Như vậy đến nay đã có hai địa phương có phố Thâm Tâm là Hải Dương, quê hương Thâm Tâm và nay là Hà Nội.
Ngoài ra, theo thông tin của gia đình nhà thơ Thâm Tâm, thành phố Cao Bằng cũng đã đưa tên Thâm Tâm vào ngân hàng tên đường phố của địa phương này.
Cao Bằng là nơi thi sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1950.
Phố Thâm Tâm ở Hà Nội dài 595m, rộng 13,5m, lòng đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m, kéo dài từ ngã ba giao cắt phố Trung Kính đối diện số nhà 89, cạnh Trường THCS Trung Hòa đến ngã ba giao cắt tại TDP22, phường Yên Hòa (cạnh trạm BA Trung Hòa 31).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm - nói việc đặt tên phố Thâm Tâm là niềm tự hào của gia đình, của dòng họ.
Đặc biệt việc phố Thâm Tâm nằm cạnh các phố mang tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Bá Khoản, Tú Mỡ… càng thêm phần ý nghĩa.
Thâm Tâm (1917 - 1950), tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, quê ở thành phố Hải Dương, xuất thân trong một nhà giáo nề nếp.
Gần một thế kỷ trước, Thâm Tâm sống ở Hà Nội, hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật tại Hà Nội với tư cách một họa sĩ, một nhà thơ, nhà văn, nhà báo.
Các tác phẩm của Thâm Tâm mô tả thân phận con người trong thời Pháp thuộc, khát vọng thay đổi và ý chí "lên đường".
Từ những năm 1935 - 1936, Thâm Tâm tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên Tuần báo Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm, Truyền bá quốc ngữ...
Thâm Tâm đã tham gia Văn hóa cứu quốc từ 1943, các hoạt động trong cuộc khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Thâm Tâm tham gia Văn hóa cứu quốc, ở trong ban biên tập báo Tiên Phong (1945-1946), rồi ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn báo Vệ Quốc Quân (sau là báo Quân Đội Nhân Dân).
Thâm Tâm nổi tiếng bởi bài thơ Tống biệt hành với một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại, thể hiện chí khí lớn của thanh niên một thời.
Nhưng ông không chỉ làm thơ mà thời gian qua gia đình cùng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và cả kịch của ông. Một số truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết của ông đã được xuất bản gần đây.
Thâm Tâm được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Cùng ngày, UBND quận Cầu Giấy cũng gắn biển phố Nguyễn Xuân Nham cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Dương Đình Nghệ, số nhà 9 đến ngã ba giao cắt tại Trường THCS Cầu Giấy.
Phố dài 650m, rộng 23,5m, trong đó lòng đường rộng 13,5m, vỉa hè mỗi bên 5m.
Nguyễn Xuân Nham là người làng Hạ Yên Quyết (tên Nôm là làng Cót).
Ông thuộc đời thứ hai của dòng họ Nguyễn Vân Sơn ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông đỗ tiến sĩ năm 1499, đời vua Lê Hiến Tông, làm quan đến chức Thừa Chính Sứ (tương đương chức chủ tịch UBND cấp tỉnh ngày nay).
Ông được đánh giá là vị quan thanh liêm, có công với dân với nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận