12/08/2011 08:06 GMT+7

Hải quân trên... núi

DUY THANH
DUY THANH

TT - Không sống giữa biển đảo với tiếng sóng vỗ dạt dào, những người lính hải quân trẻ ấy lại ở trên chóp núi cao gần 400m để canh giữ biển.

X5222Nby.jpgPhóng to

Thiếu úy Vương Huy Thọ (trái) và thiếu úy Nguyễn Văn Hợi quan sát vùng biển Phú Yên từ trạm rađa 560 trên đỉnh núi Chóp Chài - Ảnh: Duy Thanh

“Tuy không sống với biển nhưng công việc của chúng tôi gắn liền với biển” - thượng úy Trần Văn Chiến, 32 tuổi, trạm trưởng trạm rađa 560, bộc bạch với chúng tôi tại điểm cao 391m trên đỉnh Chóp Chài (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

“Mắt thần” giữ biển

Trạm nằm ngay trên đỉnh Chóp Chài. Ở đó, một lực lượng thuộc Vùng 4 hải quân Việt Nam luôn túc trực 24/24 giờ, với nhiệm vụ phát hiện tất cả mục tiêu lạ trên mặt biển, trên tầm thấp của bầu trời, kịp thời bảo vệ biển trời Tổ quốc.

“Những con mắt thần của biển”

Thượng tá Ngô Mậu Bình - phó chủ nhiệm chính trị Vùng 4 hải quân - cho biết: Vùng 4 hải quân có bốn trạm rađa tại Chóp Chài (Tuy Hòa, Phú Yên), Hòn Tre (Nha Trang, Khánh Hòa), Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) và Phú Quý (Bình Thuận). Các trạm này tạo nên một hệ thống quan sát liên hoàn trên vùng biển rộng và vùng trời Nam Trung bộ. “Chúng tôi ví những trạm rađa này là những con mắt thần của biển - ông Bình nói.

Từ điểm cao này, hai thiếu úy trẻ Vương Huy Thọ và Nguyễn Văn Hợi dùng ống nhòm tiêu cự lớn để quan sát kỹ vùng biển rộng lớn loang loáng ánh bạc trong ánh nắng mai. Thiếu úy Thọ nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là nhìn thấu những diễn biến đang xảy ra trên mặt biển và không phận tầm thấp của tỉnh Phú Yên”.

Chiếc chảo rađa trên nóc nhà của trạm liên tục quay tròn, quét “tia mắt thần” đi xa hàng chục hải lý, từ đó truyền những tín hiệu “bắt” được về trung tâm để các sĩ quan chỉ huy, trắc thủ rađa, nhân viên tiêu đồ, chiến sĩ thông tin, kỹ thuật cơ điện... giải mã. Thượng úy Trần Văn Chiến cho biết: “Với những chiến sĩ rađa của lực lượng hải quân, màn hiện sóng rađa được ví như chiến trường, còn đài, trạm là nhà, biển đảo là quê hương”.

Quen với khó khăn

Để có thể nhìn xa trông rộng, lực lượng hải quân rađa phải sống trên núi cao, khó khăn luôn thường trực. Dù chỉ cách trung tâm TP Tuy Hòa vài cây số, nhưng cách các chiến sĩ hải quân ở trạm rađa 560 sử dụng nước sinh hoạt giống như ở Trường Sa! Đường từ chân núi lên đỉnh Chóp Chài chỉ hơn 3km, nhưng nhiều đèo dốc cao, không có phương án nào đưa nước lên được.

Cả đơn vị phải sử dụng nước mưa được hứng trong một bể lớn, tích trữ trong mùa mưa và dùng dè sẻn cho cả năm. Mùa nắng nóng ở Phú Yên kéo dài nhiều tháng liền, tình trạng thiếu nước xảy ra thường xuyên, tiết kiệm nước sinh hoạt là một mệnh lệnh.

Thiếu úy Nguyễn Văn Hợi cho biết: “Chúng tôi phải dè sẻn từng giọt nước, hai ngày mới dám tắm một lần. Nước tắm xong dành để tưới cây, rau của đơn vị”. Ai cũng ý thức rằng nếu dùng nước “vung tay quá trán” thì phải... cuốc bộ xuống núi gùi từng can nước lên, mỗi lần gùi nước leo lên tới đỉnh Chóp Chài mất hai tiếng.

Khổ vì thiếu nước vào mùa nắng, nhưng mùa mưa với các chiến sĩ trạm rađa 560 cũng chẳng sướng gì. Đường lên núi toàn đèo dốc, khúc khuỷu, trơn trượt nên việc tiếp phẩm cho đơn vị gặp không ít khó khăn. Sĩ quan, chiến sĩ của trạm thường dùng thực phẩm, lương khô dự trữ.

Chốn về của những anh lính Trường Sa

“Chúng tôi gặp khó khăn nhưng chẳng đáng gì so với những khó khăn của đồng đội ở Trường Sa. Ở đất liền, chúng tôi có điều kiện hơn nên phải luôn thắp cháy ngọn lửa quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc” - thiếu úy Vương Huy Thọ thổ lộ.

Hỏi ra, chúng tôi khá bất ngờ khi biết ở trạm radar 560 là nơi có hàng chục lính Trường Sa từng công tác. Hiện tại, đơn vị còn năm người từng công tác tại Trường Sa. Nhiều trắc thủ rađa sau những ngày công tác tại Trường Sa, trở về đất liền lại được bố trí lên các trạm rađa trên núi để “hồi sức”, chuẩn bị cho các chuyến ra đảo tiếp theo.

Thiếu úy Vương Huy Thọ nhập ngũ năm 1998, đến đầu năm 2011 đã bốn lần ra vào Trường Sa làm nhiệm vụ. Còn thiếu úy Nguyễn Văn Hợi, nhập ngũ năm 2003, đến nay cũng công tác ở Trường Sa ba lần. Nhưng giữ kỷ lục ở Trường Sa lâu nhất vẫn là thiếu úy Đinh Văn Sơn, ở đảo chìm Cô Lin từ cuối năm 2003 đến tháng 10-2006 (bình thường mỗi chuyến công tác ra đảo của các trắc thủ rađa chỉ từ một đến một năm rưỡi).

“Tôi muốn thử thách và rèn sức chịu đựng, bản lĩnh của mình trong sự khắc nghiệt ở đảo chìm, vì vậy đã quyết tâm và tình nguyện xin ở lại công tác tại đảo liên tục 37 tháng. Tôi thấy như vậy còn... chưa đủ, nên chắc trong thời gian ngắn tới lại xin ra Trường Sa thôi” - thiếu úy Sơn, 27 tuổi, bộc bạch.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên