Phóng to |
Cây dầu trước nhà số 144 Trần Quang Diệu, P.14, Q.3, TP.HCM nghi bị đầu độc bằng hóa chất làm chết khô - Ảnh: Quang Khải |
Nhiều người lưu thông qua đường Trần Quang Diệu, P.14, Q.3 không khỏi thắc mắc vì sao một cây cổ thụ cao hơn chục mét, đường kính hai người ôm không giáp trước số nhà 144 lại bị chết khô trong khi nhiều cây cổ thụ khác vẫn còn xanh tốt. Tại hiện trường, thân cây khô khốc, lá cũng héo khô và rụng gần hết, vài nhánh cây khô gãy rụng vương vãi dưới lề đường.
Ra tay tàn độc
Nhắc đến cây cổ thụ trên, ông Đoàn Bảo Long, giám đốc Xí nghiệp cây xanh 1 thuộc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP, xuýt xoa: “Đây là cây dầu khoảng 100 năm tuổi, thuộc dạng cây cổ thụ hiếm. Ngay từ khi phát hiện cây có dấu hiệu bị héo lá, anh em chăm sóc đặc biệt theo dõi sát sao xem có thể phục hồi sự sống được không nhưng cây xuống sức rất nhanh vì có dấu hiệu bị đổ hóa chất”.
Một người dân có nhà đối diện cây xanh xác nhận thời điểm trước khi cây bị héo lá có thấy một chất lỏng màu xanh từ gốc cây chảy tràn ra ngoài xuống một hố ga gần đó. Theo một cán bộ kỹ thuật xí nghiệp này, khi tới hiện trường kiểm tra phát hiện có mùi hóa chất từ gốc cây xộc lên nồng nặc.
Bị phạt từ 10-15 triệu đồng Theo nghị định 23 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng...), các hành vi: tự ý chặt hạ, di dời cây xanh, đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Ngoài mức phạt trên, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc khôi phục hiện trạng ban đầu. |
Không chỉ nghi đổ hóa chất vào gốc cây, tháng 7 vừa qua, Xí nghiệp cây xanh 1 còn phát hiện chiêu “hạ độc” cây xanh theo kiểu khác. Cụ thể, sau khi thấy hai cây long não trước nhà 213 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3 đột ngột héo lá bất thường, tổ kiểm tra phát hiện dưới gốc mỗi cây xanh được khoan nhiều lỗ có đường kính cỡ ngón tay, gần xuyên qua thân cây. Trong các lỗ này chứa hóa chất màu vàng nhạt. “Trong quá trình kiểm tra, tôi chạm tay vào chất này sau đó vô tình đưa tay lên mặt quệt mồ hôi thì phần da trên mặt bị phỏng rộp, đau rát rất khó chịu”, một nhân viên tổ kiểm tra cho biết. Sau vụ việc trên, Xí nghiệp cây xanh 1 cho thay toàn bộ phần đất dưới gốc cây, đồng thời phun nước rất nhiều để tưới rửa nhưng rất ít khả năng cây phục hồi như bình thường.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong những tháng gần đây, Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP phát hiện hơn 50 trường hợp xâm hại cây xanh, trong đó có bốn cây cổ thụ (cây loại 3 có đường kính gốc trên 50cm, cao trên 12m), hơn mười cây xanh thuộc loại 2 (đường kính gốc 20-35cm, cao đến 12m), còn lại là cây loại 1 (đường kính gốc dưới 20cm, cao 6-8m). Những hình thức xâm hại phổ biến là tự ý chặt cành, đốn hạ và đổ hóa chất vào gốc cây.
Ít bị xử lý
Trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh như thế nào khi có hàng loạt cây xanh bị xâm hại? Một lãnh đạo công ty này cho biết chỉ là đơn vị làm thuê và không đủ thẩm quyền xử lý. Vì vậy khi phát hiện cây bị xâm hại, công ty lập biên bản báo cho các khu quản lý giao thông đô thị, các khu sau đó báo lại cho thanh tra Sở Giao thông vận tải TP kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Bật Hận - phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, mặc dù sở là đơn vị quản lý nhà nước về cây xanh nhưng theo nghị định 23 (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng...), thẩm quyền kiểm tra, xử phạt hành vi xâm hại cây xanh được giao cho thanh tra thuộc Sở Xây dựng TP.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thanh tra Sở Xây dựng TP cho rằng theo quy định chánh thanh tra Sở Xây dựng có quyền xử phạt hành vi xâm hại cây xanh nhưng đến nay chưa xử phạt trường hợp nào cũng như chưa nhận được báo cáo hay đề xuất phối hợp xử phạt từ cơ quan khác.Theo quy định, ngoài thanh tra Sở Xây dựng, chủ tịch UBND các cấp cũng có thẩm quyền xử phạt hành vi trên. Tuy nhiên hành vi đổ hóa chất thực hiện rất tinh vi, khó bắt được tận tay nên không đủ cơ sở xử lý.
Nhiều người cho rằng chính những đơn vị được hưởng lợi từ việc cây xanh bị chết là một căn cứ để các cơ quan công an có thể điều tra xử lý vụ việc, vấn đề là có quyết tâm làm hay không. TP.HCM hiện chỉ còn hơn 5.500 cây cổ thụ, nhưng với thực trạng cây bị đầu độc tràn lan mà không có biện pháp bảo vệ hiệu quả thì hình ảnh những cây cổ thụ chỉ còn lại trong ký ức là chuyện không quá xa vời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận