14/04/2012 07:23 GMT+7

Giúp nhau như thế khác nào hại nhau

T.TU.
T.TU.

TT - Đã lỡ nợ ngân hàng (NH) nhưng làm ăn khó khăn đến hạn không có tiền trả, ai chẳng mơ được NH cho giãn nợ. Hi vọng đó đã thấp thoáng khi NH Nhà nước bật đèn xanh cho các NH cơ cấu lại nợ cho người vay gặp khó khăn tạm thời.

Y2hk818D.jpgPhóng to

Đèn đã bật nhưng chưa hẳn người vay đã được cơ cấu lại nợ nếu không có thiện chí từ NH. Đúng ra khi NH ngồi lại giúp người vay cơ cấu lại nợ, nếu làm theo đúng quy định của NH Nhà nước, họ cũng bị ảnh hưởng. Cơ cấu lại nợ, NH phải phân loại nợ, mà đã phân loại nợ thì phát sinh nợ xấu, có nợ xấu thì phải xử lý về tài chính để đề phòng trong trường hợp nợ đó không thu được đã có sẵn khoản tiền để bù đắp. Nhưng chi quá nhiều khoản để dự phòng xử lý nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH, làm xấu các chỉ tiêu tài chính khác.

Vì vậy trên thực tế, NH hạn chế thực hiện việc cơ cấu lại nợ theo quy trình trên, trừ trường hợp đặc biệt hoặc doanh nghiệp vay quy mô lớn... Một số NH đã chọn cách cơ cấu lại nợ không có trong quy định, đẩy hết cái khó về cho người vay. Đó là người vay tự xoay tiền, kể cả vay nóng bên ngoài, để trả nợ đến hạn, sau đó NH cho vay lại để trả nợ bên ngoài. Về phía NH, khi cho vay lại, khoản vay thay vì đã bị nợ quá hạn, nay trở thành nợ trong hạn, đâu cần thiết phải phân loại nợ, không trích lập dự phòng rủi ro...

Thực chất của việc này là đảo nợ mà NH Nhà nước không khuyến khích, vì không phản ánh đúng tình hình tài chính của người vay. Thậm chí còn tạo thêm gánh nặng cho người đi vay khi phải xoay xở tiền từ bên ngoài để trả nợ NH. Với cá nhân vay kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, thường nguồn vay bên ngoài để trả nợ đến từ các dịch vụ cho vay nóng, cho vay đáo hạn NH với lãi suất cực kỳ cao, được tính theo ngày hoặc theo tuần.

Không phải đến bây giờ NH mới “cơ cấu nợ” theo kiểu vay bên ngoài, trả bên trong để làm lại hợp đồng mới. Việc này đã được một số NH thực hiện, nhất là với các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ, cá nhân. Và mới đây, khi có chủ trương cơ cấu lại nợ, cũng có NH muốn thúc đẩy xử lý nợ theo hướng này. Vì vậy nếu NH Nhà nước không có những tiêu chí cụ thể hơn, hoặc cứ để các NH tự quyết thì nhiều khả năng NH hưởng ứng chủ trương cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp theo quy trình “vay bên ngoài, trả bên trong”.

Cách này chẳng khác nào hại doanh nghiệp, hại cả NH. Bởi mục tiêu của cơ cấu lại nợ, với phía doanh nghiệp là giảm bớt áp lực về tài chính, để tổ chức lại sản xuất kinh doanh tốt hơn, chứ không phải thêm gánh nặng, tốn kém thêm chi phí cho những khoản vay nóng bên ngoài.

T.TU.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên