Phóng to |
“Mơ có một ngôi trường trên địa bàn phường để con trẻ không phải đi học nhờ nơi khác” là giấc mơ giản dị của một cán bộ về hưu cư trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo số liệu của UBND phường Điện Biên, trên địa bàn phường có khoảng 15.000 dân, mỗi năm có 500-600 trẻ trong độ tuổi vào học THCS nhưng phường không có trường.
Những ngôi trường trong mơ
Đã có rất nhiều địa điểm được chọn dự kiến xây trường. Mỗi địa điểm được vạch ra trên giấy là mỗi lần nhiều người dân lại hi vọng.
Theo ông Phạm Văn Chanh - chủ tịch UBND quận Ba Đình, quận từng đề xuất việc xây trường ở khu vực bến xe Kim Mã (cũ), rồi vị trí Công ty in Tiến Bộ nhưng không được phê duyệt. Sau khi Công ty cổ phần may Lê Trực trên địa bàn phường này di dời, để lại 6.000m2 đất, thành phố điều chỉnh quy hoạch mở rộng trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương ngốn trên 3.000m2 của khu đất trên, phần còn lại một lần nữa UBND quận Ba Đình lại đề xuất xin để xây trường. Nhưng trong quy hoạch, diện tích này được ấn định xây trung tâm thương mại.
32 phường thiếu trường Tại bảy quận nội thành còn 32 phường thiếu trường, trong đó có 11 phường thiếu trường ở hai bậc học, một phường thiếu trường ở cả ba bậc học. Đó là chưa kể 25 khu đô thị mới còn thiếu gần 60 trường công lập ở cả ba cấp, trong đó mầm non thiếu 21 trường, tiểu học thiếu 20 trường, THCS thiếu 18 trường. Có 8/25 khu đô thị mới không có trường học nào, kể cả trường công và tư. Theo quy định về diện tích xây dựng trường chuẩn quốc gia, Hà Nội hiện còn thiếu khoảng 5,4 triệu m2 trường học, trong đó bậc mầm non là 2,3 triệu m2, tiểu học 1,9 triệu m2, THCS 1,2 triệu m2. |
Hành trình tìm đất cho trường
Ở quận Đống Đa, những dự kiến xây trường từng xuất hiện trong các văn bản báo cáo đến vài ba năm nhưng thực tế chưa hề thấy bóng dáng ngôi trường được khởi công. Một lãnh đạo ngành GD-ĐT quận lắc đầu cho biết: “Địa chỉ 100 Thái Thịnh với diện tích trên 3.000m2 (một trong gần 20 điểm đang được đề xuất) đã được quy hoạch xây trường mầm non cho hai trường Trung Liệt và Ngã Tư Sở nhưng bây giờ “chịu chết”, vì không thể thu hồi được đất do Công ty Xuất khẩu mây tre đan VN sử dụng”.
Tại quận Hai Bà Trưng, bà Đinh Lan Duyên, phó chủ tịch UBND quận, cho biết hiện mới chỉ có giải pháp xây dựng hai trường mầm non còn thiếu ở hai phường, còn bốn phường đang thiếu trường THCS quận chưa có hướng giải quyết. Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu đất “sạch”. Để có đất “sạch” cho một trường mầm non ở quận này, lãnh đạo quận cho biết từng phải đeo đuổi cả chục năm, trong đó có trường hợp phải mệt mỏi theo hầu tòa để giải quyết tranh chấp về đất.
Nếu việc tìm đất xây trường ở các quận khác khó một thì ở quận Hoàn Kiếm khó mười. Ông Ngô Trí Nam, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Khó tìm đất đủ để xây trường, giải pháp nâng tầng các trường cũ, mở rộng quy mô học sinh cũng khó vì vướng vào quy định về độ cao xây dựng trong các khu phố cổ”. Hoàn Kiếm là quận không có mức gia tăng dân số rõ như các quận khác trong những năm qua nhưng với đặc thù đất chật người đông, đây là một trong những địa bàn còn tồn tại nhiều điểm lẻ. Có những điểm lẻ tại nhà dân trong tình trạng chật chội, không có sân chơi, thiếu sáng, thiếu khí, thiếu nhà vệ sinh.
Theo kế hoạch, từ năm 2011-2015 quận Cầu Giấy sẽ xây mới 22 trường học các cấp để đáp ứng nhu cầu của cư dân. Con số kỷ lục này liệu có thực hiện được khi năm 2011 đã gần kết thúc và có đến 8/22 địa chỉ đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận