23/02/2015 06:37 GMT+7

​Giục giã từ tình yêu đất nước

NGỌC ĐẢN - VÕ VĂN THÀNH
NGỌC ĐẢN - VÕ VĂN THÀNH

TTXuân - “Đất nước vừa vượt qua một năm nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta vẫn đứng vững và đi lên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi gia đình ông Phạm Văn Tờ, ấp Nhà Thờ, xã Tân Lân,  huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ngày 6-12-2014 - Ảnh: Giản Thanh Sơn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi gia đình ông Phạm Văn Tờ, ấp Nhà Thờ, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ngày 6-12-2014 - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Nhìn lại năm qua, có lẽ ai cũng thấy trong cuộc sống có những điều cha ông đã dạy, tưởng chừng như cổ xưa nhưng lúc nào cũng mới mẻ. Đó là truyền thống yêu nước của dân ta, là một minh chứng”. Chủ đề mà Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG dành cho báo Tuổi Trẻ nhân dịp Tết Ất Mùi xoay quanh những điều ông vừa chia sẻ. 

Vì lâu dài cho đất nước

Trong lịch trình của người đứng đầu Nhà nước suốt một năm qua, nối tiếp những chuyến công du nước ngoài và làm việc tại các tỉnh, thành trong cả nước, đã dày thêm tên các tuyến đảo tiền tiêu từ Bắc vào Nam: Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ, Thổ Chu… 

Một buổi trưa nắng và gió chan hòa trên đảo Cồn Cỏ, ngồi quây quần cùng với người dân trong hội trường đơn sơ ở trung tâm đảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chăm chú lắng nghe chị Nguyễn Hạnh Nhân - thanh niên xung phong - nói về những đổi thay nơi đây. Để có được một mái nhà vững chãi, một mảng xanh cây lá giữa trùng dương, biết bao sức người đã đổ xuống. Đứng trên đảo nhỏ ngắm nhìn xa tắp biển khơi, hôm ấy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói về tầm nhìn đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Chủ tịch nước nhấn mạnh mỗi người dân bám đảo, xây dựng đảo hôm nay không chỉ cho mình mà còn vì lâu dài cho đất nước. 

Chỉ mới đây thôi, trong những ngày biển Đông dậy sóng trước việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta, tinh thần yêu nước của người dân đã được thể hiện mạnh mẽ trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Đề cập chủ đề này, một lần nữa Chủ tịch nước xúc động nhắc đến những ngư dân bám biển đã kiên cường ở tuyến đầu dù luôn bị tàu Trung Quốc o ép, đe dọa, thậm chí có trường hợp bị đâm chìm mà Chủ tịch nước đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên ở Đà Nẵng. Ngư dân ta vẫn bám ngư trường truyền thống từ nhiều đời nay của ông cha, không bao giờ bị khuất phục. Các lực lượng bảo vệ pháp luật của Việt Nam không lùi bước, dũng cảm vượt qua mọi thách thức để thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và còn rất nhiều nữa những hình thức phong phú, sáng tạo để thể hiện lòng yêu nước của đồng bào cả ở trong nước và ngoài nước. Tình cảm yêu nước và trách nhiệm đó hoàn toàn xa lạ với những lời nói và việc làm mang tính kích động. Việc chia rẽ, kích động rõ ràng không giúp đất nước vượt qua thử thách mà còn gây thêm khó khăn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. 

Giữa dòng chảy của các vấn đề thời cuộc hôm nay, nhiều khi Chủ tịch nước tìm cắt nghĩa từ mạch nguồn lịch sử dân tộc. Theo Chủ tịch nước, tinh thần đoàn kết là một lẽ tự nhiên của yêu nước. “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”. Có phải vì lẽ đó, có những kiều bào dù từng khác chính kiến, nhưng khi về đứng giữa quê hương, đất nước và đặc biệt là được tạo điều kiện để ra Trường Sa thì tự bản thân họ đã nói rằng yêu nước là phải xóa bỏ mặc cảm, hận thù, khép lại quá khứ, hướng đến tương lai để chung tay  xây dựng đất nước, chứ không phải ngược lại. Đất nước càng đứng trước những khó khăn, thử thách thì càng phải đoàn kết. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải hết lòng chăm lo đoàn kết nội bộ và trong nhân dân. Chủ tịch nước kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời nhà Trần, giữa Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải từng có mối thù nhà, nhưng tất cả những việc gia đình đã được dẹp bỏ để tập trung lo đền nợ nước. Nồi nước thơm mà Hưng Đạo Đại Vương tắm cho Chiêu Minh Vương được lưu truyền trong người Việt Nam đến muôn đời là vì vậy. 

Tiếp tục khai phóng sức dân

Trong cuộc phỏng vấn, có lần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi chúng tôi khi đi vào Phủ Chủ tịch có nhìn thấy dòng người đang xếp hàng dài trên quảng trường Ba Đình lộng gió, trong cái rét đậm cuối năm để vào lăng viếng Bác Hồ? Chủ tịch nước cho biết ông thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm ban quản lý lăng Bác và được biết dòng người đến lăng tăng dần lên theo thời gian. Không giấu vẻ xúc động, Chủ tịch nước nhắc đến hình ảnh dòng người xếp hàng dài đội mưa chờ vào lăng viếng Bác trong buổi sáng ngày Quốc khánh. Tương tự như vậy, dòng người Việt trong nước, ngoài nước hành hương về đền Hùng giỗ Tổ cũng tăng lên mỗi năm.  

“Lòng dân luôn hướng về Bác Hồ, về cội nguồn dân tộc” - Chủ tịch nước nói. Ông cho rằng người dân bằng những hành động thầm lặng của mình, không đợi ai nhắc nhở, không đợi ai vinh danh đã viết tiếp những trang sử của truyền thống nồng nàn yêu nước trong lao động, sản xuất và trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hôm nay. Chính điều đó càng thêm thôi thúc, nhiều khi như là một món nợ với những người lãnh đạo các cấp. “Trọng trách càng cao thì trách nhiệm càng lớn, càng phải oằn vai lên” - Chủ tịch nước nói. Đó là làm sao để tiếp tục khai phóng sức dân, để đưa đất nước thoát khỏi tụt hậu, để cắt những “khối u” tham nhũng, lãng phí trên cơ thể đất nước… 

Bằng cách nói bộc trực, Chủ tịch nước thẳng thắn cho biết ông hết sức khó chịu trước hiện tượng một số cán bộ hành xử không đúng trên cương vị của mình để thu vén nhà công, đất công. “Không chỉ là vấn đề nhà đất, đối với bất cứ vấn đề gì gây bất bình trong nhân dân, không trừ một ai, nếu có việc làm sai chủ trương, sai luật, trái đạo lý mà lương tâm không đủ thức tỉnh, răn đe thì pháp lý phải được triệt để áp dụng” - Chủ tịch nước nói. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nhỏ về cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Đó là cuối giờ một buổi chiều Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, vừa bầu ra Tổng bí thư mới, lúc bấy giờ ông đến thăm nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thì thấy nhà khóa cửa, tắt đèn. Hỏi ra mới biết nguyên Tổng bí thư ngay sau khi rời chức vụ đã trả chìa khóa nhà cho Ban Tài chính quản trị trung ương và chuyển lên nhà khách ở hồ Tây. “Tôi đến hồ Tây, ngồi uống nước trà với cụ Mười Cúc, cụ nói ở tạm nhà khách để sáng mai khi bế mạc đại hội thì về TP.HCM” - Chủ tịch nước nhớ lại.

Ráng chạy đua với thiên hạ

Trên chuyên cơ trong những chuyến công du, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giữ thói quen gặp gỡ, trao đổi với các thành viên của đoàn công tác. Những cuộc trao đổi, trò chuyện trên những chuyến bay đó thường là về các triển vọng hợp tác mới cho đất nước. Như lần trên chuyến bay trở về Hà Nội sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. 

Mỗi năm đất nước hoa anh đào chỉ đón nhiều nhất hai vị quốc khách đến thăm cấp nhà nước với tư cách là khách mời của nhà vua và hoàng hậu. Số lượng quốc khách hằng năm không nhiều, và cũng không phải vị quốc khách nào cũng chọn nông nghiệp là lĩnh vực đến thăm đầu tiên ngay sau khi tới Nhật Bản như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Có lẽ vì vậy, những nông dân giỏi của tỉnh Ibaraki - trung tâm sản xuất nông nghiệp đứng thứ hai Nhật Bản - không giấu được niềm vui và tự hào khi trình diễn với đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại của họ. Bên cạnh việc giới thiệu thành tựu từ một số giống cây mới lai tạo đang “đắt hàng” trên toàn nước Nhật như dâu tây, hoa tươi, gạo…, một người dân tỉnh Ibaraki còn tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tấm khăn lụa do chính tay người mẹ của họ dệt để thể hiện tình cảm với khách quý. Đáp lại thịnh tình đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói với các nông dân ở tỉnh Ibaraki rằng nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà ông hết sức quan tâm, bởi lẽ với gần 50% dân số Việt Nam làm nghề nông, nông nghiệp chính là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam. 

Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã xác lập những phương hướng lớn của quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn phát triển mới, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp mà chúng tôi đã nghe Chủ tịch nước say sưa nói trên chuyên cơ trở về Hà Nội. 

Chuyến tàu hội nhập đang đưa đất nước vào những vận hội mới, đồng thời cũng vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn theo quy luật tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường… “Từ tình yêu đất nước giục giã, chúng ta phải ráng chạy đua với thiên hạ, đừng để tụt hậu” - Chủ tịch nước nhấn mạnh. Ông thiết tha nói rằng trải qua chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống nồng nàn yêu nước của dân ta không chỉ được thể hiện trong đấu tranh với các thế lực ngoại bang mà còn đậm nét trong lao động, trong văn hóa, trong tiếp thu cái mới, tinh hoa của nhân loại. “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”. Giờ đây, tiềm năng trí tuệ và tình yêu nước sâu đậm đó phải trở thành sức mạnh đưa đất nước đi lên, có một vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới. 

Rời Phủ Chủ tịch khi mặt trời đã lên cao trên lăng Bác, chúng tôi nhìn thấy dòng người vẫn đang xếp hàng dài trên quảng trường Ba Đình lộng gió.

NGỌC ĐẢN - VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên