Hai tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) neo đậu tại căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam - Ảnh: SCMP
Chi tiết kế hoạch, thời gian thành lập hải đoàn cứu hộ tàu ngầm được giữ kín và chỉ được chính thức xác nhận trong một phiên thảo luận nhóm của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18-10.
"Quân đội phải được chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến", ông Ke Hehai - chính ủy đơn vị nói với tờ Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc nhật báo.
Đơn vị số 2
Theo Nhân Dân nhật báo - tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiệm vụ chính của những hải đoàn này là triển khai các phương tiện cứu hộ, trục vớt và người nhái trong trường hợp khẩn cấp, đảm bảo thiệt hại tối thiểu nhất có thể. Trong trường hợp cần thiết, các hải đoàn có thể tiến hành các chiến dịch cứu hộ trên biển.
Thực tế, hải đoàn cứu hộ tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải là đơn vị thứ 2 được thành lập của Hải quân Trung Quốc.
Năm 2011, Hạm đội Bắc Hải (đặc trách khu vực Hoàng Hải và vịnh Bột Hải) đã thành lập một hải đoàn cứu hộ tương tự nhằm giảm thiểu tối đa mất mát trong các tai nạn tàu ngầm.
Tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo (867) triển khai tàu lặn trong cuộc diễn tập hải quân Vành đai Thái Bình Dương chung với Mỹ năm 2016 - Nguồn: YouTube
Năm 2003, 8 năm trước khi hải đoàn cứu hộ tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Trung Quốc được thành lập, một vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của 70 thủy thủ. Cho đến bây giờ, điều gì đã khiến tàu ngầm lớp Minh số hiệu 361 của Hải quân Trung Quốc chìm xuống vịnh Bột Hải và mãi đến 10 ngày sau mới được phát hiện vẫn còn là điều bí ẩn.
Mang tiếng thuộc Hạm đội Bắc Hải, thực tế đơn vị này chịu trách nhiệm cho tất cả các hoạt động cứu hộ trên biển của Hải quân Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhân lực và thiết bị của đơn vị này phải trải dài mỏng manh khi Hải quân Trung Quốc ngày càng mở rộng khu vực hoạt động.
Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nhận định việc chỉ có một hải đoàn cứu hộ đã giới hạn đáng kể tầm hoạt động của Hải quân Trung Quốc, để lại nhiều khoảng trống trong trường hợp khẩn cấp.
Thế nhưng, việc thành lập thêm một hải đoàn và để nó trực thuộc Hạm đội Nam Hải, hướng thẳng xuống Biển Đông - nơi Trung Quốc đang có các yêu sách chủ quyền vô lý, là một chỉ đấu đáng lo ngại.
"Sẵn sàng chiến đấu"
Tàu lặn được trang bị cho tàu cứu hộ tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc - Ảnh: Chinamil
Ni Lexiong, một nhà bình luận quân sự tại Thượng Hải (Trung Quốc), nhận định hải đoàn cứu hộ là dấu hiệu cho thấy Hạm đội Nam Hải sẽ còn nhiều việc sắp làm trong thời gian tới.
"Làm sao có thể suốt ngày nhấn mạnh yếu tố sẵn sàng chiến đấu của một hạm đội mà lại thiếu đi đơn vị cứu hộ. Trong trường hợp chiến tranh, hải đoàn này sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng", ông Ni nói với báo South China Morning Post.
Nam Hải là hạm đội được Trung Quốc giao nhiệm vụ đặc trách Biển Đông và là đơn vị đã can dự vào hầu hết các biến cố tại khu vực. Nó được ví như "con cưng" của Hải quân Trung Quốc.
Các tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc phần lớn thuộc biên chế của Hạm đội Nam Hải. Căn cứ tàu ngầm lớn nhất và hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc đặt tại Tam Á trên đảo Hải Nam, hướng thẳng ra Biển Đông.
"Trong trường hợp xảy ra sự cố, các tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải sẽ không thể trông chờ vào hải đoàn cứu hộ của Hạm đội Bắc Hải", ông Collin Koh - chuyên gia về an ninh hàng hải thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nói với báo Straits Times.
Theo ông Koh, với việc các nước trong khu vực đang gia tăng sức mạnh hải quân, nguy cơ va chạm hay xảy ra sự cố giữa các tàu ngầm ngày càng lớn hơn trước.
Tuy nhiên, đồng quan điểm với các chuyên gia quân sự khác, ông Koh cho rằng sự xuất hiện của hải đoàn cứu hộ sẽ gia tăng đáng kể phạm vi và tần suất hoạt động của Hạm đội Nam Hải.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong báo cáo chính trị tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10, đã đặt ra mục tiêu biến quân đội Trung Quốc trở thành một trong những lực lượng hàng đầu thế giới trong vòng 30 năm tới.
Điều đó đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều hải đoàn cứu hộ, tàu khu trục, tàu ngầm thế hệ mới và tàu sân bay xuất hiện. Đặt vào tình hình khu vực, đó rõ ràng là một tín hiệu gây quan ngại.
Việt Nam đóng tàu cứu hộ tàu ngầm cho Hải quân Úc
Hải quân Úc hiện đang vận hành hai tàu cứu hộ tàu ngầm có tên Besant và Stoker cực kỳ hiện đại. Điều đặc biệt, cả hai tàu này đều do Việt Nam thi công đóng mới.
Hai tàu nói trên là sản phẩm của dự án liên kết giữa Nhà máy Z189 - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng với Công ty đóng tàu Damen (Hà Lan).
Tàu cứu hộ Besant khi được bàn giao cho Hải quân Úc - Ảnh: Dutch Mariner
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận