GS Phan Đình Diệu và người bạn đời - Ảnh: THANH ĐẠM
"Một nhà khoa học lớn, một trí thức dấn thân, một nhà thơ trữ tình thông tuệ của đất nước đã đi xa... Chúng tôi thương tiếc anh Diệu với tất cả tấm lòng trân quý và trìu mến!"
Giáo sư Chu Hảo
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phan Đình Diệu, người luôn tràn đầy tâm huyết và nhiệt huyết với nền khoa học, giáo dục của Việt Nam, đã qua đời vào ngày 13-5 sau thời gian lâm bệnh.
Lễ tang GS Phan Đình Diệu sẽ được cử hành tại nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) vào sáng 18-5.
Nhà khoa học chính trực
GS Phan Đình Diệu là viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học tính toán và điều khiển (nay là Viện Công nghệ thông tin Việt Nam). Giáo sư cũng là người sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Hội Tin học Việt Nam, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình quốc gia về công nghệ thông tin khóa 1 (1993-1997).
Đặc biệt, ông được ghi nhận là một trong những nhà khoa học đã đóng góp công sức để "mở đường" đưa Internet vào Việt Nam 20 năm trước.
Trong suốt cuộc đời mình, ông nổi tiếng là một nhà khoa học chính trực, đầy nhiệt huyết, một tiếng nói uy tín trong giới khoa học và trên công luận.
"GS Phan Đình Diệu là một người trí thức thẳng thắn, dũng cảm, hết lòng vì đất nước. Ông luôn phát biểu thẳng thắn trực diện, trực tiếp trên diễn đàn Quốc hội, Mặt trận Tổ Quốc, trước lãnh đạo cấp cao. Đó là những tiếng nói mang đầy tính xây dựng với các lập luận chặt chẽ nên luôn được trân trọng", nhiều nhà khoa học, nhân sĩ trí thức nói về GS Phan Đình Diệu.
Không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, GS Phan Đình Diệu đã tham gia nghiên cứu ở cả những lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu và lên tiếng về "nền kinh tế tri thức" tại Việt Nam từ cuối thập niên 1990.
Từ năm 2003, ông tham gia Diễn đàn cải cách giáo dục của 23 nhà khoa học trong và ngoài nước do GS toán học Hoàng Tụy khởi xướng, có tên là "Hướng về giáo dục" và có nhiều đóng góp thẳng thắn, có giá trị, những đề xuất mạnh mẽ để nâng cao chất lượng giáo dục.
"Nói về giáo sư Phan Đình Diệu là nói đến một trí thức lớn của Việt Nam - người đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển ngành khoa học tính toán và tin học Việt Nam, người có sức ảnh hưởng lớn lao đến xã hội qua những đóng góp tâm huyết với tầm nhìn xa rộng cho sự phát triển đất nước" - GS.TS Nguyễn Hữu Đức, phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.
Người luôn tìm kiếm những cái mới
"Công nghệ thông tin là một ngành mà tôi rất tha thiết. Cả phần đời sung sức nhất của mình, tôi đã dành để nghiên cứu, xây dựng và góp phần phát triển nó" - GS Phan Đình Diệu từng tâm sự.
Khi có cơ hội được làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, GS Phan Đình Diệu đã quyết tâm chuyển niềm đam mê của mình đối với toán học trừu tượng sang việc ngày đêm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu một lĩnh vực mới không chỉ đối với riêng ông mà với cả nền khoa học của Việt Nam lúc đó là khoa học máy tính và những vấn đề liên quan như điều khiển học, khoa học hệ thống.
Ông nghiên cứu với niềm tin sâu sắc rằng những lĩnh vực khoa học mới này sẽ là những ngành rất cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong một tương lai không xa.
Ông cũng luôn phát hiện, khuyến khích những cán bộ nghiên cứu trẻ, dựa trên năng lực thực sự mà không chỉ phụ thuộc vào bằng cấp hay tuổi tác.
Chính vì vậy ngay từ những ngày đầu thành lập, Viện Khoa học tính toán và điều khiển đã có những nhóm nghiên cứu mạnh với các thành viên hoạt động tích cực, nhiều người sau này trở thành những người trụ cột trong các viện nghiên cứu, các bộ ngành.
Dưới sự lãnh đạo tâm huyết, quyết đoán của ông và với sự quyết tâm, làm việc hăng say của các cán bộ viện, năm 1981 chiếc máy vi tính đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam và Đông Á. Ông cũng đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu hợp tác và phát triển các đề tài mật mã với Ban Cơ yếu trung ương.
Ông đã tổ chức những hội nghị tin học quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, tạo cơ hội để các cán bộ trẻ của Việt Nam giao lưu học hỏi với các đồng nghiệp nước ngoài.
Với sức ảnh hưởng của mình, nhiều chuyên gia tin học nước ngoài đã gắn bó lâu dài và trở thành người bạn khoa học của Việt Nam. Vì thế, ông được xem là một trong những người đã lát những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng cho sự phát triển ngành khoa học - công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Ngoài việc lên lớp giảng dạy, các bộ giáo trình và sách chuyên khảo, các bài khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước của ông là những tài liệu tham khảo quan trọng cho sinh viên, giới nghiên cứu và những người quan tâm đến toán học và tin học.
GS Nguyễn Hữu Đức nói về thầy: "Đến tuổi lục tuần, sinh viên vẫn thấy thầy giảng bài đầy sôi nổi, nhiệt huyết với nền tảng kiến thức uyên thâm và sự cập nhật tức thời những tri thức của thời đại".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận