06/03/2016 09:00 GMT+7

Hai cha con chung cột mốc chủ quyền

 TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TT - Chiếc xuồng CQ vừa cập cầu cảng đảo Sơn Ca (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), từng nhóm tân binh nối chân nhau bước lên đảo, chỉnh lại trang phục để chuẩn bị làm lễ chào đơn vị mới.

Hai cha con thượng tá Vũ Duy Khánh bên cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: Trường Trung
Hai cha con thượng tá Vũ Duy Khánh bên cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: Trường Trung

Đến lượt mình, anh lính trẻ có khuôn mặt đen sạm nghiêm trang đánh tay chào các thủ trưởng. Bước tới trước vị thủ trưởng của đảo, anh đưa tay làm động tác chào rồi thốt lên: “Bố!”.

Thủ trưởng... bố

Anh lính trẻ là binh nhì Vũ Duy Anh (18 tuổi, quê ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), còn người bố thủ trưởng của anh là thượng tá Vũ Duy Khánh, chính trị viên đảo Sơn Ca.

Sau phút giây mừng mừng tủi tủi, ông Khánh đưa hai tay chắc nịch vỗ vai cậu con trai rồi quay sang tâm tình với người đồng đội bên cạnh: “Gần ba năm rồi mới gặp lại cháu nó. Tuổi này nó lớn nhanh quá, lại đen ra vì nắng gió thao trường nên mình không hình dung nổi”.

Nhìn con trai với đôi mắt mãn nguyện, ông ôm chặt con thêm lần nữa, đôi tay vẫn dúi đầu con vào vai mình rồi vỗ về như lúc con còn thơ dại.

Sau khi kéo tay tôi nhờ chụp giùm vài tấm hình kỷ niệm với con trai để mang về cho gia đình xem dịp về phép, thượng tá Khánh nói: “Hai cha con được công tác chung đảo cũng bất ngờ lắm chú à. Nhiệm vụ huấn luyện là bí mật, cháu không được phép dùng điện thoại nên từ khi cháu vào quân ngũ tôi cũng chưa nói chuyện trực tiếp. Tôi rất mừng vì thấy nó chững chạc ra nhiều so với hồi đi học”.

Với Duy Anh, việc được sát cánh bên bố trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc tại Trường Sa được giữ bí mật đến phút chót. Chỉ ít hôm trước ngày lên tàu ra đảo, đơn vị mới thông báo đến từng chiến sĩ. Khi nghe đọc tới tên mình, Duy Anh đã nhảy lên sung sướng vì biết rằng sẽ được gặp bố.

“Cấp trên thông báo xong là em mất ngủ vì háo hức. Hai năm vừa rồi bố ăn tết xa nhà. Cứ mỗi khi pháo hoa giao thừa nổ, ba mẹ con em ngồi trước tivi nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước gửi đến đồng bào chiến sĩ thì mẹ lại ứa nước mắt không biết bố ngoài ấy thế nào. Hồi trước khi vào Khánh Hòa đóng quân, mẹ em cũng ao ước được nhìn thấy nơi bố công tác. Nay em được ra đây, biết nơi bố sống, mẹ cũng yên tâm hơn vì hai bố con được bên nhau” - Duy Anh nói.

Nhiệm vụ trên hết

Sau bữa cơm trên đảo, gặp lại thượng tá Khánh, tôi hỏi thăm chắc mấy tối nay hai bố con anh tha hồ chung giường trò chuyện, ông xua tay: “Không có đâu! Quy định là quy định, ở đây không giống ở nhà, lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Dù vợ con hay ai đi nữa cũng chỉ được gặp nhau, trò chuyện riêng ngoài giờ làm nhiệm vụ thôi. Mình là cấp trên phải thực hiện nghiêm anh em mới tuân thủ”.

Đêm trước ngày bố rời đảo để về phép, Duy Anh tranh thủ viết một lá thư cho mẹ để bố mang về. Duy Anh nói sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục thi vào Học viện Hải quân để theo nghiệp bố.

“Em nhớ ngày còn nhỏ, mỗi đợt bố về phép đều mang quà biển về. Đó là những con sò biển và vô số chuyện kể về các loài cá. Cảm xúc lúc đó cho đến bây giờ khi ra đóng quân tại đảo vẫn y nguyên. Duy chỉ một điều khác lạ là biển rộng mênh mông còn đảo của mình lại bé nhỏ, trong tưởng tượng của em đảo hùng vĩ hơn nhiều” - anh binh nhì gãi đầu cười.

Hôm chia tay, thượng tá Khánh dẫn con trai đi quanh đảo, tranh thủ chào anh em trước khi về phép.

Đời binh nghiệp của thượng tá Khánh bắt đầu từ năm 1994 tại Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân. Cưới vợ năm 1997 rồi gắn bó với Cam Ranh, với các đảo ở Trường Sa (Khánh Hòa) suốt từ đó.

Hơn hai thập kỷ xa gia đình, thượng tá Khánh nhẩm tính mỗi năm chỉ quây quần với vợ con được mấy ngày.

“Vừa rồi tính chế độ bảo hiểm tôi mới sực nhớ ra thời gian ở đảo của tôi đã nhiều hơn 120 tháng. Bây giờ thì ngôi nhà bốn người của tôi chia thành hai bếp, hai cha con chung bếp ở Trường Sa, vợ và con gái lớp 10 thì bếp ở quê Nam Định. Đàn ông sóng gió xa cách thế nào cũng chịu được, chỉ tội hai mẹ con ở nhà” - thượng tá Khánh nói.

Thượng tá Khánh còn cho biết những đợt về phép lúc nào cũng cho ông nhiều cảm xúc nhất. Trong chuyến về phép này, ông Khánh đi quanh tàu hỏi thăm anh em đồng hương về tình hình ở đất liền.

Ông không quên đùa rằng quà xuân của con gái lần về phép này là cái máy tính và cây bàng vuông như đã hứa, còn quà xuân của vợ là... ông chồng.

“Ra đảo lâu quá về đất liền lại thấy mình lạc hậu, xài tiền hay chạy xe máy cứ lóng ngóng thế nào ấy. Nhưng đảo như nhà, về phép rồi lại nhớ đến da diết” - ông tâm sự.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên