13/08/2013 06:18 GMT+7

Hà Nội xây 30-35 trường chất lượng cao

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Xây dựng, mở rộng mô hình trường chất lượng cao là một trong những mục tiêu ngành GD-ĐT Hà Nội đặt ra với năm học mới 2014-2015. Theo đó, Hà Nội dự kiến xây dựng 30-35 trường chất lượng cao, với các tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp dạy học và dịch vụ giáo dục đạt chất lượng.

bIcMgTof.jpgPhóng to
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM trong ngày tựu trường sáng 12-8 - Ảnh: như HÙNG

Hiện có 14 trường áp dụng thí điểm mô hình này. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, để chính thức “treo biển chất lượng cao”, các trường này sẽ phải trải qua quá trình kiểm định chất lượng và theo chu kỳ 4-5 năm đánh giá lại một lần. Ngoài ra, các trường này cũng có thể phải chịu sự kiểm tra, thanh tra đột xuất ở nhiều vấn đề khác nhau.V.Hà

Ngày tựu trường lỗi nhịp

Ngày 12-8, học sinh phổ thông cả nước tựu trường. Với những học trò lớp lớn, tựu trường nghĩa là tạm biệt những thú vui của mùa hè, quay trở lại với phấn bảng, với thầy cô, bè bạn. Tựu trường với những học sinh lần đầu đi học là khoảnh khắc đầu đời để biết rằng cánh cổng trường với bao điều lý thú, lạ kỳ đang vẫy gọi. Một khái niệm thật mới mẻ, đầy hào hứng, khiến những trái tim non nớt phải chộn rộn, chờ mong. Giống như dòng tự sự của nhà văn Thanh Tịnh trong ngày đầu đi học: “Cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”... Mẹ vẫn dắt tay từng bước, vẫn tấm áo mới trắng tinh khôi, vẫn cặp sách trên vai, vẫn tập trung ở sân trường nghe thầy cô dặn dò rồi được thầy cô đưa vào lớp, chia chỗ ngồi... Nhưng cái cảm xúc ngày tựu trường của học sinh ngày nay hình như không còn trọn vẹn như trước.

Trước, ngày tựu trường của học trò và ngày khai giảng là một. Có cờ, hoa, có lễ và có hội, có màn chào đón học sinh mới, có những bài hát về mái trường, có phần phát biểu của thầy hiệu trưởng, có tiếng trống báo hiệu một năm học mới đã đến, đầy hứng khởi. Cảm xúc của ngày tựu trường lúc ấy có những bỡ ngỡ, lo âu và cả những hân hoan của sự khởi đầu. Mọi sự khởi đầu đều cần được đánh dấu. Và ngày khai giảng 5-9 từ lâu đã trở thành cột mốc đánh dấu sự khởi đầu của một năm học. Ngày khai giảng thường được đánh dấu đỏ trong tờ lịch, từ lâu đã trở thành một khái niệm bất biến.

Tiếc thay, những cảm xúc về ngày khai giảng ấy chỉ còn lưu lại trong ký ức. Để thực hiện cái gọi là “giảm tải” chương trình học và chủ trương “giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết”, học sinh phải đến trường ba tuần trước ngày khai giảng. Đó là ba tuần thực học để chia bớt gánh nặng bài vở của cả một năm học. Học sinh ngơ ngác giã từ mùa hè sớm dù còn nhiều quyến luyến và bắt đầu một năm học mới thật đột ngột. Để rồi ba tuần sau đó, khi đã quen với bạn bè, thầy cô, khi những xúc cảm, những ngỡ ngàng về trường lớp đã nguội đi, các em lại được dự một lễ khai giảng bài bản để đánh dấu năm học mới đã đến. Dù rằng với các em, năm học mới đã đến từ trước đó ba tuần. Cờ, hoa, tiếng trống trường đến trễ, bỗng dưng trở thành hụt hẫng.

Cảm xúc của học trò về ngày khai giảng đã nguội ngắt. Lễ khai giảng trở thành một công việc đầy tính hình thức. Xong phần lễ, học trò lại tiếp tục bài học dang dở. Một ngày lễ thiêng liêng và sẽ thành ký ức để đời của bao thế hệ học trò giờ đây lỗi nhịp. Sẽ chẳng còn câu chuyện “tôi đi học” đầy thơ mộng, trong trẻo như câu chuyện của nhà văn Thanh Tịnh. Không biết ai sẽ trả lại những cảm xúc ngọt ngào ấy cho những học trò thời hiện đại khi ngày tựu trường đến sớm...

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên