21/03/2024 10:03 GMT+7

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 1: Trắng tay, người quen gọi đòi nợ không dám nghe

Kinh tế không thuận lợi, nhiều người gắng chèo chống vượt qua, nhưng cũng không ít người đổ nợ đến bạc đầu vì làm ăn thua lỗ, kể cả dính vào chơi tiền ảo, đặc biệt các chiêu trò mời gọi đầu tư trên mạng lẫn ngoài đời.

Kinh tế không thuận lợi khiến người kinh doanh gặp khó

Kinh tế không thuận lợi khiến người kinh doanh gặp khó

Thực tế ra sao và họ đã cố gượng vượt qua thế nào?

Hơn ba tháng trôi qua, chị Mai Thị Tuyền (38 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa quên buổi chiều cuối năm 2023 ấy. Chuẩn bị ra về sau ngày làm việc, chị mở điện thoại thì đứng tim khi thấy Zalo chị gái đăng tấm hình vẽ cái thòng lọng kèm theo câu lạnh toát: "Chết hay trốn?".

Hố sâu nợ nần

Hết hồn, Tuyền điện chị gái nhưng mãi không liên lạc được. Tuyền gọi mẹ và điếng người khi nghe mẹ òa khóc: "Vợ chồng nó vỡ nợ 2 tỉ rồi con ơi!". Chị tức tốc lấy xe máy chạy về.

Đường phố chiều cuối năm ai cũng hối hả, chẳng ai biết được lòng chị nóng hơn lửa đốt. Gia đình chị xưa nay chưa từng phải vay mượn ai một đồng nào. 

Chị kể: "Hồi ba mẹ tôi cưới nhau, buổi tối sau lễ cưới bà nội nói với mẹ là nhà mình không có máu kinh doanh nên không giàu có, chỉ đi làm công ăn lương sống tiện tặn nhằm tìm sự an bình. Nên mẹ dặn con cái có lúc nào túng thiếu thì nói với mẹ, tuyệt đối không được đi vay lãi".

Tuyền có năm anh chị em, mẹ chị nghỉ hưu đã lâu. Các anh chị đều có gia đình ra ở riêng, chị chưa có chồng nên ở cùng mẹ già. Chị tâm sự: "Chị gái tôi hồi đó làm công nhân may ở Dĩ An, Bình Dương. Chị yêu rồi cưới anh trưởng phòng may mẫu cùng phân xưởng. Sau 5 năm dành dụm, anh chị tôi thuê đất dựng xưởng may nhỏ".

Thời gian đầu xưởng may làm ăn rất được, đơn hàng dồi dào do vợ chồng chị gái tay nghề cao, được tín nhiệm. Chỉ vài năm, họ mở rộng xưởng, mua thêm máy móc, tuyển thêm nhân công...

Dịch COVID-19 ập đến, đơn hàng ít dần, anh rể chị nhiễm COVID nặng nằm viện mấy tháng trời. Sức khỏe anh yếu đi, xưởng may chỉ còn mình chị gái Tuyền gánh vác. "Hàng không xuất được nhưng tiền thuê mặt bằng, tiền nhân công, tiền hàng vẫn phải trả. Gồng được một năm, chị tôi không gánh nổi nữa. Nhưng chị tiếc công sức gầy dựng chục năm trời nên không nỡ giải thể", chị kể.

Ban đầu chị gái Tuyền vay mượn anh em trong nhà mỗi người 100 - 200 triệu đồng cầm cự. Cuối năm 2021 xã hội dần bình thường, người phụ nữ này quyết tâm làm lại bằng cách vay ngân hàng một ít rồi vay thêm bên ngoài.

Người tính không bằng trời tính. Hàng tồn nằm kho, ký gửi cũng không bán được. Cứ cuối tháng là tiền lương công nhân, tiền thuê nhà và đặc biệt là tiền lãi bủa vây. Trong vòng luẩn quẩn, chị gái Tuyền lại đi vay tiếp để trả các khoản này mà không nghĩ được rằng càng lún càng sâu.

Đến lúc không thể vay được nữa, người phụ nữ tuổi ngoài ngũ tuần rơi vào trầm cảm. Tiền lãi cứ chồng lên nhau, mỗi tháng lại dày thêm. Cuối năm ngoái, các chủ nợ kéo đến nhà đòi tiền.

Người thân lao đao gánh nợ giùm

Năm mới thay vì vui tươi, nhà chị Tuyền không có chút rôm rả nào. Mẹ chị mất ngủ, ăn uống không được nên sinh bệnh. Chị buồn buồn: "Các anh chị em ai cũng lo lắng, đi làm không yên tâm. Lúc nào cũng bất an vừa lo sức khỏe mẹ vừa sợ chị gái nghĩ quẩn làm bậy. Chủ nợ gọi điện liên tục hối thúc hoặc đến nhà đòi tiền rát mặt".

Tuyền cho biết số tiền thanh lý máy móc xưởng may, chị gái đã trả nợ ngân hàng. Còn các mối nợ bên ngoài gia đình phải gánh giùm. Các anh chị em bàn nhau mỗi người gắng gom góp thêm được 300 triệu đồng, rồi mời từng chủ nợ tới nhà nói chuyện.

Trước mặt chủ nợ, chị gái Tuyền trình bày giờ trắng tay không còn khả năng chi trả. "Chị tôi nói biết nợ thì phải trả nhưng xin cắt lãi, chỉ trả phần tiền gốc. Rất may các chủ nợ thấy gia đình tôi không có ý định giật nợ nên đều đồng ý phương án nhận trước 20%, số còn lại trả dần".

Lớn tuổi khó xin việc làm, chị gái Tuyền đành nhận dọn nhà theo giờ. Còn chồng chị sức khỏe không tốt nhưng ráng chạy xe công nghệ, chắt bóp đồng nào hay đồng nấy. Vợ chồng trả căn hộ đang thuê, về nhà mẹ ở đỡ tốn chi phí. Mỗi tháng các anh chị em góp thêm tiền để trả dần các chủ nợ.

Đất Bình Châu sốt ảo đẩy những người như anh Minh Huy vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh: B.TIÊN

Đất Bình Châu sốt ảo đẩy những người như anh Minh Huy vào vòng xoáy nợ nần - Ảnh: B.TIÊN

Gia sản tiêu tan như bọt xà bông

Những người vỡ nợ không đêm nào có giấc ngủ ngon. Vợ chồng anh Minh Huy và chị Hoài An (quê Quảng Ngãi) cũng tiêu tan hết tài sản trong một năm ngắn ngủi.

Làm công ty chứng khoán, nhờ lanh lẹ nên anh Huy tích lũy số vốn kha khá. Anh kể: "Sau khi cưới, chúng tôi mua nhà trong hẻm quận 5 và mở tiệm tạp hóa để vợ buôn bán. Cộng thêm căn hộ cho thuê 8 triệu đồng một tháng".

Máu làm giàu, biết bạn bè trúng đất Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), anh chị bán căn chung cư lấy vốn, mua hai miếng đất. Mới hai tuần bán được một miếng lời 150 triệu đồng sang tay, họ mua thêm miếng to hơn. "Tôi đem giấy tờ nhà đang ở ra ngân hàng cầm, mua đất tiếp. Có bạn khuyên cẩn thận bong bóng ảo vì giá đất gì xấp xỉ đất thành phố, nhưng đang say máu nên chúng tôi bỏ ngoài tai", anh Huy bùi ngùi.

Bán được vài miếng, anh dồn tiền mua thêm. Đến lúc bong bóng vỡ thì đã muộn, giờ bán rẻ cũng khó. Anh chị rơi vào cảnh nợ nần. Ban đầu vợ chồng vay mượn bạn bè trang trải. Đến lúc không thể vay được nữa, họ bán tháo căn nhà trả ngân hàng. Anh lặng người: "Số nợ từ người quen, bạn bè cũng gần 1 tỉ đồng, không biết xoay sao để trả. Nhất là đợt Tết, ai cũng muốn thu hồi nợ mà chúng tôi trắng tay rồi nên lúc năn nỉ, lúc không nghe máy chứ đâu biết tính đường nào nữa".

Giọng anh chùng xuống khi nhớ lại thời điểm gia đình mỗi người một nơi Tết vừa rồi. Vợ anh dẫn con về quê, con thì nhờ ông bà ngoại nuôi, vợ hằng ngày đi quanh xã tìm mua gà rồi mỗi sáng ra chợ bán kiếm lời. Anh không dám về quê, ở lại TP.HCM thuê trọ, làm tài xế công nghệ cày ngày cày đêm.

Hai vợ chồng dặn nhau sống tiện tặn, gom tiền trả bạn bè, được nhiêu hay bấy nhiêu, "chờ kinh tế phục hồi rồi vợ chồng mình làm lại"!

Đừng vay cố, vay liều

Là tác giả sách Kiến thức - Kinh nghiệm - Kỹ năng trong cho vay và xử lý nợ, anh Nguyễn Tấn Lộc, với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng và thu hồi nợ ngân hàng, nhận định để hạn chế tình trạng vỡ nợ, người có ý định vay tiền đầu tư cần cân nhắc những yếu tố:

- Với cá nhân, yếu tố cần quan tâm trước khi vay là xác định số vốn tự có của mình nên từ 50 - 70%. Chẳng hạn, người vay 1 tỉ đồng thì tiền mặt ít nhất có 500 - 700 triệu đồng, phòng khi trục trặc có tiền xoay xở.

Thực tế hơn 12 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng, anh nhận thấy ít người vay đúng như vậy, thường có vốn ít nhưng vay cả tỉ. Đòn bẩy biên độ quá lớn cộng thêm lãi suất sẽ thành gánh nặng. Chi phí lãi suất và những chi phí liên quan việc vay vốn làm người vay áp lực nếu việc kinh doanh không thuận lợi.

Với doanh nghiệp, nên nhìn nhận lại vấn đề biên độ lợi nhuận trên giá thành sản phẩm thấp trong khi phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, cộng thêm lãi suất ngân hàng. Nếu việc kinh doanh trục trặc chỉ trong một quý sẽ gây ra câu chuyện mất khả năng trả nợ, dòng tiền bị đứt. Do đó, doanh nghiệp phải tính được vòng quay của hàng tồn kho, vòng đời của sản phẩm, ít nhất 60 ngày mới thu được dòng tiền lại.

Điều quan trọng nhất khi đi vay là sử dụng vốn đúng mục đích. Đa số người có nhu cầu thường vay vốn ngắn hạn để đầu tư những việc trung dài hạn. Chẳng hạn khi vay đầu tư bất động sản trong khi thực tế biên độ lợi nhuận bất động sản mấy năm gần đây không tăng, trong khi gồng mỗi năm lãi suất từ 12%/năm trên số tiền vay nên rất áp lực.

------------------

"Lúc mới chơi, người quen khuyên coi chừng nhưng tôi cứ đâm đầu vô. Không ngờ sập nhanh như vậy".

Kỳ tới: Tiền ảo - một thoáng huy hoàng rồi đổ nợ

3 kẻ cướp 1 tỉ đồng quen nhau qua 3 kẻ cướp 1 tỉ đồng quen nhau qua 'hội những người vỡ nợ muốn làm việc liều'

Do nợ nần, thiếu tiền tiêu xài, ba nam thanh niên tham gia nhóm Facebook “hội những người vỡ nợ muốn làm việc liều - toàn quốc", rồi hẹn nhau đi cướp 1 tỉ đồng của người phụ nữ vừa rút ở ngân hàng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên