06/09/2022 09:22 GMT+7

GS.TS Phan Thành Nam: Học cho mình chứ không phải vì một kỳ thi

DUY THANH ghi
DUY THANH ghi

TTO - GS.TS Phan Thành Nam (37 tuổi), người Việt Nam đầu tiên được Hội Toán học châu Âu trao giải thưởng năm 2020, đã giao lưu với các học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), nơi ông từng học chuyên toán 3 năm THPT (2000 - 2003).

GS.TS Phan Thành Nam: Học cho mình chứ không phải vì một kỳ thi - Ảnh 1.

GS Phan Thành Nam giao lưu với các học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, ngôi trường ông từng học chuyên toán THPT trong các năm 2000 - 2003 - Ảnh: DUY THANH

Sau lễ khai giảng sáng 5-9, GS Phan Thành Nam - hiện là giáo sư của Đại học Ludwig Maximilian Munchen (Đức) - đã giao lưu với học sinh.

Hiểu bản chất càng học càng thấy vui

* Hồ Trần Trung Sơn (lớp 11 toán 2): Xin GS chia sẻ kinh nghiệm về học toán và niềm đam mê toán trong học tập?

- Khi học toán, tôi thấy toán rất đẹp nên đam mê. Khi đam mê thì tôi cố gắng học nhiều hơn. Học nhiều hơn lại giỏi hơn và thấy đẹp hơn. Nó thành một cái vòng. Câu hỏi là làm sao để nhảy vào cái vòng đó?

Cách học toán của tôi là đọc một lý thuyết, xem một định lý nhưng không xem cái chứng minh mà cố gắng tự chứng minh. Tất nhiên khi tự chứng minh, 99% là mình sẽ "bí" và thấy độ khó ở mức nào. Khi đó mình mới đọc một phần của chứng minh với tâm thế của người phát kiến ra định lý đó. Nghĩa là mình phải học và hiểu được về bản chất, nó ngược lại với cách học từ chương trích cú là phải ghi nhớ, rất mệt mỏi. Hiểu bản chất thì bạn học càng cao bạn càng thấy vui và thoải mái.

* Vũ Tùng Minh (lớp 11 tin học): Phương pháp tự học tập và tìm tòi trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học của GS là gì? Tư duy tự học và cách vận dụng vào cuộc sống đã thay đổi thế nào trong suốt quá trình đó?

- Bể kiến thức là mênh mông còn kiến thức mỗi người là hữu hạn. Trong thế giới khoa học có ba phát minh lớn nhất: lý thuyết tương đối, lý thuyết bất định và nguyên lý bất toàn thì cả ba đều nói đến giới hạn của nhận thức. Nhận thức không thể nào tĩnh mà là cả một quá trình động, để nắm bắt được cái động đó thì mình phải di chuyển theo, nghĩa là học phải học liên tục nên quá trình đó chỉ đạt được bằng quá trình tự học.

Nhưng bạn đừng ngộ nhận rằng tự học là học một mình, mà tự học là mình chủ động trong việc học, phải thảo luận với thầy cô và bạn bè vì đó là những người giúp mình rất nhiều. Tự học là mình chủ động biết mình học cho mình chứ không phải học vì một kỳ thi, cho ba mẹ vui lòng. Lúc đó mình làm chủ cuộc sống của mình, đó mới là ý nghĩa cao nhất của tự học.

Cân bằng giữa cái thích và giỏi

* Trần Nhật Khánh (12 toán 1): Để đạt mục tiêu lớn trong học tập và nghiên cứu thì phải phân thành các mục tiêu nhỏ và đi từng bước. Nhưng nhiều khi em gặp khó khăn trở ngại trong thực hiện mục tiêu nhỏ và thấy chán, dễ mất đam mê. GS có lời khuyên nào để giúp vượt qua những khoảng thời gian khó khăn như thế?

- Đây là vấn đề tôi gặp đi gặp lại trong hành trình của mình. Mình phải cân bằng giữa hai cái: một bên là mình thực sự thích và một bên là mình thực sự giỏi. Vấn đề là làm thế nào để hai cái này hội tụ làm một. Tôi không thể dũng cảm khuyên bạn là nếu thích cái gì thì dành hết thời gian đầu tư cho nó, vì có những vấn đề vượt quá tầm của mình. Theo kinh nghiệm của tôi, những khi như vậy, tốt nhất là hỏi một người đi trước biết rõ tình huống của mình để có những lời khuyên đúng đắn.

Những lúc không thể hỏi ai khác thì tôi tin vào sự lựa chọn của mình, nghĩa là mình thích thì mình phải làm. Mình làm cái đó có thể không được nhưng mình biết được giới hạn của mình. Đối với tôi đó là niềm hạnh phúc.

Một ví dụ đơn giản là lúc tôi học xong thạc sĩ về toán, tôi xin được một số học bổng tiến sĩ, có một học bổng rất tốt về lĩnh vực toán giải tích phương trình đạo hàm riêng, rất gần với lĩnh vực tôi đã làm thạc sĩ, nếu đi theo thì sẽ rất an toàn. Nhưng tôi lại chọn lĩnh vực mới hoàn toàn là toán học lượng tử. Lý do tôi thấy đây là một lĩnh vực rất hay, mình không biết gì cả, nếu mình mất thời gian để học thì nên học một cái mới hoàn toàn để thử thách bản thân. Sau này tôi thấy rất hài lòng với lựa chọn của mình.

* Võ Minh Hiếu (lớp 10 toán 1): Lấy được học bổng để học nước ngoài thì ngoài trình độ học vấn có cần những yếu tố như hoạt động xã hội hay năng khiếu riêng không?

- Tôi chỉ xin học bổng thạc sĩ và tiến sĩ, còn học bổng đại học thì theo tôi biết bên cạnh học vấn, người năng động và có nhiều đóng góp cho xã hội là yếu tố rất quan trọng. Ở nước ngoài người ta suy nghĩ một người học giỏi không chỉ là biết kiến thức hàn lâm mà là người chạm đến thực tế cuộc sống.

Trong trường hợp không xin được học bổng nước ngoài, bạn vẫn cứ học đại học trong nước, có những trường rất tốt. Chẳng hạn lúc trước tôi học ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, khi ra nước ngoài tôi hoàn toàn không cảm thấy sự thua kém kiến thức các bạn quốc tế học từ các trường rất lớn trên thế giới. 

Cái căn bản là lúc mình học thì không chỉ được các thầy dạy cho kiến thức mà cả những cách tự học. Nếu mình tự học đúng thì hoàn toàn có đủ cơ sở để đạt kiến thức tương đương với các bạn nước ngoài. Sau đó nếu muốn bạn hãy xin học bổng du học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Tôi nghĩ chuyện đi du học sớm hay muộn là không quá quan trọng, cái quan trọng là mình phải hình thành được tư duy tự học và cố gắng hướng tới những chuẩn mực cao, dần dần mình sẽ tiệm cận được mức thế giới.

Cố gắng chơi thể thao, đọc sách

* Huỳnh Thái Hoàng (lớp 11 toán 2): Thưa GS, làm sao để cân bằng việc học và việc vui chơi?

- Tôi nghĩ cách đơn giản hơn là ngoài giờ học, mình cố gắng chơi một số môn thể thao, đọc sách... Mọi người hay nói dân toán là dân 4K: "khô, khổ, khó, khùng", nên mình phải đọc văn, thơ, nghe nhạc để có cảm quan về thẩm mỹ cao hơn. Về lâu dài nó rất giúp ích cho việc học toán. Về mặt nguyên tắc, người ta nói toán học là ngôn ngữ của vũ trụ, mà vũ trụ thì yếu tố thẩm mỹ cao nhất là tính đối xứng. Nếu hiểu rõ yếu tố thẩm mỹ thì mình sẽ có một số ý tưởng tốt về toán.

Học làm người, học làm việc, học làm dân Học làm người, học làm việc, học làm dân

TTO - "Nghề làm người" là luận thuyết nổi tiếng trong tác phẩm Emile hay là về giáo dục của nhà khai sáng người Pháp Jean Jacques Rousseau. Theo đó "làm người" là một nghề và cần phải được học.

DUY THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên