19/06/2015 00:10 GMT+7

​Hai đối tượng chính cần thông tin về hội nhập

Nguồn: Bộ Công Thương
Nguồn: Bộ Công Thương

Bộ Công Thương vừa xây dựng đề án tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó nêu 2 đối tượng chính hướng tới của đề án là cán bộ quản lý Nhà nước địa phương và doanh nghiệp.

Theo đề án này, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối trong tuyên truyền sẽ chuyển trọng tâm từ hội nhập ngoài nước (được thực hiện bởi các cuộc đàm phán cấp bộ hay cấp Chính phủ) sang hội nhập trong nước (việc thực thi của các doanh nghiệp, xã hội), từ phổ biến đến hướng dẫn, từ giới thiệu đến thực thi cam kết.

Đi liền với đó, nội dung và hình thức thông tin, tuyên truyền cũng phải phù hợp với đặc thù của các địa phương, nhóm địa phương, từng vùng miền và từng nhóm đối tượng.

Đề án nêu các đối tượng thực hiện mà trọng tâm là cán bộ quản lý Nhà nước tại địa phương, theo các khu vực, cụm, nhóm địa phương có cùng đặc thù và các doanh nghiệp, theo các hiệp hội, nhóm ngành hàng, cụm khu công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cụ thể.

Dự kiến, các hoạt động thông tin tuyên truyền trọng tâm trong năm 2015 bao gồm những nội dung: tuyên truyền về Cộng đồng kinh tế ASEAN; về các hiệp định thương mại tự do; cơ hội và thách thức đối với các nhóm ngành hàng cụ thể, các nhóm doanh nghiệp cụ thể trong việc thực hiện các cam kết hội nhập; cách thức lồng ghép nội dung hội nhập kinh tế quốc tế vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

hinh-1-1434623677.jpg

Đối với các doanh nghiệp, đề án sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các ngành hàng sản xuất quan trọng, các ngành hàng xuất nhập khẩu lớn; các ngành chịu nhiều tác động: nông nghiệp, phân phối bán lẻ…; doanh nghiệp thuộc các ngành mới nổi; doanh nghiệp các ngành hàng được Nhà nước ưu tiên phát triển.

Các doanh nghiệp cho rằng Bộ Công Thương cũng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm thông tin, tuyên truyền về hội nhập của các nước khác trên thế giới, nhất là những nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... do đây là những nước có nhiều kinh nghiệm về hội nhập kinh tế.

Đón đầu trước việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay thì nhiều doanh nghiệp của Thái Lan, Malaysia đã đầu tư vào Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất chậm chạp, chỉ đang “nghe ngóng” thông tin và cơ hội.

Được biết, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các cuộc tọa đàm tại các thành phố lớn của cả nước để tiếp nhận góp ý của các bên liên quan nhằm hoàn thiện đề án.

Nguồn: Bộ Công Thương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên