Thực tế chứng minh, việc xã hội hóa đầu tư các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian qua đã đem lại nhiều thành tựu tốt đẹp, được xã hội ghi nhận, nhiều dự án trọng điểm quốc gia đi vào hoạt động phát huy hiệu quả cao.
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng bất cập, hạn chế như một vài dự án đặt trạm thu phí không đúng khoảng cách quy định, một số dự án thực hiện trên tuyến đường độc đạo, tình trạng không công khai minh bạch dự án… đã làm cho người dân, dư luận hoài nghi, có những đánh giá về BOT giao thông chưa đúng với thực tế khách quan. Chúng tôi đã trao đổi với ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.
*Những đánh giá, nhìn nhận chưa đúng về BOT giao thông ảnh hưởng như thế nào trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, thưa ông?
-Ảnh hưởng khá lớn. Điều đó tạo ra những "điểm nghẽn", làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển đồng bộ của hệ thống giao thông trong nước nói chung, đến những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có khát vọng cống hiến phục vụ xã hội nói riêng.
*Cụ thể, những "điểm nghẽn" đó là gì?
-Một là thái độ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Các hợp đồng BOT trước khi đặt bút ký luôn được trao đổi, thống nhất kỹ giữa các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, khi bị người dân phản đối, một số cơ quan, đơn vị lại đẩy hết trách nhiệm cho nhà đầu tư, hoặc cho địa phương. Tình trạng này đẩy nhà đầu tư vào thế khó.
Hai là một bộ phận người dân: Không đồng tình với việc đóng phí vì lập luận con đường trước đây đã có sẵn, cho rằng việc thu phí chỉ "phục vụ cho lợi ích Nhà đầu tư". Thực tế dự án BOT giao thông nào cũng đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và người dân. Các dự án BOT giao thông minh bạch luôn dành cho người dân có sự lựa chọn: hoặc đi đường cũ, còn muốn đi đường mới thì phải đóng phí.
Ba là ngân hàng: Mặc dù là người bạn đồng hành với dự án (lãi vay, phí bảo lãnh…) nhưng khi dự án gặp khó khăn thì chưa cùng nhà đầu tư tháo gỡ. Hiện nay, nguồn vốn của các Ngân hàng TMCP Nhà nước cho vay trực thuộc vốn đầu tư, kinh doanh của Nhà nước, nên việc tranh chấp với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ GTVT, UBND tỉnh, thành...) cũng được Nhà nước giao cho người đại diện quản lý đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước.
Bốn là truyền thông: Vẫn còn một số nội dung truyền thông chưa có cái nhìn đầy đủ về mặt tích cực và có "định kiến" với BOT giao thông. Trong khi đó, ý kiến giải thích, phản biện của Nhà đầu tư được đưa rất hạn chế và mờ nhạt. Cũng cần nói thẳng rằng, ngoài những điểm tích cực thì một số dự án không sao tránh khỏi những hạn chế dễ làm cho dư luận hiểu nhầm về bản chất của một doanh nghiệp, gây bất lợi cho Nhà đầu tư cũng như quá trình thực hiện dự án đó.
Năm là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán: Đồng ý phải có công tác thanh tra, kiểm toán để tạo sự minh bạch. Nhưng khi dự án đang gặp khó khăn về việc thu phí, áp lực dư luận… thì các cuộc thanh tra lại diễn ra thường xuyên hơn, gia tăng thêm áp lực cho nhà đầu tư. Do đó, nếu các đơn vị này hiến kế để điều chỉnh chính sách thì sẽ tích cực hơn.
Dự án BOT giao thông nào cũng đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và người dân
*Vậy, giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn đó nên như thế nào, thưa ông?
1/ Đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan, địa phương… cần tuân thủ chặt chẽ nội dung hợp đồng đã ký kết, nếu quá khó khăn thì cần trao đổi, thống nhất với các thành phần liên quan là Ngân hàng, Cổ đông, Nhà đầu tư tháo gỡ từng bước.
2/ Đối với người dân: Tuyên truyền để người dân hiểu được việc đầu tư theo hình thức BOT trong bối cảnh khó khăn của kinh tế đất nước là đúng đắn, là đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội. Không chỉ vì một vài dự án BOT có sai phạm mà phủ nhận cả một chủ trương, chính sách đúng đắn, và phủ nhận cả một thành quả của hệ thống các công trình BOT giao thông khắp cả nước. Để từ đó người dân có cái nhìn khách quan, công tâm, thân thiện hơn đối với BOT giao thông hiện nay và tuân thủ qui định pháp luật.
3/ Đối với Ngân hàng: Yêu cầu đánh giá lại các lợi ích về lợi nhuận đã thu từ các dự án BOT mà các ngân hàng cho vay, chắc chắn phải là một con số rất lớn (lãi vay, chi phí…) để cùng nhau xác định trách nhiệm, chia sẻ các rủi ro khi dự án gặp khó khăn nhằm tháo gỡ các vướng mắc, không nên quay lưng lại với Nhà đầu tư khi dự án rơi vào bế tắc…
4/ Đối với Truyền thông: Cần khách quan, hai chiều khi nêu ra các mặt tích cực, hạn chế tại các dự án để điều chỉnh cho phù hợp. Mặt khác, cũng cần thông tin mạnh mẽ những thành tựu của nhiều dự án BOT đã đóng góp tích cực và cống hiến cho sự phát triển của địa phương, khu vực và đất nước. Sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan truyền thông sẽ tạo nên sự thành công lớn cho một doanh nghiệp, một dự án, tạo động lực cho nhà đầu tư cống hiến.
5/ Đối với các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán: Công tâm khi đánh giá các mặt được, chưa được của dự án; lỗi nào của nhà đầu tư, lỗi nào của cơ chế chính sách phải rạch ròi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả
“Cần thông tin mạnh mẽ những thành tựu của nhiều dự án BOT đã đóng góp tích cực và cống hiến cho sự phát triển của địa phương, khu vực và đất nước. Sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan truyền thông sẽ tạo nên sự thành công lớn cho một doanh nghiệp, một dự án, tạo động lực cho nhà đầu tư cống hiến. Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận