Hồ Gươm vừa được nạo vét bùn, trên mặt hồ hiện vẫn còn nhiều váng, nước còn đục. Hồ Gươm tới đây cũng sẽ được áp dụng chế phẩm để làm sạch nguồn nước: Ảnh-XUÂN LONG
Ngày 6-3, tại hội thảo đánh giá 1 năm thực hiện việc xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm, sau những kết quả bước đầu, câu hỏi được đặt ra liệu có giữ được các hồ sạch sau khi xử lý ô nhiễm?
Ông Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội-đơn vị thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ, cho biết trước thực tế mức độ ô nhiễm trầm trọng về nguồn nước trong các hồ, phía đối tác của Đức đã lấy 30 mẫu nước ô nhiễm ở các hồ Hà Nội về nghiên cứu.
Ông Hùng cho biết, sau nghiên cứu, phía Đức đã sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C mang tính thực tiễn cho riêng việc xử lý hồ ở Hà Nội.
Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, sau một năm triển khai, đã có 86 hồ được áp dụng phương pháp xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm. Kết quả được ghi nhận trước khi xử lý, nước các hồ ô nhiễm đều có màu đen hoặc xanh đậm, có mùi hôi thối, bị ô nhiễm hữu cơ, chỉ tiêu Coliform vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, sau khi sử dụng chế phẩm, nước các hồ đã không còn mùi khó chịu, không bị ô nhiễm hữu cơ, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh.
Ông Ứng Quốc Dũng, phó chủ tịch Hội cấp thoát nước VN cho rằng, việc xử lý ô nhiễm nước hồ ở Hà Nội bước đầu có kết quả, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và duy trình.
"Ngày nào tôi cũng đi qua quan sát hồ Ngọc Khánh, hiện nay nước hồ đã được cải thiện, có thêm các bè thuỷ sinh và các máy phun nước tạo ô xy trong nước, chất lượng nước hồ đã được cải thiện"-ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý ngoài duy trì và quan trắc nước trong hồ, cần chú ý đến các lớp trầm tích trong 2-3 năm tới xem có vấn đề gì phát sinh.
Theo các chuyên gia, sau việc sử dụng chế phẩm làm sạch hồ, cần tiếp tục duy trì chất lượng nước hồ, trong đó đáng lưu ý nhất là vấn đề quản lý hồ sau khi được làm sạch.
Ông Phan Hoài Minh, phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội nói về việc tiếp tục xử lý ô nhiễm nước trong các hồ ở Hà Nội: Clip-XUÂN LONG
Bà Lê Thanh Hiếu, Sở Khoa học-Công nghệ Hà Nội lưu ý cần có quy trình quản lý các hồ sau khi xử lý nguồn nước ô nhiễm. Bà Hiếu cho rằng, việc sử dụng chế phẩm làm sạch các hồ ở Hà Nội đều được thực hiện bằng tiền ngân sách, vì vậy, cần phải có quy trình quản lý, duy trì các hồ sau làm sạch để không lãng phí ngân sách.
Bà Hiếu cũng lưu ý sau chương trình xử lý nguồn nước ô nhiễm ở các hồ, Hà Nội cần có một chương trình tổng thể về nâng cao ý thức cộng đồng, góp phần thúc đẩy tính tự giác của cộng đồng trong chung tay giữ môi trường các hồ ở thủ đô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận