhắm tới những tàu "ngon" và không phòng vệ để tấn công. 

Có lẽ may mắn con tàu tôi đang đi thuộc dạng cũ nên vài lần gặp nhưng bọn chúng lướt ngang rồi bỏ đi, không buồn vòng tới vòng lui để tìm cách cướp" - anh Tâm nhớ lại những khi chạm mặt với cướp biển khét tiếng.

Tàu bị bắt thường được đưa về cùng một khu vực để dễ bề kiểm soát. Bọn cướp ngang nhiên neo đậu chiến lợi phẩm sát bờ mà không sợ phiền toái vì tình trạng vô chính phủ trên đất liền. Có tàu sớm thì vài tháng được thả, lâu thì lên đến cả năm trời. 

Ngoài tàu chở dầu và chở hàng vốn có giá trị lớn có thể đòi được tiền chuộc cao, cướp biển còn nhắm vào cả tàu cá và sử dụng như tàu mẹ để ngụy trang đi cướp những tàu khác. Số phận của người đi trên các tàu này có lẽ cũng vì vậy mà hoàn toàn khác những người có thể được dùng để gây áp lực kiếm tiền chuộc.

Năm 2011, vụ cướp biển Somalia bắt giữ tàu Hoàng Sơn Sun và 24 người trên tàu trong hơn 240 ngày đã gây chấn động. Giữ thân phận con tin, thủy thủ đoàn phải trải qua đủ cung bậc cảm xúc khi bọn cướp dùng mọi chiêu trò uy hiếp tinh thần, thậm chí tra tấn, để nhanh lấy được tiền chuộc. 

Điều may mắn nhất là toàn bộ họ đều an toàn trở về dù có lúc tưởng chừng cái chết đã cận kề. 2011 cũng là năm ghi nhận số vụ cướp tàu kỷ lục ngoài khơi Somalia. Trước gánh nặng do phí bảo hiểm tăng cao, giới chủ tàu bắt đầu tìm cách không để những con tàu của họ rơi vào tay cướp biển.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 1: Rủi ro nghề đi biển xa - Ảnh 2.

Hàng rào dây thép gai được giăng quanh tàu trước khi đi qua vùng biển nguy hiểm. Thủy thủ đoàn được trang bị ống nhòm nhìn đêm, áo và mũ chống đạn - Ảnh: NVCC

Nghề bảo tiêu trên biển

Điều đầu tiên các chủ tàu nghĩ đến là tìm cách làm nản lòng những kẻ có ý định tấn công, không tự đặt con tàu buôn vào thế "mỡ treo miệng mèo". Vậy là các tàu hàng bắt đầu chạy tốc độ hành trình cao hơn, hàng rào dây thép gai được lắp xung quanh tàu trước khi đi qua vùng biển có nguy cơ cao. 

Các phòng an toàn được ví như "lô cốt" cho thủy thủ đoàn, với đủ đồ ăn thức uống và chống được đạn súng trường, được bổ sung trong bản thiết kế để tránh người rơi vào tay cướp biển. Vòi phun nước công suất lớn, thiết bị định hướng âm thanh tầm xa (LRAD) hay súng laser cũng được đưa lên tàu để chống cướp biển.

Những năm 2008 - 2012 chứng kiến sự bùng nổ của các giải pháp phi vũ trang để chống cướp biển từ tầm xa như LRAD và súng laser đến tầm gần hơn như lưới chống cướp biển. Loại lưới này được thả từ các cần trục trên tàu hàng và sẽ nổi trên mặt nước quanh thân tàu. Xuồng của cướp biển khi chạy vào đây sẽ mắc lưới và không thể cập mạn tàu. 

Ngoài ra còn có dung dịch trơn trượt bôi quanh thân tàu khiến cướp không thể đu bám và leo lên boong. Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ an ninh hàng hải ở Mỹ còn tạo ra loại dung dịch có màu xanh lá cây chuyên trị bọn cướp đã lên được boong tàu. 

Cướp biển bị hất chất này lên người sẽ có cảm giác như bị lửa đốt trên da, buộc chúng phải nhảy xuống biển để thoát khỏi cảnh nóng rát kèm mùi thối không thể chịu được.

Tuy nhiên, đến cuối cùng thì các công ty vận tải biển lớn cũng phải cậy nhờ các đội vệ sĩ có vũ trang. Những người này đa số là cựu quân nhân hoặc từng tham gia lực lượng cảnh sát vũ trang ở một số nước, và khi lên tàu, bản thân họ trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng trước cướp biển. 

"Những đội vệ sĩ có vũ trang như thế này được xem là phương án bảo vệ tốt nhất, nhưng chi phí cũng rất đắt" - thuyền trưởng Tâm cho biết.

Các đội này thường gồm 2 - 3 người, tập trung tại các cảng biển gần những vùng biển có rủi ro cao và sẽ lên tàu cần bảo vệ sau khi đã thỏa thuận giá cả với chủ tàu. Qua được vùng biển đến nơi an toàn, tàu sẽ ghé một cảng phù hợp để nhóm vệ sĩ lên bờ, nhưng theo anh Tâm, có lúc việc trả người diễn ra ngay trên biển và luôn có một tàu lớn túc trực chờ đón.

Theo người trong ngành, sự xuất hiện của những nhóm "bảo tiêu trên biển" đã lật ngược tình thế khi giờ đây kẻ phải bỏ chạy lại thường là bọn cướp. Tận dụng lợi thế ở trên tàu có mặt boong cao và được che chắn bằng các công sự dã chiến, các vệ sĩ vũ trang có thể bắn cháy động cơ hoặc tiêu diệt cướp biển trước khi chúng tiếp cận con tàu. 

Không một con tàu thương mại nào có vũ trang bảo vệ trên boong bị cướp ngoài khơi Somalia kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, sự hiện diện của các đội bảo vệ có vũ trang đã gây ra một số lo ngại. Chính phủ nhiều nước châu Âu đã miễn cưỡng dỡ bỏ lệnh cấm đeo vũ khí kiểu quân sự lên tàu buôn. 

Phần lớn các nước ven biển đều cấm hoặc hạn chế các tàu dân sự đem theo súng khi cập cảng. Để tránh rắc rối cho bản thân và khách hàng, một số công ty chọn cách đưa rước vệ sĩ bằng xuồng cao su ngay trên biển.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 1: Rủi ro nghề đi biển xa - Ảnh 3.

Một nhóm vệ sĩ vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ tàu chở dầu đi qua vùng Sừng châu Phi vào năm 2015 - Ảnh: Shutterstock

Cướp nhà giàu, cướp nhà nghèo

Có người từng đi trên tàu Hoàng Sơn Sun sau vụ chạm trán với cướp Somalia đã chuyển qua một con tàu khác. Nhưng như sự trêu đùa của số phận, 3 năm sau đó con tàu người này đi lại rơi vào tay cướp biển Đông Nam Á. Lần này thủy thủ đoàn bị bắt nhốt gần một tuần, còn bọn cướp thì chỉ lấy dầu trên tàu rồi bỏ đi.

Cũng từ vụ này, nhiều người mới biết trong giới cướp biển có cướp chuyên nhắm "tàu nhà giàu" để đòi tiền chuộc và những nhóm chuyên nhắm "tàu nhà nghèo" để lấy hàng hóa mà chủ yếu là dầu.

Chiến dịch chống cướp biển quốc tế dẹp cướp biển Somalia được vài năm thì nhiều nơi khác hải tặc lại nổi lên. Hiếm nghề nào có tồn tại qua hàng ngàn năm như nghề cướp biển.

Kỳ tới: Sống dai như nghề cướp biển

Cướp biển, tội phạm trên các vùng biển châu Á tăng kỷ lục Cướp biển, tội phạm trên các vùng biển châu Á tăng kỷ lục

TTO - Báo cáo của Babel Street, công ty phân tích dữ liệu mã nguồn mở có trụ sở tại bang Virginia (Mỹ), ngày 10-9 cho biết: bất chấp đại dịch COVID-19, cướp biển và các tội phạm khác đã gia tăng trên các vùng biển châu Á trong 7 tháng đầu năm nay.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên