31/10/2014 08:17 GMT+7

​Góp ý để xây dựng Hà Nội văn minh

XUÂN LONG - V.V.TUÂN ghi
XUÂN LONG - V.V.TUÂN ghi

TT - Các nhà nghiên cứu văn hóa đã góp ý với Hà Nội trong việc hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử nhằm xây dựng thủ đô văn minh, thanh lịch.

Một tài xế dừng ôtô giữa đường chỉ để nói chuyện với bạn trên một con phố ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cả hai cùng đỗ xe ngay biển báo cấm đỗ - Ảnh: T.T.D.
Một tài xế dừng ôtô giữa đường chỉ để nói chuyện với bạn trên một con phố ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cả hai cùng đỗ xe ngay biển báo cấm đỗ - Ảnh: T.T.D.

Chiều 30-10, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng các sở, ngành đã nghe Sở VH-TT&DL báo cáo nội dung bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Khắc Lợi - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, việc xin ý kiến tập thể UBND TP, các sở, ngành là một bước trong quá trình hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử: “Dự thảo quy tắc ứng xử vẫn đang trong quá trình tiếp thu các ý kiến đóng góp, thậm chí tiếp thu từng câu, từng chữ để chắt lọc ra những quy tắc ứng xử văn hóa nhất”.

Góp thêm một tiếng nói, Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến.

Tôi thấy những quy tắc ứng xử chung và những quy tắc ứng xử riêng cho sáu nhóm đối tượng đều rất chung chung, mà ở bất cứ con người nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng cần có, chứ đâu phải chỉ riêng công dân sống ở Hà Nội
PGS.TS Bùi Xuân Đính

* PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học):

Phải có tiêu chí rõ ràng

Bộ quy tắc ứng xử này là “mẫu hình” cho các cơ quan công sở nói riêng, cho xã hội ta nói chung của vài chục năm sau, hoặc lâu hơn nữa. Còn cứ với những thói hư tật xấu, sự tùy tiện cố hữu của người Việt đang hiện hữu trong đời sống hằng ngày, hằng giờ thì khó có thể đạt được mẫu hình mà bộ quy tắc này đề ra. 

Chính những thói hư tật xấu, mà tiêu biểu nhất là tính tùy tiện, là nguyên nhân của việc một bộ phận đông đảo công dân đang sinh sống ở Hà Nội (chưa hẳn đã là người Hà Nội), nhất là giới trẻ, thường có hành vi ứng xử chưa văn minh, thanh lịch.

Vì vậy, trước khi hướng đến việc “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (điều 6, chuẩn mực ứng xử chung) thì cần phải chỉ rõ ra những thói hư tật xấu của công dân đang ở Hà Nội và đưa ra hướng giải quyết để tiêu diệt tận gốc những thói hư tật xấu ấy.

Cần nhất là đừng nói chung chung. Nói chuẩn mực “Tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc” (điều 1, chuẩn mực ứng xử chung) thì phải chỉ ra cụ thể bằng hành động, thế nào là yêu nước, chứ cứ nói khơi khơi như thế thì trong các văn bản, nghị quyết trước đó đã có rồi, cần gì phải đưa vào bộ quy tắc ứng xử này nữa? Rồi thế nào là có ý thức tập thể?

Trong khi một tập thể sai rồi hùa với cái sai của lãnh đạo, thì một vài cá nhân đứng tách ra ngoài, phản đối điều đó thì liệu những người vào hùa với cái sai có được coi là có ý thức tập thể hay không, còn người phản đối có phải là “thiếu ý thức tập thể” không?

Như thế nào là cán bộ công chức “tận tâm với công việc”? Phải có tiêu chí rõ ràng với từng loại cán bộ, từng ngành. Là công chức thì tận tâm với công việc phải thể hiện ở trách nhiệm giải quyết công việc đúng thời hạn, nhất là những việc quan hệ đến dân, không được lợi dụng cương vị công tác để sách nhiễu dân...

Hơn nữa, điều trống vắng nhất của người Việt Nam ta là thiếu ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bộ quy tắc ứng xử trước mắt nên hướng đến giáo dục người dân tinh thần thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm hệ quy chiếu ứng xử.

Cuối tháng 3 năm nay, một sự kiện khiến những người Hà Nội thanh lịch sốc nặng, đó là cảnh khán giả lao xuống sân giật vợt, túi xách của các VĐV nước ngoài dự Giải cầu lông Hà Nội mở rộng. Trong ảnh là một thanh niên đang giật vợt của tay vợt Yano (Nhật Bản) đăng trên Facebook một VĐV nổi tiếng
Cuối tháng 3 năm nay, một sự kiện khiến những người Hà Nội thanh lịch sốc nặng, đó là cảnh khán giả lao xuống sân giật vợt, túi xách của các VĐV nước ngoài dự Giải cầu lông Hà Nội mở rộng. Trong ảnh là một thanh niên đang giật vợt của tay vợt Yano (Nhật Bản) đăng trên Facebook một VĐV nổi tiếng

* GS Ngô Đức Thịnh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam):

Cần ngắn gọn, dễ nhớ

Trong tình hình thực tế hiện nay, nếu xây dựng được bộ quy tắc ứng xử để hướng đến cách ứng xử văn minh, lịch sự thì cũng tốt thôi. Nhưng những điểm ghi trong hệ thống quy tắc ứng xử này chung chung quá, không cụ thể. 

Muốn bộ quy tắc ứng xử được đi vào đời sống thì những điều ghi trong đó phải hết sức ngắn gọn, dễ nhớ. Chứ bộ quy tắc ứng xử dài như vậy, nhiều người học thuộc còn khó thì sao họ có thể thực hiện được?

Tôi thấy một số TP lớn của các nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản cũng có bộ quy tắc ứng xử, nhưng rất ngắn gọn, dễ nhớ, chỉ gồm có mấy từ thôi, chứ không dài như bộ quy tắc của Sở VH-TT&DL TP Hà Nội.

Tôi vẫn nghi ngờ tính thực tiễn của bộ quy tắc này, vì nhiều quy định như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm vượt đèn đỏ... được ban hành, có chế tài hẳn hoi, nhưng vẫn chưa thực hiện được triệt để.

Trong khi đó, bộ quy tắc này không có tính bắt buộc, không có chế tài đi kèm, cũng chưa rõ cơ quan nào sẽ giám sát quá trình thực hiện. Vì thế, sẽ rất khó kiểm tra, giám sát, thẩm định xem quá trình thực hiện đề án như thế nào.

Đúng là có thực trạng văn hóa ứng xử đang xuống cấp. Nhưng ứng xử chỉ là cái thể hiện ra bên ngoài. Để giải quyết lâu dài vấn đề này thì phải chỉ ra nguyên nhân gốc rễ của nó nhằm tìm ra cách giải quyết. Còn chỉ đưa ra những quy tắc chung chung thì rất khó giải quyết tận gốc vấn đề.

Nên chọn công sở làm đối tượng chính

Ứng xử trong xã hội của chúng ta xuống cấp đồng đều trên khắp cả nước, không riêng gì Hà Nội. Nhưng Hà Nội là nơi được người dân quan tâm hơn cả bởi đấy chính là bộ mặt của cả nước. Vì thế bộ quy tắc ứng xử này còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn, vượt ra ngoài cả địa bàn thủ đô.

Nhưng bắt đầu từ đâu?

Bộ quy tắc ứng xử được hình thành bởi rất nhiều hội thảo và 5 vạn trang tài liệu cả trong và ngoài nước, theo như phó giám đốc Sở VH-TT&DL thông báo. Thoạt nghe thì thấy rất quy mô, nghiêm túc, nhưng nghĩ kỹ thì thấy hết sức lo ngại.

Bộ quy tắc ứng xử cho mọi tầng lớp dân phố không khéo sẽ phải in thành sách dày cỡ như Đại Việt sử ký toàn thư! Ai sẽ là người có đủ trình độ và thời gian để đọc nó?

Nếu nói Hà Nội chưa hình thành được quy tắc ứng xử cũng là sai. Hà Nội từng có những quy tắc ứng xử rất lịch thiệp được lan truyền từ các công sở thuộc địa ra ngoài xã hội. Những ứng xử ấy vào quãng hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên.

Ví dụ như người lớn luôn là chỗ dựa và là người chỉ bảo cho trẻ con ở bất cứ đâu không cứ là ở nhà mình. Trẻ con lên tàu điện mà chửi bậy chẳng hạn, lập tức người soát vé sẽ bắt đứng vào một góc nói lời xin lỗi. Những ứng xử ấy bây giờ đã biến mất.

Thay vào đó người ta ứng xử bằng cách quay mặt đi. Người Hà Nội coi cách ứng xử quay mặt đi là chính xác nhất. Phù hợp cho mọi tình huống. Bởi họ không còn được đông đảo người xung quanh ủng hộ và bảo vệ nữa.

Bộ phận trí thức, công chức thời nào cũng có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Nhưng như ta thấy, khá nhiều cơ quan công sở có những ứng xử không phù hợp. Vào chỗ công quyền nào đấy là điều người dân tuyệt đối phiền lòng. Phiền từ ông gác cổng phiền đi.

Ngay trong cùng một cơ quan góp ý bảo nhau đã khó, dễ gây thù chuốc oán. Bộ quy tắc ứng xử ra đời có lẽ nên chọn cơ quan, công sở làm đối tượng chính để tuyên truyền vận động và từ đó lan tỏa đến mọi tầng lớp dân cư.

Và hơn hết, nó phải đủ ngắn và súc tích mới mong đi vào được đời sống.

ĐỖ PHẤN (họa sĩ)

XUÂN LONG - V.V.TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên