24/01/2009 15:28 GMT+7

Gửi trâu cho trời!

NGUYỄN QUỐC NAM
NGUYỄN QUỐC NAM

TTO - Vẫn biết con trâu là “đầu cơ nghiệp” của người nông dân, nhưng ở những vùng nông thôn thuộc các xã miền núi của huyện Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị), từ bao đời nay, người nông dân có một tập quán khá lạ: “gửi trâu cho trời”. Nói không ngoa bởi mang tiếng nuôi trâu nhưng suốt cả năm trời, những người nông dân ở đây chỉ chăm sóc trâu vài tháng. Thời gian còn lại, “đầu cơ nghiệp” của họ được mang vào những cánh rừng già trên núi, gửi núi rừng… trông hộ.

Gửi trâu… ăn tết!

Những ngày giáp tết Kỷ Sửu tại xã Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị), trên các ngả đường quê từ sang sớm tinh mơ đã thấy hàng trăm con trâu lớn nhỏ chia thành từng tốp rẻ quặt qua đoạn đường Hồ chí Minh theo hướng ngược ra Gio Linh. Theo ngay sau đàn trâu là một đoàn người đông cũng không kém đang hối hả tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ hành lý bao gồm cả màn chiếu, nồi niêu y như những người đi làm ăn xa.

Thấy khách có vẻ hiếu kỳ, anh Trần Hùng ở thôn Tân Hiệp đi cùng đoàn trâu vừa nói vừa cười: “Không phải đi làm ăn chi mô. Là đi vào rừng gửi trâu đó!”.

2g2aWYwg.jpgPhóng to
Từng đàn trâu được đưa vào rừng “gửi nhờ" - Ảnh: Quốc Nam

Thấy tôi vẫn ngạc nhiên, anh Hùng chậm lại bước chân nửa đùa: “Phải đi gửi để mà ăn tết… cho thoải mái, tết nhất mà còn phải lo trâu bò nữa thì làm sao vui”.

Theo chân đoàn người cuốc bộ vượt hơn 50 cây số đường rừng vào tận những dãy núi xa lắc mà những người nông dân chọn làm nơi gửi “cả cơ nghiệp” ở tận vùng giáp ranh giữa ba huyện Cam Lộ - Gio Linh - Hướng Hóa, trước mắt chúng tôi là cả một vùng núi rừng mênh mông như lâu lắm không có dấu chân người. Bỗng từ trong một lùm cây um tùm dưới chân phát ra mấy tiếng “khịt!khịt!” đầy man dại. Thấy tôi giật mình tưởng có thú dữ, anh Hùng cười: “Đó là con trâu thuộc một vùng khác được người dân đưa vào gửi từ sớm hơn, thấy có thêm nhiều đồng loại "nhập môn” mới phát “tín hiệu” báo ranh giới.

Đứng lên trên đỉnh Cổng Trời, nhìn xa ra các triền núi đầy cỏ tranh xung quanh đã thấy cả ngàn con trâu từ các xã miền núi thuộc huyện Cam Lộ, Gio Linh “góp mặt”. Anh Hùng nói đây là bãi thả chung của nông dân ở mấy xã quanh vùng. Chúng say sưa tung tăng trong ánh nắng vàng vọt cuối chiều, trong khi những người chủ đi cùng đang chuẩn bị mâm cúng gọi là “trình báo” với núi rừng việc gửi trâu cũng như cầu may cho chúng không gặp tai nạn đáng tiếc…

May nhờ rủi chịu!

Anh Hùng nói, đợt này trâu chỉ được gửi khoảng hai tuần để ăn tết. Đợt gửi trâu dài nhất trong năm sẽ bắt đầu vào cuối tháng ba âm lịch, vì khi đó mùa vụ đã tạm thời kết thúc và cho đến... tháng mười, đàn trâu mới rời rừng già về với chủ. Trong suốt hơn nữa năm trời lang thang qua các vùng rừng sâu để sống đời hoang dã, đàn trâu phải trải qua vô số những biến cố rủi may. Và những người chủ của chúng khi đã gửi trâu cho trời cũng phải học cách để chấp nhận. Trong đó, không thiếu những người đã khóc vì cơ nghiệp của mình bỗng dưng tan theo mây khói.

hUG1wIy7.jpgPhóng to
Bên một thung lũng nhỏ dưới chân Cổng Trời, đàn trâu đang thung thăng hưởng những ngày “tự do” - Ảnh: Quốc Nam

Những người nông dân ở vùng Cam Tuyền này vẫn chưa quên chuyện anh Trung, ở thôn Tân Lập mất một lúc cả trâu mẹ cùng hai con trâu năm ngoái vì chấp nhận kiểu đánh cuộc với số phận rủi may này. Thả trâu vào rừng, sau hai tháng vào thăm, anh chỉ tìm thấy xác trâu mẹ nằm co ro dưới một miệng hố sâu khuất dưới mấy đám cỏ tranh rậm rạp. Hai con trâu con mất mẹ như rắn mất đầu, cũng bỏ đi theo đàn khác mất dạng.

Cả gia đình bốn đứa con vốn đã chật vật với mấy sào ruộng này lại càng khó khăn hơn với chi phí thuê mướn người ta cày cấy, trong khi con anh cũng đã phải tính đến chuyện bỏ học vào nam làm thuê. Phải mất hơn một năm sau, anh mới vay tiền mua lại được một con trâu cái. Và rồi năm nay, con trâu cái nhà anh vẫn có mặt trong đàn đi lên núi… Anh ngậm ngùi: “Trong rừng sâu có vô số cạm bẫy. Nào là hầm hố, nào là bẫy, có khi còn bị bắn trộm… May thì mình nhờ. Mà rủi thì mình chịu thôi”!

Chuyện mất trâu dường như đã trở thành “cơm bữa” nên những người dân ở đây cũng đã bắt đầu làm quen với nó. Nhưng cái rủi luôn đến cùng cái may. Chuyện những gia đình sau mấy tháng gửi trâu cho trời, bỗng dưng khi lùa về lại xuất hiện thêm vài con trâu con do những con trâu mẹ sinh ra đã là chuyện thường. Thậm chí có nhà bằng cách ấy đã có một khối tài sản khổng lồ với trên ba chục con trâu sau vài mùa đi gửi. Nhờ đó mà nhiều gia đình đã sắm được xe máy, tivi xịn…

Việc đi gửi trâu ở vùng này cũng có những câu chuyện đau lòng. Trâu nhà khi đưa vào rừng, bản tính hoang dã của chúng sẽ được đánh thức. Nên nhiều khi chúng lại là mối hiểm hoạ cho chính những người chủ của mình. Người dân thôn Tân Hiệp (Cam Tuyền) vẫn còn tiếc thương số phận run rủi của chị Nguyễn Thị Huê. Trong một lần vào rừng thăm trâu, chị đã bị một con trâu màu bạc không biết của ai xé tan…

Trâu - người nghĩa nặng...!

Việc gửi trâu cho trời đối với những người nông dân vùng này không những là một việc bất đắc dĩ khi mà những cánh đồng đã bị thu hẹp, thức ăn cho đàn gia súc trở nên khan hiếm, mà đó như là một tập quán quen thuộc. Bản thân những người đang gửi trâu cũng chỉ biết những ngày còn thơ bé đã được cha cho long nhong theo đàn trâu “hành quân”. qua hàng chục cây số lên những nẻo đường rừng xa ngút ngàn. Ở đó có những đồng cỏ tranh bạt ngàn ẩn khuất xen lẫn giữa những rặng rừng già thâm u mà năm tháng qua con người chưa từng đặt chân đến.

Mấy chục năm sau, họ lại mang những đứa con của họ đi theo…

Wvz39Mj6.jpgPhóng to
Ông Tư vẫn giữ lại cặp sừng trâu - kỷ niệm duy nhất về một con trâu ông đã gắn bó - Ảnh: Quốc Nam

Theo tập quán của những người nông dân sinh sống ở vùng này, dù nói là gửi trâu cho trời, nhưng không phải thả rong hoàn mà họ vẫn thường tổ chức những đợt cuốc bộ vào rừng thăm trâu. Anh Nguyễn Văn Hòa, ở Hải Thái, Gio Sơn (Gio Linh), chủ của mười con trâu đang “gửi” cho trời trên đỉnh núi xa lắc kia cho biết, lịch thăm trâu cứ đều đặn khoảng hai tháng một lần. Mỗi lần đi như thế, những người cùng nhóm thả trâu phải tổ chức họp hành bàn bạc một cách đàng hoàng chứ không phải ai muốn đi cũng được. Ngày đi cũng được chọn lựa kỹ càng để mong có được nhiều sự may mắn nhất.

Mỗi nhóm thả trâu có khoảng vài chục hộ với khoảng trên dưới trăm con trâu. Từ tinh mơ, những người này đã cơm đùm gạo bới cuốc bộ vào rừng già. Họ tản ra các ngã rừng tìm trâu của mình. Đến vuốt ve, chăm sóc như những đứa con lâu ngày gặp lại. Anh Hòa nói rằng, mỗi lần đi thăm phải chịu khó gần gủi chăm sóc chúng để chúng không quên hơi chủ, sau này khi vào mùa vụ sẽ dễ lùa về.

Có một điều đặc biệt, dù không hề làm dấu hay bất cứ một cách gì khác, nhưng những người chủ trâu không bao giờ nhận nhầm trâu. Giữa hàng ngàn con trâu hao hao đang gặm cỏ giữa núi rừng, họ vẫn có thể chỉ ra con trâu của nhà mình một cách nhanh chóng. Có lẽ, chỉ có sự gắn bó lâu năm mới giúp họ nhận ra nhanh như vậy.

Tình nghĩa là vậy, nên lỡ khi trong hành trình suốt hơn nữa năm trời lang thang trên đỉnh núi kia mà con trâu bị chết do sập hầm hố, do giao chiến, thì những người chủ của chúng đến khi vào thăm, dù muốn hay không cũng cố tìm bằng được một vật gì đó còn sót lại của con trâu nhà mình mang về. Đó có thể là cặp sừng; có thể là sợi dây buộc cổ; hay ít ra cũng biết được nơi con trâu đó chết đi đề mà thành tâm thắp nén nhang tưởng nhớ.

Câu chuyện về con trâu của ông Hoàng Kim Tư (An Mỹ, Cam tuyền) khiến nhiều người cảm động nhất. Biết tin con trâu duy nhất từng gắn bó với nghiệp ruộng vườn cả chục năm biến mất, ông huy động cả gần chục người vài rừng tìm. Tìm mãi. Cuối cùng mới thấy xác con trâu đã rữa nát ở dưới đáy của một hố bom sâu hoắm. Ông rơi nước mắt một cách… ngon lành rồi kiên quyết buộc dây xuống cho bằng được đáy hố, lấy cặp sừng trâu mang về trước khi thuê người lấp đất đầy xem như là một nấm mồ cho trâu.

Trong ngôi nhà khá khang trang của mình ở An Mỹ, Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị) cho đến giờ ông Tư vẫn treo mãi cặp sừng trâu ở vị trí trang trọng và xem nó như một kỷ vật quý giá.

NGUYỄN QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên