09/11/2024 05:55 GMT+7

Gương mặt nữ 'thống trị' lĩnh vực mật mã học nói điều ý nghĩa nhất của bà là ba đứa con

Mảnh mai và xinh đẹp, nụ cười đầy năng lượng luôn nở trên môi… là ấn tượng đầu tiên về Yael Tauman Kalai ở những ai gặp bà.

Gương mặt nữ 'thống trị' lĩnh vực mật mã học - Ảnh 1.

Giáo sư Yael Tauman Kalai chia sẻ tại Hội thảo khoa học máy tính HLF 2024 ở Đức - Ảnh: CÔNG NHẬT

Chỉ khi tìm hiểu sâu hơn về Yael, hầu hết mọi người mới choáng với những điều ẩn sau người phụ nữ này. Là một trong những nhà nữ khoa học hiếm hoi trong lĩnh vực cryptography (mật mã học), Yael Tauman Kalai lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại MIT (Học viện Công nghệ Massachusettes, ngôi trường luôn đứng đầu các bảng xếp hạng đại học tốt nhất Hoa Kỳ). Và trong tất cả thành tựu đạt được, điều ý nghĩa nhất của bà là… ba đứa con!

Người viết có cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn riêng bà Yael tại Hội thảo khoa học Heidelberg Laureate Forum 2024 ở Đức.

* Tốt nghiệp hạng ưu ở những ngôi trường hàng đầu, ắt hẳn thời đi học của bà luôn suôn sẻ?

- Có vẻ như thực tế ngược lại (cười lớn). Thời phổ thông, tôi thường bị thầy cô than phiền do có những năm học tôi vắng đến 150 buổi.

Thời điểm đó tôi thấy trường học rất chán, giảng dạy những điều tôi có thể tự học. Chính vì vậy mà ngồi trong lớp, tôi lại hay mơ tưởng về những chuyến đi chơi xa, trượt ván lướt. Còn nhớ khi tôi muốn đi chơi nhưng gia đình lại ngăn cấm, tôi đã "đàm phán" với cha mình rằng hãy đưa tôi một bài toán.

"Khó mức độ nào cũng được, nhưng khi con giải được thì cha phải để con đi chơi", tôi nói với ông như vậy và may mắn là lần nào tôi cũng được thả đi chơi.

* Con đường học thuật của bà đã "lột xác" từ lúc nào?

- Chỉ khi vào Đại học Hebrew (Jerusalem) và được học chuyên sâu hơn về toán, tôi mới dần phát hiện vẻ đẹp tuyệt vời của môn học này.

Mà nói đúng hơn, tôi biết mình yêu thích và học tốt toán từ bé, chỉ có điều chương trình học phổ thông không đủ thử thách hay thú vị. Chính vì vậy tôi thấy vai trò của nhà trường lẫn người thầy vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ nhỏ yêu thích một môn học nào đó.

Các giờ giảng, kiến thức về toán ở bậc đại học truyền cảm hứng cho tôi một cách mạnh mẽ. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi ngồi học đầy say mê từ sáng đến tối mịt. Toán học hay ở chỗ nó rất rõ ràng, giúp tôi thay đổi chính mình. Tôi trở nên khiêm nhường hơn vì toán giúp bản thân nhận ra trực giác của chúng ta là chủ quan, không luôn luôn đúng.

Tôi có thể tính toán phức tạp nhưng lại suy nghĩ rất giản đơn trong đời thường, có lẽ tính cách này cũng giúp cuộc sống của tôi khá nhẹ nhàng, chẳng bận tâm nhiều về những phán xét về giới, cách ứng xử của người khác.
Giáo sư Yael Tauman Kalai
Gương mặt nữ 'thống trị' lĩnh vực mật mã học - Ảnh 2.

Giáo sư Yael Tauman Kalai năng động trong đời thường - Ảnh: QTM

*Yêu toán nhưng bà lại chọn nghiên cứu về khoa học máy tính?

- Bởi vì tôi tin rằng khoa học máy tính sẽ góp phần thay đổi tương lai, cuộc sống con người. Tôi đặc biệt hứng thú với lĩnh vực mật mã học vì luôn đau đáu trong đầu các suy nghĩ như những tin nhắn chúng ta nhận mỗi ngày có thật sự là "bản gốc", người gửi tin cho chúng ta có phải là người chúng ta biết, khả năng xác thực dữ liệu ở các phương thức lưu trữ hiện nay… Sự phức tạp của lĩnh vực này chính là điều khiến tôi hứng thú.

* Vừa nghiên cứu vừa phải chăm sóc ba đứa con nhỏ, bà đã cân đối thời gian như thế nào?

- Câu hỏi này khiến tôi ngượng vì tôi không nghĩ bản thân đã làm tốt. Đứa con gái nhỏ của tôi thậm chí từng đề nghị lập một hội đồng khoa học để tôi đứng trình bày về khái niệm "cân bằng", vì con bé nghĩ tôi đã không làm tốt điều này.

Tôi nghĩ mình rất may mắn khi có được người chồng luôn nhiệt tình sát cánh cùng vợ. Song song đó, tôi biết bản thân luôn rất hạnh phúc trong từng giây phút được bên cạnh các con. Hiện đã có ba đứa con nhưng tôi vẫn luôn muốn có thêm nữa. Với tôi, các con chính là điều tốt đẹp nhất, thành tựu to lớn và ý nghĩa nhất mà tôi có được trong đời.

Việc nghiên cứu khiến chúng ta đôi khi quên cả thời gian và không gian, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta được quyền quên con cái. Tôi thấy tiếc khi một số phụ nữ quyết định chờ đợi hoặc đánh đổi việc có con với sự nghiệp.

* Tôi có thể hỏi chi tiết hơn cách bà dành thời gian cho các con và chính mình?

- Tôi chấp nhận hy sinh một số thứ trong sự nghiệp vì biết rằng các con sẽ không mãi sống kề cạnh mình. Và một khi đã từ bỏ cơ hội gì thì tôi sẽ không hối tiếc, chỉ tập trung nghĩ về hiện tại thay vì lo lắng về tương lai hay chìm trong phiền muộn về quá khứ, về điều đã không thể thay đổi được nữa.

Tôi không thuộc típ phụ nữ truyền thống là sẽ thường đảm nhận việc nấu ăn, giặt giũ hay lau nhà, làm vườn… Tôi nghĩ bản thân có thu nhập đủ tốt để thuê người làm những việc đó. Điều này vừa giúp người khác có thêm thu nhập mà tôi lại có thêm thời gian để làm những thứ ý nghĩa như nghiên cứu, trò chuyện cùng con và chồng.

Song song đó, tôi luôn tập trung tối đa trong từng việc để đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, từ đó có thêm thời gian cho các con.

Gương mặt nữ 'thống trị' lĩnh vực mật mã học nói điều ý nghĩa nhất của bà là ba đứa con - Ảnh 3.

Giáo sư Yael Tauman Kalai cho biết bà buộc mình phải rất kỷ luật, làm tốt nhất các đầu việc hay vị trí được giao, trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày - Ảnh: QTM

Tôi đã phải rất kỷ luật

* Những thử thách của một nhà khoa học nổi danh trên thế giới, bận rộn với công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực nam giới đang thống trị là gì?

- Tôi may mắn. Sự may mắn cũng một phần đến từ việc tôi buộc mình phải rất kỷ luật, làm tốt nhất các đầu việc hay vị trí được giao, trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày.

Tôi là người không quá nhạy cảm. Mẹ tôi cũng hay đùa là tôi không nhạy cảm chút nào. Tôi có thể tính toán phức tạp nhưng lại suy nghĩ rất giản đơn trong đời thường, có lẽ tính cách này cũng giúp cuộc sống của tôi khá nhẹ nhàng, chẳng bận tâm nhiều về những phán xét về giới, cách ứng xử của người khác.

Top những người phụ nữ có ảnh hưởng hàng đầu thế giới về công nghệ

Là một trong những nhà nữ khoa học hiếm hoi trong lĩnh vực cryptography (mật mã học), Yael hiện làm cố vấn cấp cao tại Microsoft, giáo sư tại MIT và luôn được xếp vào top những người phụ nữ có ảnh hưởng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ.

Trong rất nhiều thành tựu bà đạt được, có thể kể đến giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học máy tính ACM Computing (với phần thưởng 250.000USD), giải Nhà khoa học có thành tựu nổi bật Microsoft Research…

Gương mặt nữ 'thống trị' lĩnh vực mật mã học - Ảnh 2.Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sẽ du hành vào vũ trụ

Chị Amanda Nguyen, 32 tuổi, người từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2019, sẽ trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ, trong đợt phóng tên lửa đẩy New Shepard tiếp theo của Tập đoàn Hàng không vũ trụ Blue Origin.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên