22/07/2016 13:11 GMT+7

Gửi xe, mất ai đền?

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Nhiều người gửi xe ở cửa hàng, quán cà phê, quán ăn, nhà sách... bị mất xe, mặc dù những nơi này thường có bảo vệ giữ xe cho khách.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Khi xảy ra rủi ro, khách hàng không biết ai là người sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho mình. Đó cũng là trường hợp anh Trần Trung Kiên (ngụ P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM) đang gặp phải.

Đùn đẩy

Trưa 12-7, anh Kiên đến nhà sách Nguyễn Văn Cừ, nằm trên đường Hồng Bàng (P.9, Q.6) uống cà phê, đọc sách. Tại đây, anh Kiên gửi chiếc SH và được bảo vệ ghi vé xe.

Đến 3g chiều cùng ngày, anh Kiên phát hiện xe của mình đã mất. Anh Kiên báo sự việc với quản lý nhà sách và yêu cầu bồi thường. Nhà sách cho rằng do đã hợp đồng với công ty bảo vệ trông coi tài sản nên trách nhiệm bồi thường thuộc về công ty bảo vệ.

Công ty bảo vệ sau khi làm việc đã đồng ý bồi thường cho anh Kiên 45 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó công ty này đổi ý, không chấp nhận bồi thường như thỏa thuận.

Ông Nguyễn Hải, đại diện nhà sách Nguyễn Văn Cừ, cho biết nhà sách hợp đồng với Công ty bảo vệ Nam Hải Long giữ xe cho khách. “Nếu có rủi ro mất xe thì công ty bảo vệ phải có trách nhiệm với khách hàng” - ông Hải nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Ngọc Thanh Tố, giám đốc Công ty bảo vệ Nam Hải Long, xác nhận công ty sẵn sàng bồi thường cho khách với điều kiện phải đợi cơ quan công an xác minh rõ nguồn gốc chiếc xe trên.

Ai bồi thường?

Theo luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn luật sư TP.HCM, điều 559 Bộ luật dân sự 2005 quy định hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản để bảo quản và trả lại cho bên gửi khi hết hạn hợp đồng.

Bên giữ tài sản bồi thường thiệt hại nếu làm mất, trừ trường hợp bất khả kháng.

Việc gửi xe của anh Kiên và nhân viên bảo vệ giữ xe được xem là hợp đồng gửi giữ tài sản. Nếu nơi giữ xe làm mất xe của anh Kiên thì phải chịu trách nhiệm và anh Kiên phải nhận được bồi thường.

Mặt khác, điều 622 Bộ luật dân sự 2005 quy định cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra trong khi thực hiện công việc được giao.

Vì thế, công ty bảo vệ phải bồi thường thiệt hại cho anh Kiên hoặc công ty thỏa thuận với người bảo vệ về việc ai sẽ đứng ra bồi thường thiệt hại.

Theo quy định, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể tự thỏa thuận về mức bồi thường.

Kiện ra tòa

Các chuyên gia luật cho rằng nếu không xác định được chủ thể và mức bồi thường thì người mất xe có thể kiện ra tòa.

Thạc sĩ Hoàng Thế Cường (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng trên vé xe thường ghi rõ đơn vị nhận gửi giữ, đó chính là một bên trong hợp đồng và khi xảy ra mất xe thì đơn vị này phải bồi thường cho khách hàng.

Ông Phù Quốc Tuấn, phó chánh án TAND Q.3, cũng cho rằng khách gửi xe ở nhà sách, nếu mất xe, nhà sách phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, nếu giữa nhà sách và công ty bảo vệ có hợp đồng quy định công ty bảo vệ có trách nhiệm giữ xe và bồi thường khi để mất xe thì trách nhiệm thuộc về công ty bảo vệ.

“Nếu thỏa thuận không thành thì người mất xe có thể làm đơn khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường. Họ có thể kiện nhà sách hoặc công ty bảo vệ. Nhưng theo tôi thì nên kiện nhà sách.

Trong quá trình giải quyết, tòa sẽ xem xét việc đưa công ty bảo vệ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn lưu ý đối với người mất xe, cần chuẩn bị những hồ sơ sau: biên bản mất xe, giấy tờ xe, CMND, hộ khẩu... Vé gửi xe cũng được coi là hợp đồng gửi giữ xe.

Nên có phụ lục hợp đồng

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn luật sư TP.HCM, tùy vào thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường giữa nhà sách và công ty bảo vệ để xác định chủ thể bồi thường. Thực tế, trong hợp đồng bảo vệ luôn quy định nếu xảy ra mất xe thì công ty bảo vệ phải bồi thường.

Tuy nhiên, ít hợp đồng nào quy định chi tiết điều kiện, thủ tục, quy trình bồi thường nên việc tự thỏa thuận bồi thường gặp nhiều vướng mắc. Không ít công ty bảo vệ lợi dụng sự chưa rõ ràng này để trì hoãn, kéo dài, né tránh việc bồi thường.

Khi xảy ra mất xe, công ty bảo vệ trở thành chủ thể bồi thường và là bị đơn nếu vụ việc phải đưa ra tòa án.

Việc tòa án từ chối các vụ kiện và yêu cầu chỉnh lại đơn kiện theo hướng đưa người thuê công ty bảo vệ với tư cách bị đơn và công ty bảo vệ chỉ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không phù hợp.

Theo ông Hưng, để hạn chế những rắc rối khi xảy ra mất xe, tổ chức, cá nhân thuê công ty bảo vệ nên có những phụ lục hợp đồng chi tiết trách nhiệm của công ty bảo vệ. Tốt nhất buộc họ phải có một khoản ký quỹ để chi trả khi phát sinh bồi thường.

Không vé gởi xe có được bồi thường?

Khách hàng khi đi mua sắm thường tin tưởng vào cửa hàng nên không đặt nặng vấn đề vé giữ xe. Hai bên thường thỏa thuận miệng về việc khách để xe ở bên ngoài và vào mua hàng.

Khi xảy ra mất xe, chủ cửa hàng vin vào lý do không có vé giữ xe nên không bồi thường. Vì vậy, khách hàng có thể chứng minh mình đã gửi xe tại cửa hàng thông qua người làm chứng hoặc chứng minh thông lệ gửi xe không cần vé của cửa hàng để yêu cầu bồi thường.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi

Chỉ cần xuất trình giấy tờ xe

Thỏa thuận bồi thường là vụ việc dân sự nên người mất chỉ cần xuất trình giấy tờ xe, chứng minh mình là chủ xe.

Chỉ khi nào nghi ngờ vụ việc có dấu hiệu hình sự, nguồn gốc xe có dấu hiệu bất hợp pháp thì cơ quan công an mới vào cuộc, điều tra làm rõ. Việc công ty nói phải đợi kết luận từ cơ quan công an là cố tình trì hoãn việc bồi thường cho khách hàng.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

Mất xe tại phòng trọ...

Ngày 30-6-2016, anh T.V.N. (25 tuổi, trọ ở đường Chiến Thắng, Q.Phú Nhuận) phát hiện chiếc xe máy hiệu Exciter để dưới sân nhà trọ biến mất.

Theo anh N., khi đến thuê, chủ nhà trọ không làm hợp đồng hoặc thỏa thuận về việc mất trộm tài sản. Sau khi sự việc xảy ra, chủ nhà không nhắc gì đến việc đền bù cho anh.

Theo luật sư Hứa Thị Thảo, nếu hợp đồng thuê nhà giữa chủ nhà trọ và người thuê có quy định trách nhiệm của chủ nhà trọ trong việc trông giữ, bảo quản tài sản thì khi xảy ra mất xe, chủ nhà phải chịu bồi thường.

Ngược lại, nếu không có hợp đồng hoặc hợp đồng thuê trọ không có thỏa thuận gì về việc bảo quản tài sản, chủ không thu tiền gửi xe và cũng không có vé gửi xe... thì theo nguyên tắc tài sản của ai người đó giữ và mất mát tự chịu.

Như vậy, trách nhiệm của chủ nhà bị loại trừ, người mất xe tự chịu.

YẾN TRINH - ÁI NHÂN

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên