Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền giảm mạnh so với quy định hiện hành về vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Đề xuất hợp lý, không làm giảm tính răn đe
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng thời điểm Chính phủ ban hành nghị định 100 quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính giao thông thì ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân còn chưa tốt, nhất là tình trạng vi phạm về nồng độ cồn.
Vì vậy việc để mức xử phạt vi phạm bằng tiền cao là hợp lý. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật, tổng kết thực tiễn, đến nay việc Bộ Công an đề xuất điều chỉnh giảm là phù hợp.
Theo ông Hòa, với mức phạt cũ ở mức vi phạm tối thiểu, đặc biệt với xe máy, số tiền 2-3 triệu đồng là cao so với thu nhập của nhiều người dân. Nếu CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp (chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở) mà phạt tới 6-8 triệu đồng là chưa hợp lý.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho rằng tại một số nước vẫn có một mức tối thiểu, khi dưới mức này vẫn có thể lái xe và không bị phạt. Tại Việt Nam hiện đang áp dụng xử phạt đối với tất cả người lái xe có nồng độ cồn.
"Mức xử phạt trong thời gian qua đã tác động đến thói quen hành vi của người tham gia giao thông. Khi người dân đã hình thành thói quen này, bước chuyển tiếp là hạ mức xử phạt đối với nồng độ cồn tối thiểu là khá hợp lý.
Ngoài ra, có một thực tế là nhiều người uống rượu vào buổi tối nhưng sáng hôm sau vẫn lo trong người có nồng độ cồn, dù không còn nhiều và họ đủ tỉnh táo bình thường sau một đêm nghỉ ngơi.
Khi có sự thay đổi về mức xử phạt, người dân nếu có vi phạm cũng có thể bị xử phạt ở mức chấp nhận được", bác sĩ Hoàng nói.
TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chỉ rõ với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên mức 0,25 miligam/1 lít khí thở vẫn bị xử lý ở mức phạt tiền rất cao và trừ điểm bằng lái, thậm chí trừ hết 12 điểm bằng lái.
"Với những người có nồng độ cồn thấp chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu thì việc ảnh hưởng tới lái xe không nhiều. Nhưng để thực thi nghiêm quy định đã uống rượu bia không lái xe thì việc xử lý ở mức nhẹ là phù hợp", ông Tạo nói.
Hầu hết các ý kiến cũng cho rằng chỉ nên áp dụng mức phạt thấp hơn khi người vi phạm có nồng độ cồn tối thiểu. Còn các mức trên vẫn cần áp dụng xử phạt cao.
"Với các tài xế say xỉn hoàn toàn, không kiểm soát được hành vi mà vẫn ôm vôlăng, thậm chí gây tai nạn nghiêm trọng thì không thể chỉ phạt 30 - 40 triệu mà đề nghị nên nghiên cứu phạt hàng trăm triệu đồng, tịch thu bằng lái xe mới có thể tạo ra tính răn đe cao hơn", ông Tạo đề nghị.
Có thể "uống trong mức tối thiểu" không?
Nhiều người lo ngại khi hạ mức xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn tối thiểu sẽ gây ra tâm lý "Uống một chút không sao, hay chỉ nhậu ở mức tối thiểu để nộp phạt ít nhất".
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay tốc độ hấp thụ và đào thải chất cồn của cơ thể mỗi người là khác nhau và phụ thuộc nhiều yếu tố. Vì vậy không thể "căn chỉnh" được nồng độ cồn có thể đưa vào cơ thể có vượt ngưỡng hay không.
Theo ông, có người uống 1-2 hớp đã say, có người có thể uống rất nhiều mới say. Vì vậy không có con số chung cho tất cả. Chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản là đã uống rượu bia thì không tự lái xe.
"Nếu tối chúng ta uống 1-2 lon bia tại nhà thì sáng hôm sau thường sẽ không còn cồn vì cơ thể phân hủy ngay, trừ trường hợp uống quá nhiều.
Vấn đề không phải là uống bao nhiêu để bị thổi nồng độ cồn không lên, mà đã uống đồ uống có cồn thì không tự lái xe. Bởi khi đã uống rượu bia sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ khiến việc kiểm soát hành vi nói chung sẽ không chính xác và điều khiển phương tiện sẽ không an toàn", ông Thịnh nói.
Đồng tình với ông Thịnh, bác sĩ Hoàng cho rằng về mặt chuyên môn tốc độ thải trừ nồng độ cồn trong cơ thể có thể tính toán được, nhưng việc uống bao nhiêu để có nồng độ cồn tối thiểu thì không thể tính toán được.
Bác sĩ Hoàng nêu rõ việc chuyển hóa rượu bia trong cơ thể sẽ trải qua hai giai đoạn, đầu tiên là cồn chuyển hóa thành acetaldehyde - đây là chất chuyển hóa trung gian. Chính chất này là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và gây hại cho gan.
"Trong khi đó, tùy từng người việc chuyển hóa này sẽ diễn ra khác nhau. Việc dự đoán, ước tính nồng độ cồn rất khó, không thể tính toán tôi uống 1-2 chén rượu thì nồng độ sẽ là 0,25 hay dưới 0,25. Vì vậy chúng ta nên tuân thủ tuyệt đối, đã uống rượu bia là không lái xe", ông Hoàng nói.
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo quy định hiện hành mức tiền phạt là từ 6 - 8 triệu đồng.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, dự thảo đề xuất phạt tiền 400.000 - 600.000 đồng đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo quy định hiện hành thì mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.
Dự thảo mới đề xuất phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Quy định hiện hành phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận