13/08/2024 09:42 GMT+7

Hà Nội mạnh tay tiêu hủy chó thả rông để ngăn bệnh dại bùng phát

Sóc Sơn, Hà Nội đang là điểm nóng của bệnh dại khi có nhiều người bị chó cắn và phơi nhiễm với bệnh dại.

Hà Nội mạnh tay tiêu hủy chó thả rông để ngăn bệnh dại bùng phát- Ảnh 1.

Trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận 100 ca tử vong do chó mèo bệnh cắn, cào làm lây lan bệnh dại

Hiện nay, những người bị chó dại cắn hồi cuối tháng 7 đang được theo dõi chặt chẽ và chích ngừa vắc xin dại, huyết thanh dại đầy đủ. Sở Y tế Hà Nội nhận định bệnh dại sẽ có diễn biến phức tạp ở những huyện nội thành. Ngành thú y thủ đô yêu cầu các địa phương hễ gặp chó thả rông là bắt lại, tiêu hủy, không kiêng nể.

Hà Nội có hàng chục người phơi nhiễm với bệnh dại

Thời điểm cuối tháng 7 vừa qua, huyện Sóc Sơn ghi nhận 3 ổ dịch dại trên chó liên quan đến 3 xã Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân. Hiện đã có 10 người phơi nhiễm với 3 con chó dại, những người này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại theo đúng quy định.

Người bị cắn nặng nhất là 1 nam bảo vệ điểm tham quan du lịch Việt Phủ Thành Chương. Nạn nhân bị con chó dại cắn vào giữa trán, là vết cắn rất nguy hiểm vì gần thần kinh trung ương.

Bác sĩ Hoàng Lưu Sa, phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết: "Các nạn nhân đang được theo dõi chặt chẽ. Những người bị chó dại cắn đều nhanh chóng đến Trung tâm Y tế tư vấn và chích ngừa vắc xin dại, đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh chích ngừa huyết thanh kháng dại. Nhưng trường hợp có vết cắn ở vùng đầu - mặt - cổ chưa thể khẳng định là đã an toàn hay chưa".

Sở Y tế Hà Nội nhận định tình hình bệnh dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 6 ổ dịch dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn, 27 người phải điều trị dự phòng bệnh dại.

Trong đó 12 người bị cắn và 15 người tiếp xúc với chó dại (cho chó ăn, chăm sóc chó, giết mổ chó, lấy mẫu chó dại không có bảo hộ). Sở Y tế Hà Nội yêu cầu người dân cần đến ngay trung tâm y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không tự chữa bằng thuốc nam hoặc các biện pháp truyền miệng không có cơ sở khoa học.

Chó thả rông có thể bị tiêu hủy

UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh dại. Trong 1 tuần qua, huyện này đã xử phạt 1 hộ nuôi chó và tiêu hủy nhiều con chó, xử phạt một cách quyết liệt, không kiêng nể.

Xã Hiền Ninh đang là điểm nóng bệnh dại của huyện Sóc Sơn. Xã này dành 1 khu vực ngoài cánh đồng để tiêu hủy chó thả rông. Những con chó thả rông đều bị đội chuyên trách của xã bắt lại.

Sau 48 giờ chủ nuôi không đến nhận và nộp phạt, đội chuyên trách đem đi tiêu hủy. Trong 1 tuần qua, xã này đã có 7 con chó bị tiêu hủy, 1 trường hợp chủ nuôi đến nhận chó và tình nguyện nộp phạt 1 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Hà, trưởng Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, cho biết: "Huyện có đàn chó lớn nhất thủ đô, hầu như gia đình nào cũng nuôi chó, xã Hiền Ninh có 3.000 hộ dân thì có tới 4.000 con chó. Sau khi có tình trạng chó dại cắn người, huyện đã kích hoạt lại đội bắt chó thả rông ở các xã, thị trấn. Lực lượng này được chỉ đạo làm mạnh tay, gặp chó thả rông, không rọ mõm là bắt nhốt lại, sau 48 giờ chủ nuôi không nhận sẽ mang đi tiêu hủy".

Hiện Huyện Sóc Sơn đang triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, với tỉ lệ đạt rất cao, trên 90%.

Đội thu giữ chó thả rông tại TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Đội thu giữ chó thả rông tại TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Vì sao huyện Sóc Sơn luôn là điểm nóng bệnh dại của Hà Nội?

Huyện Sóc Sơn nhiều năm qua vẫn là điểm nóng về bệnh dại của Hà Nội. Mặc dù nhiều quận, huyện khác của thủ đô nhiều năm không xuất hiện bệnh dại trên đàn chó, mèo nhưng huyện Sóc Sơn thì thường xuyên bùng phát dịch.

Ông Ngô Đình Loát, phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội, cho biết: "Qua thực tế giám sát bệnh dại nhiều nơi, tại huyện Sóc Sơn vẫn còn mầm bệnh tiềm ẩn, nguy cơ dịch bệnh lan rộng toàn huyện nếu không kiểm soát tốt bệnh dại trên động vật.

Huyện Sóc Sơn có tổng đàn chó lớn nhất Hà Nội với khoảng 9.000 con chó. Đàn chó liên tục biến động khiến việc tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tình trạng chó thả rông vẫn còn phổ biến".

Ông Loát cho biết thêm: Nguyên nhân thứ 2 là do huyện này giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên, địa phương thường xuyên có dịch dại trên chó, mèo và có ca tử vong trên người. Ở vùng giáp ranh, chó mắc bệnh dại sẽ chạy từ địa bàn nọ sang địa bàn kia làm lây lan mầm bệnh.

Hà Nội đang phấn đấu xây dụng vùng an toàn bệnh dại thủ đô vào năm 2025. Hiện nay, một số quận nội thành đã an toàn với bệnh dại, từ nay đến năm 2025 phấn đấu có thêm 2 quận là Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm được chứng nhận vùng an toàn bệnh dại.

Hà Nội đang kiên quyết tiêu hủy chó thả rông, chó vô chủ, tiêm vắc xin toàn bộ đàn chó. Tuy nhiên người dân mong muốn những biện pháp này không phải là phong trào, không mang tính nhất thời. Vì để khống chế và loại trừ bệnh dại thì các biện pháp này phải trở thành nếp nghĩ, nếp sống trong từng đường làng ngõ xóm, từng con phố, ngôi nhà.

60 ca tử vong vì bệnh dại

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước có 60 ca tử vong vì bệnh dại.

Những địa phương có dịch dại bùng phát mạnh là Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An, Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Hòa Bình. Trong suốt những năm qua, bệnh dại luôn đứng đầu về số ca tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau dịch sởi năm 2014, sau dịch COVID-19 năm 2021 và 2022.

7 tháng, 56 người tử vong vì bệnh dại, chỉ hơn một nửa chó nuôi được tiêm phòng7 tháng, 56 người tử vong vì bệnh dại, chỉ hơn một nửa chó nuôi được tiêm phòng

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 56 người tử vong rất thương tâm vì bệnh dại. Điều đáng nói là năm nào căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm này cũng đứng đầu số ca tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm, với khoảng 80 ca 1 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên