22/08/2013 07:40 GMT+7

Giúp bé thích nghi với trường mầm non

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - “Ngày đầu tiên đi học ở trường mầm non, đứng ngoài cửa lớp nhìn vào thấy các bạn khóc la, gào thét, bé nhà tôi cũng òa khóc, tay bám chặt áo mẹ, không chịu vào lớp” - chị Nguyễn Thị Thanh Hương, nhà ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM, cho biết.

nMEndEBX.jpgPhóng to
Hình ảnh trong ngày khai giảng năm học 2012-2013 tại Trường mầm non Sơn Ca 12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: H.HG.

Theo chị Hương, có lẽ hình ảnh của ngày đầu tiên quá kinh khủng đã khiến con chị khó thích nghi với lớp học. “Ngay cả phụ huynh như tôi cũng không thể nào quên cảnh tượng ấy. Một lớp học có hơn 20 cháu khóc rền rĩ, các bé cứ gào lên: “Mẹ ơi! Mẹ ơi”, bé thì chạy ra cửa lớp giơ hai tay lên: “Bế a, bế a”, có bé còn ói hết ra sàn lớp, rồi tè, ị ra quần... Tôi thấy ba cô giáo cứ luôn chân luôn tay vừa dỗ dành, vừa dọn đồ ói, thay quần áo cho các cháu... Học sinh đông, việc nhiều nên các cô không thể dỗ dành tất cả các cháu trong lớp. Mà khung cảnh ấy cứ lặp đi lặp lại suốt cả tuần sau đó nên bé nhà tôi rất sợ đi học” - chị Hương kể.

Đi học là khóc?

Tương tự, ngày khai giảng của năm học trước (2012-2013) tại Trường mầm non Sơn Ca 12, quận Phú Nhuận, TP.HCM, chúng tôi đã được “tận mục sở thị” cảnh các cháu mầm non khóc lóc rất tội nghiệp. Các cô giáo cũng không sung sướng gì khi phải liên tục lau sàn lớp (do học sinh ói, tè...), có cô hai tay bế hai cháu (còn 2-3 cháu khác vừa khóc vừa bám lấy áo cô đòi bế), có cô thì một tay bế cháu này, tay kia lấy khăn giấy chùi mũi cho một cháu khác... Đặt câu hỏi: “Khi nào thì các cháu hết khóc?”, các cô giáo cho biết: “Thường chỉ một, hai tuần là ổn. Cũng có bé dễ chịu, chỉ khóc 2-3 ngày. Nhưng cũng có bé khó lắm, cả tháng mới thích nghi được”.

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Dung - trưởng Phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, thời kỳ giáo viên mầm non làm việc căng thẳng, vất vả nhất là thời gian nhà trường tiếp nhận học sinh mới (lần đầu đi học). Trong những ngày đó, nhiều cô phải tất bật từ sáng đến trưa, nào dỗ dành, ẵm bồng, kéo co, vật vã với trẻ. Các cháu khóc, quấy, giãy, đạp, thậm chí đánh cả cô. Đến giờ ăn thì trẻ khóc, không chịu ngồi ăn, rồi ho, ói. Đến giờ ngủ cô giáo phải ẵm ru ngủ. Có trẻ mệt quá ngủ thiếp đi, có trẻ không chịu ngủ thì cô phải ẵm ra sân chơi vì sợ ảnh hưởng đến cháu khác. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đối với trẻ: sụt cân, bệnh, sợ hãi đám đông, sợ tiếp xúc với nhiều người, trở nên nhút nhát, trầm uất...

Nhà trường và phụ huynh cùng hợp tác

Ngày hội bé đến trường

“Ngày khai giảng (5-9), các trường mầm non không nên nhận học sinh mới (nhất là học sinh lứa tuổi nhà trẻ). Khác với các bậc học khác, trường mầm non sẽ không tổ chức lễ khai giảng với màn đọc diễn văn, giới thiệu đại biểu... Ngày 5-9 ở trường mầm non là “Ngày hội bé đến trường” với nhiều hoạt động vui nhộn, hấp dẫn trẻ như: cô giáo sẽ đón bé ngay tại cổng trường, cài hoa lên áo bé hoặc tặng bong bóng cho bé (có trường bố trí một số nhân vật nổi tiếng như trong phim hoạt hình để chào đón học sinh), tổ chức các góc chơi: bịt mắt đánh trống, tô màu, vẽ, nhảy bao bố, múa lân...”.

ThS NGUYỄN THỊ KIM DUNG

Cũng theo ThS Kim Dung, việc trường mầm non tiếp nhận học sinh mới (nhất là lứa học sinh dưới 3 tuổi) phải thực hiện theo quy trình. Trước hết, nhà trường phải giúp phụ huynh nắm được quy định của trường, chế độ ăn, lịch sinh hoạt của học sinh. Sau đó, cha mẹ sẽ tập cho bé sinh hoạt ở nhà gần giống như ở trường (ví dụ: 7g30 ở trường ăn sáng thì ở nhà giờ đó phụ huynh cũng cho bé ăn sáng), tập cho bé một số thói quen ăn, ngủ, vệ sinh... (đeo yếm khi ăn, ngủ trên nệm chứ không nằm võng hay nôi, biết ngồi bô...). Nói chuyện với bé về những điều thú vị ở trường mầm non (chứ đừng dọa: “Con hư ba mẹ sẽ cho con đi trường mầm non” tạo ấn tượng không tốt cho bé). Song song đó, hằng ngày phụ huynh cũng nên đưa bé đến trường chơi vào giờ trả trẻ (từ 16g-17g). Bé sẽ chơi ngoài sân hoặc vào trong lớp học để làm quen với cô giáo, với đồ dùng, đồ chơi...

ThS Kim Dung nhấn mạnh: “Điều cấm kỵ là phụ huynh không được cho bé đi học một cách đột ngột. Nhà trường cũng không được nhận học sinh mới một cách ồ ạt”. Trên thực tế có nhiều trường hợp: bác giúp việc vừa mới nghỉ hoặc bà nội (bà ngoại) bị bệnh là phụ huynh cho con đi học ngay, bé rất dễ bị sốc. Việc nhận trẻ cần làm theo đợt: mỗi đợt từ 8-12 bé (tùy theo độ tuổi). Khi học sinh đợt này thích nghi rồi mới tiếp tục nhận đợt khác. Những ngày đầu bé đi học, phụ huynh sẽ ở lại trong lớp cùng con và có thể đón về buổi trưa.

Tuy nhiên, theo chị Thanh Hương: “Tôi nghĩ việc phụ huynh vào lớp học chăm sóc con mình trong những ngày đầu rất có ý nghĩa. Vừa để giúp con hòa nhập môi trường mới, vừa giúp cô giáo nhanh chóng hiểu được tính tình, thói quen của học sinh mới. Nhưng ở trường con tôi thì không được phép. Bữa đó, khi tôi mới bước một chân vào lớp, cô giáo đã vội vàng chạy ra: “Xin lỗi chị, ở đây phụ huynh không được phép vào lớp học”. Sau này tôi mới biết một số giáo viên rất khó chịu khi có người lạ theo dõi thao tác chăm sóc trẻ của mình”.

Về vấn đề trên, ThS Kim Dung cho rằng: “Có thể có một số trường mầm non chưa quán triệt đầy đủ quy trình tiếp nhận học sinh mới. Thời gian tới sở sẽ kiểm tra và nhắc nhở để các trường thực hiện nghiêm túc hơn”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên