03/04/2019 12:57 GMT+7

Hai phụ nữ Việt nhận giải Hòa bình ở Hàn Quốc

ĐOÀN HỒNG LÊ
ĐOÀN HỒNG LÊ

TTO - Hai người phụ nữ Việt cùng tên Nguyễn Thị Thanh, một là nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát Hà My, một là nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị, đến Hàn Quốc nhận một giải thưởng không chỉ dành cho riêng mình.

Hai phụ nữ Việt nhận giải Hòa bình ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Hai bà Nguyễn Thị Thanh (giữa, mặc áo dài truyền thống) nói về vụ thảm sát trước Quốc hội Hàn Quốc - Ảnh: NVCC

Chiều 1-4 ở hòn đảo du lịch nổi tiếng Jeju, Hàn Quốc có hai người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn bước lên bục nhận giải thưởng Hòa bình vì nỗ lực minh bạch những sự thật lịch sử có liên quan đến binh lính Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam.

Giải thưởng Hòa bình là một giải thưởng lớn được lập bởi Tổ chức phi chính phủ Jeju 3 tháng 4 với tôn chỉ tin tưởng vào những giá trị hòa giải và dung hòa khác biệt trong giải quyết hệ lụy của thảm sát Jeju, nơi gần như toàn bộ người dân hòn đảo này bị thảm sát đẫm máu vào năm 1948.

Năm nay, giải thưởng này được trao cho hai phụ nữ Việt Nam nhằm thể hiện sự đồng cảm với những gì người dân Việt Nam đã gánh chịu trong các cuộc thảm sát do lính Đại Hàn gây ra trong chiến tranh Việt Nam, với ý nghĩa hướng đến một nền hòa bình vĩnh viễn.

"Tôi đã mất đi người mẹ, mất cả tuổi thơ. Sự việc đã xảy ra đó như một bóng đen phủ đầy ám ảnh xuống cuộc đời tôi. Nhắc mãi câu chuyện này như khoét mãi vết thương trong lòng, nhưng tôi vẫn phải làm, vì tôi mong lịch sử này đừng bao giờ lặp lại.

Bà Nguyễn Thị Thanh


Giải thưởng không chỉ dành cho riêng mình

Một ngày giữa tháng 4 năm ngoái, cũng hai người phụ nữ ấy hồi hộp bước xuống sân bay Incheon, Hàn Quốc. Đón họ là những bó hoa tươi và lời chào mừng nồng nhiệt.

Hai người cùng tên Nguyễn Thị Thanh, một là nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát Hà My, và một là nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị, đều ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Mỗi người đều có năm người thân bị lính Đại Hàn sát hại.

Đều ở tuổi ngoài 60, họ đã chứng kiến cái chết của mẹ, của anh chị em và dân làng mình vào tháng giêng năm 1968, và họ được mời đến Seoul để làm nhân chứng trong một phiên tòa đặc biệt - Phiên tòa Hòa bình công dân, xét xử tội ác của quân đội Hàn đã gây ra với thường dân trong chiến tranh Việt Nam.

Đây chỉ là một phiên tòa giả định, nhưng đó là kết quả của những cuộc vận động không mệt mỏi từ các tổ chức xã hội ở Hàn, đòi chính phủ minh bạch lịch sử về những vụ thảm sát ở miền Trung - nơi các sư đoàn Thanh Long, Mãnh Hổ đóng quân khi tham chiến ở Việt Nam.

Với sự tham gia của các luật sư, công tố viên, thẩm phán như một phiên tòa thật, cuối cùng công lý đã thuộc về các nạn nhân là thường dân Việt Nam, mà đại diện là hai bà Nguyễn Thị Thanh. Cả khán phòng như vỡ òa trong nỗi vui mừng khi luật sư bước đến và thông báo chiến thắng.

"Mọi người đến ôm chúng tôi, lúc đó tôi chỉ nghĩ có lẽ bà con làng xóm của tôi, những người đã nằm xuống cũng được an ủi phần nào" - bà Thanh nhớ lại.

Bây giờ, hai bà trở lại Hàn Quốc, với một giải thưởng không chỉ dành cho riêng mình.

Người Hàn muốn làm sáng tỏ lịch sử

Từ hơn 10 năm qua, hai bà Nguyễn Thị Thanh đã tiếp đón hàng trăm đoàn sinh viên, học sinh, nhà báo, các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc đến miền Trung tìm hiểu về các vụ thảm sát - một phần của phong trào "Thành thật xin lỗi, Việt Nam" ở Hàn Quốc từ 20 năm nay.

Trong quán nước trước nhà ở thôn Phong Nhị, ven quốc lộ 1, bà Thanh kể đi kể lại câu chuyện xảy ra với gia đình mình nhiều lần, nhưng mỗi một lần nhắc đến quá khứ đau thương đó là một lần nước mắt tuôn rơi: "Lần đầu tiên gặp lại người Hàn Quốc sau nhiều năm chiến tranh, trong tôi là một nỗi sợ hãi xen lẫn hận thù. Nhưng tôi cũng biết những thế hệ sau này không có lỗi, lỗi là ở cha ông các em. Dần dần sự thành thật của các em làm tôi thấy nhẹ bớt trong lòng".

Còn bà Thanh, nay là một công chức về hưu, thường nhắc nhở các sinh viên Hàn Quốc khi kết thúc câu chuyện của mình: "Các bạn hãy đứng bên cạnh chúng tôi, cùng với chúng tôi đi trên con đường đem sự thật này ra ánh sáng".

Chứng kiến nỗi đau của các nạn nhân, những người Hàn - phần lớn thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba sau chiến tranh Việt Nam - trở về nước với mong muốn làm sáng tỏ lịch sử. Họ thực hiện nhiều hoạt động từ thiện như trao tặng học bổng, xe đạp cho trẻ em nghèo, khám chữa bệnh ở vùng sâu vùng xa, đặt hoa ở các bia tưởng niệm, xây dựng công trình công cộng...

Hai cái tên "Nguyễn Thị Thanh" đã trở nên quen thuộc với những người Hàn tiến bộ, đã thành đại diện cho việc thức tỉnh lương tri trong xã hội Hàn, nhằm hướng đến một nền hòa bình thật sự.

20 năm "Thành thật xin lỗi, Việt Nam"

Chiến dịch "Thành thật xin lỗi, Việt Nam" được báo Hankyoreh 21 phát động từ tháng 2-1999, kêu gọi lời xin lỗi, đóng góp tài chính hỗ trợ nạn nhân Việt Nam, xây công viên hòa bình tại Việt Nam... Năm nay, chiến dịch tròn 20 tuổi.

Các hoạt động của các tổ chức Hàn Quốc cũng diễn ra với nhiều hình thức ý nghĩa như xây dựng công viên hòa bình ở Phú Yên; tổ chức các đoàn bác sĩ đến khám chữa bệnh và hỗ trợ y tế cho người dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; xây dựng nhà cho nạn nhân ở Quảng Nam; tổ chức các đoàn học sinh - sinh viên Hàn Quốc đến dự các lễ tưởng niệm; các hoạt động tìm hiểu sự thật lịch sử tại Việt Nam, xin được tha thứ...

‘Em bé napalm’ Kim Phúc nhận giải thưởng hòa bình của Đức ‘Em bé napalm’ Kim Phúc nhận giải thưởng hòa bình của Đức

TTO - Bà Phan Thị Kim Phúc, người được biết với tên gọi 'Em bé napalm' trong bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, vừa được trao giải thưởng Dresden tại Đức vì những đóng góp cho hòa bình.

ĐOÀN HỒNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên