30/12/2006 06:04 GMT+7

Hai mẹ con trên chóp núi

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Đó là hai mẹ con đã cưu mang hàng chục đứa trẻ bất hạnh và sống trên đỉnh núi Cấm ở An Hảo, Tịnh Biên (An Giang). Họ sống lặng lẽ, không muốn ai biết đến mình. Từ nơi hoang vắng đó, nhiều đứa trẻ mồ côi đã lớn lên.

GA7JTFPG.jpgPhóng to
Bà Võ Thị Ba và con trai Nguyễn Tấn Bông cùng đàn trẻ trước sân nhà - Ảnh: Q.Vinh
TT - Đó là hai mẹ con đã cưu mang hàng chục đứa trẻ bất hạnh và sống trên đỉnh núi Cấm ở An Hảo, Tịnh Biên (An Giang). Họ sống lặng lẽ, không muốn ai biết đến mình. Từ nơi hoang vắng đó, nhiều đứa trẻ mồ côi đã lớn lên.

Cổ tích trên chóp núi

Tôi lên núi Cấm để tìm mẹ con bà Ba - người cưu mang những đứa trẻ. Hỏi thăm những cư dân đầu tiên gánh hàng xuống núi, nhưng một số đều lắc đầu chưa từng biết có bà Ba nào nuôi đám trẻ mồ côi trên đỉnh núi heo hút này. Một người dân ở bìa rừng mách bảo: “Hình như trên núi có chú Út Bông thỉnh thoảng hay xuống núi tìm mua tã, sữa cho con nít”. Bất ngờ từ xa xa thấy bóng một người đàn ông đang gánh trên vai hai giỏ củ su, chuối và măng rừng xuống núi. Người đàn ông ngạc nhiên hỏi tôi lên núi tìm Út Bông có việc gì và tự giới thiệu chính mình là Út Bông.

Tôi theo anh Út Bông vượt dốc lên núi. Đường đi rậm rì cây rừng, dày đặc sương mai. Trước sân nhà là bầy trẻ đang ở tuổi lá, tuổi mầm tranh nhau gọi “Cha, cha về...” lảnh lót. Tiếng cha con mừng nhau vọng vào vách núi ngân vọng, khung cảnh ấm áp xua tan cái lạnh giá của rừng núi. “Bà nội” của chúng mái tóc bạc phơ phúc hậu từ trong nhà bước ra: “Mấy đứa chào chú chưa, không bà đánh đòn bây giờ”. Bọn con nít rón rén một hàng dọc khoanh tay: “Chào chú”.

j2atLNL5.jpgPhóng to
Bốn cư dân núi đã từng bị bỏ rơi ở bệnh viện (từ trái qua) : Sơn Giàu, Sơn Tự, Sơn Ngọc và Sơn Hương bây giờ sống vui với bà nội và cha - Ảnh: Q.Vinh

“Đứa trẻ đầu tiên tôi nuôi là từ dưới phố chứ không phải trên này” - bà Ba nói. Bà vẫn nhớ như in hình ảnh một sản phụ trẻ tuổi, không người thân, không một đồng trong túi, tay ôm bụng kêu đau trên ghế đá bệnh viện tại Cần Thơ mấy năm trước. Bà Ba thương quá nên lo miếng ăn nơi nghỉ, chuẩn bị thuốc thang khăn giấy và đóng tất cả các khoản viện phí.

Sau khi đứa trẻ ra đời, mẹ đứa trẻ van xin: “Bà nhận nó nuôi giúp con, con không chồng, không nhà cửa, lại thêm hai đứa đang gửi người ta nuôi”. Bà Ba nói: “Thôi thì thương người như thể thương thân, tôi xin nhận nuôi đứa bé không cha cơ nhỡ này. Nhưng nhà tôi ở tận trên núi, nếu sau này chị muốn nhận lại con thì cứ lên núi Cấm tìm tôi, tôi nuôi giùm chị thôi”.

Anh Út Bông tiếp chuyện: “Lúc đầu tôi tưởng má tôi chỉ nuôi một đứa làm phước giúp người hoạn nạn, ai ngờ thỉnh thoảng vài ba tháng khi đi rẫy về, tôi lại thấy má ẵm thêm đứa nữa về nhà. Ở lâu dần với những đứa trẻ không cha không mẹ rất đáng thương nên tôi coi chúng như con ruột”.

Những đứa trẻ sơ sinh bà Ba mang về toàn là trẻ xanh xao, bệnh tật, móp đầu, quéo tay... Bắt đầu từ thằng Ngọc, thằng Thanh, thằng Hương rồi đến thằng Giàu, con Như, có khi một năm bà mang về nuôi 2-3 đứa. “Má tôi thường lượm các cháu ở đâu đó trong tình trạng tưởng chết rồi, vậy mà giờ đây đám trẻ vẫn khỏe mạnh. Chúng dễ thương lắm” - anh Út Bông hãnh diện nói về “đàn con” của mình.

Lời ru giữa đại ngàn

Đêm đã khuya, chín đứa cháu của bà Ba đã an giấc trong hai cái mùng lớn dài trên 5m. Tiếng gió rít qua khe cửa vẫn không át được lời ru của bà Ba, chốc chốc bà lại rảo một vòng xem có đứa nào rơi xuống sàn hay lăn ra khỏi mùng không. Những ngày mưa nắng thất thường, cùng lúc có nhiều cháu đổ bệnh nóng sốt, anh Út Bông phải tạm gác việc nương rẫy xuống núi chạy thuốc chữa bệnh cho các cháu. Về đến nhà anh lại phải tắm giặt đút mớm cho chúng. Cái hố to sau nhà chứa vô số vỏ hộp sữa, tã giấy... của trẻ nhỏ. Tình thương yêu những đứa trẻ bất hạnh trong anh Út Bông ngày một lớn, cha con lúc nào cũng quấn quýt, đi đâu lâu là anh cũng nhớ lo về con.

eWFF3Xlt.jpgPhóng to
Chăm sóc giấc ngủ cho đàn cháu hằng đêm - Ảnh: Q.Vinh

Anh Út Bông cảm thấy rất hạnh phúc khi lần giở từng trang cuốn album với hình ảnh đàn con từ lúc đầy tháng, thôi nôi... Anh nói đã cùng mẹ nuôi đàn con không cùng máu mủ bằng tình thương yêu của một người cha đầy trách nhiệm. Khi chưa có mấy đứa nhỏ, với đất đai khai khẩn anh đủ sức nuôi mẹ già, thậm chí còn dư dả; nhưng từ hồi có bọn trẻ, anh phải lên rẫy sớm hơn, về nhà muộn hơn.

Vất vả đã đành, lại còn thêm nhiều điều tiếng. Bà Ba kể: “Tội nghiệp thằng Bông nuôi con làm phước vậy mà có người nghĩ xấu nói nó đi lăng nhăng rồi ôm của nợ về nhà ém giấu”. Nỗi lo lớn nhất của anh Út Bông bây giờ là chuyện học hành cho bọn trẻ, trường cấp I ở xa, đường đi hiểm trở, làm sao những bàn chân nhỏ có thể một mình đến trường. Bấm tay nhẩm tính, anh nói năm tới thằng Ngọc đến tuổi đi học, năm sau sẽ có thêm hai đứa và năm sau nữa sẽ có năm đứa cùng đến trường, chưa biết đưa đón mấy đứa trẻ ra sao.

Ngồi nghe cha bàn chuyện đi học khó khăn, bọn trẻ cứ tròn mắt nhìn. Ngọc, 5 tuổi, ôm cổ cha õng ẹo: “Con hổng đi học, đi rẫy với cha hà!”, còn Tự sà vào lòng anh Út Bông nũng nịu: “Con ở nhà với cha”... Có nhiều cách cho chuyện học của con đã được anh Út Bông cân nhắc, nhưng cuối cùng anh quyết định để tự mình lo đưa đón con bởi đám nhỏ không chịu xa núi, xa cha. Nhiều lần ai đó nhắc đến chuyện tìm người làm vợ để đỡ đần, anh Út Bông thật thà nói: “Tôi sợ khó có người phụ nữ nào đồng ý lấy chồng kèm chín đứa con. Tôi thương con lắm, sợ chúng buồn”.

* * *

Đêm xuống chóp núi rền rã tiếng côn trùng. Hai mẹ con bà Võ Thị Ba (69 tuổi) và anh bộ đội phục viên Nguyễn Tấn Bông (sinh 1965) vẫn à ơi tiếng ru vỗ về giấc ngủ cho đàn con mồ côi yên giấc.

------------

Ông thành lập một tổ chức nhân đạo cưu mang gần 700 đứa trẻ lang thang không nhà. “Nhiều người nói tôi làm chuyện bao đồng, nhưng thử hỏi nếu ai cũng nghĩ như vậy thì cuộc sống này sẽ ra sao?”.

Kỳ tới:“Hiệp sĩ” của người nghèo

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên