Khánh Linh hát Cuộc đời tôi - Ảnh: Quang Anh
Chưa rõ số vé bán ra chiếm bao nhiêu phần trăm so với vé mời, vé tặng; nhưng khán phòng trong đêm diễn 28-11 tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội đã được phủ kín.
Đây rõ ràng là sự khích lệ lớn đối với một nhà hát vốn hoạt động trong cơ chế bao cấp như Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Thăng Long khi đưa tác phẩm thuộc hàng công phu nhất trong năm ra "thử lửa thị trường".
Hồng Nhung hát Về với đông
Khó có thể gọi là nhạc kịch
Đem công diễn bằng cách bán vé "tay bo", Hà Nội ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ ít nhiều gây tò mò với kỳ vọng về một chương trình nghệ thuật "đáng xem", nhất là khi được cho rằng tác phẩm được dàn dựng với hình thức nhạc kịch Broadway.
Thực tế, trong thời lượng khoảng 80 phút, khó có thể gọi Hà Nội ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ là "chuẩn nhạc kịch". Yếu tố "kịch" thể hiện qua câu chuyện tình yêu của đôi bạn trẻ trải qua suốt chiều dài lịch sử gắn với Hà Nội.
Tấn Minh hát Khúc tráng ca Hà Nội
Chỉ có một vài lời thoại, không có diễn kịch, mà chỉ có những hoạt cảnh, những màn múa, những ca khúc móc nối với nhau... Nếu không khắt khe, có thể gọi đây là "chương trình nghệ thuật mang màu sắc nhạc kịch".
Với việc tạo nên món ăn vẫn còn mới và hiếm với sân khấu Việt, khi Hà Nội ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018 tạo nên sự khác lạ là đúng thôi.
Đông Hùng - Bảo Trâm hát Lá thư viết vội.
Ngoài 3 huy chương vàng cho cá nhân gắn với những ca khúc mới, Hà Nội ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ còn giành huy chương vàng toàn đoàn cho vở diễn, đoạt giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất cho Trần Ly Ly, Nhạc sĩ xuất sắc nhất cho Dương Cầm, 3 huy chương bạc dành cho các tiết mục. Đây là kết quả tốt nhất mà một nhà hát đạt được tại hội diễn.
Khi đem ra sân khấu lớn trước hàng nghìn khán giả, Hà Nội ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ đã được "gia cố" thêm cho đầy đặn hơn, có thêm sự tham gia của khách mời - diva Hồng Nhung. Tuy vậy, dù có đủ sự lấp lánh, rực rỡ, Hà Nội ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ vẫn chưa đủ sức "hâm nóng" khán giả.
Hiền Anh hát Gọi anh.
Ca được 8 điểm, kịch được 5
Điểm sáng lớn nhất của chương trình là ở cách dàn dựng khi gần 20 tiết mục được xen kẽ, kết nối nhịp nhàng, các ca khúc cũ hòa quyện vào những ca khúc mới (chiếm phần khá lớn).
Với cách kể chuyện đơn giản theo kiểu tuyến tính, từng ca sĩ hoặc nhóm ca sĩ lần lượt phác họa chân dung Hà Nội qua nhạc Phạm Duy, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang... đến những tác giả trẻ hôm nay như Dương Cầm, Duy Hùng, Yên Hoa, Vũ Cát Tường... Nhiều ca khúc cũ được làm mới, với bản phối mới được ban nhạc chơi "live" ngay trên sân khấu.
Hồng Nhung hát Phố à... Phố ơi...
Việc khai thác cách thể hiện của sân khấu kịch để ghép nối các tiết mục và cách xếp đặt sân khấu nhịp nhàng, không có thời gian "chết" là công lao cũng có của đạo diễn Trần Ly Ly. Hai màn múa cũng là điểm cộng của một chương trình hát liên tục.
Còn một điểm đáng nói hơn là chương trình sở hữu dàn ca sĩ thực sự chất lượng. Ngoài Hồng Nhung là Tấn Minh, Khánh Linh, Khánh Hòa, Lô Thủy, Hiền Anh, Đông Hùng... đều chính phục lần lượt nhiều ca khúc có độ khó cao.
Riêng Hồng Nhung, trước đêm diễn cô phải nhập viện vì kiệt sức, vì muốn ủng hộ chương trình mà cô vẫn hát 2 bài và theo tin từ ban tổ chức, ngay sau đó cô tiếp tục nhập viện.
Hồng Nhung hát Về với đông.
Một điểm có thể được đánh giá cao ở Hà Nội ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ là có nhiều ca khúc mới. Tại hội diễn, chính những tác phẩm mới này đã mang lại 3 huy chương vàng, đó là Khúc tráng ca Hà Nội (sáng tác Dương Cầm, biểu diễn Tấn Minh), Cuộc đời tôi (sáng tác Nguyễn Thanh Thủy, biểu diễn Khánh Linh), Lá thư viết vội (sáng tác Dương Cầm, biểu diễn Đông Hùng - Bảo Trâm).
Tuy nhiên, những ca khúc này cũng chưa thực sự là "vàng mười" vì lời ca còn nhiều sáo mòn. Những ca từ như "tình yêu đẹp mãi", "Hà Nội đẹp trong từng ký ức"... được nhấn nhá, nhưng chúng đã quá quen để có thể đọng lại hay chạm đến trái tim khán giả.
Về tổng thể, Hà Nội ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ là sự ghép nối các tiết mục ca hát để tạo thành một câu chuyện âm nhạc xuyên suốt, kể về Hà Nội từ một thời đạn bom đến ngày hôm nay.
Một đoạn 'nhạc kịch' của vở diễn
Tuy nhiên, nếu phần "ca" được 8 điểm thì phần "kịch" chỉ được 5 điểm. Có thể thấy ngay kịch bản của chương trình quá đơn giản, cũ, thiếu hoàn toàn sự hấp dẫn, không có điểm nhấn có thể đọng lại trong người xem. Màu sắc tuyên truyền và hình ảnh Hà Nội hiện diện trong chương trình vẫn mang những màu an toàn thường thấy.
Dù là chi tiết nhỏ nhưng cho thấy "tư duy hội diễn nhà nước" vẫn còn rơi rớt ở một chương trình bán vé, đó là mở đầu chương trình, cô gái mặc áo dài ra nói vài câu nửa như đọc thơ nửa như diễn cảm về một "Hà Nội đẹp" - như "khóa cứng" về toàn bộ những gì sẽ diễn ra phía sau.
Một số hình ảnh đêm diễn:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận