17/05/2020 13:10 GMT+7

Giữ trật tự trên mạng

KHÔI NGUYÊN
KHÔI NGUYÊN

TTO - Sau một tháng nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều người đã chấp hành mức phạt nặng khi đưa tin sai trên mạng. Nhưng vẫn còn đó nhiều chiêu trò gây sốc trên mạng mang họa cho người khác, cho xã hội vẫn chưa thể xử lý.

Giữ trật tự trên mạng - Ảnh 1.

Trong đó có nhiều "con sâu bự", những người kiếm tiền từ view và những người có dụng ý xấu khác vẫn chưa bị "vịn".

Họa "trên trời rơi xuống"

Khi vụ án Bưu điện Cầu Voi (Long An) được quan tâm thì cuộc sống của anh Đ.V.H. (30 tuổi, ngụ TP.HCM) bỗng dưng bị đảo lộn. Một số người lấy hình ảnh hiện tại trên trang cá nhân của anh đăng tải lại kèm nội dung cho rằng anh là nghi can trong vụ án giết người 12 năm trước.

Họ thông tin rằng nay anh đã thay tên đổi họ và sống ở nước ngoài (?!). Họ chia sẻ vào các trang, hội, nhóm có nhiều thành viên, kèm theo đó là các kiểu lời lẽ xúc phạm, khiếm nhã, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm người trong ảnh. 

Họ gán tội danh cho anh và kêu gọi cộng đồng truy tìm thông tin nơi ở, nơi làm việc của anh... Nhiều người đã chia sẻ thông tin khi chưa rõ đúng sai. Từ ngày 9-5, cả nhà anh sống trong hoang mang lo lắng từ khi xảy ra chuyện này.

Ngày 12-4, cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế triệu tập một chủ cửa hàng quần áo có hành vi livestream chửi bới, xúc phạm khách hàng. 

Tại cơ quan chức năng, người này trình bày do có mâu thuẫn với khách hàng nên đã có thái độ xúc phạm văng tục, lăng mạ, kể cả khấn vái "gọi vong"...

Kiểu "lên sóng" gây sốc này không phải cá biệt. Chiêu này nhiều người áp dụng nhiều lần để gây chú ý nhằm bán hàng hoặc có thể kiếm tiền từ lượng view (lượt xem) cực lớn.

Việc làm tốt đang nhận được lời khen, sự trân trọng của cộng đồng cũng bị đem ra soi để câu view. Vì thế, người tốt cũng thành nạn nhân, việc tốt cũng thành méo mó. 

Họ "bắt trend" kiếm tiền bất chấp chuyện ảnh hưởng danh dự, công việc của người khác, tác hại đến nhận thức của những người theo dõi thông tin.

Vụ Tuấn "khỉ" là một điển hình về chuyện nhiều người kiếm view bằng cách đến khu vực hiện trường để ghi hình, "đưa tin" theo kiểu cắt ghép, suy đoán. Nhiều người hồn nhiên livestream khi lực lượng chức năng đang truy tìm bắt hung thủ có vũ khí trong tay.

Có những người tạo ra kênh thu hút người khác bằng cách tự tạo video kể chuyện ma, mê tín dị đoan, rùng rợn trên mạng. 

Tang lễ của những người nổi tiếng, nhiều người không phận sự cũng tranh thủ đến quay phim, họ cười nói, thậm chí chen lấn, giả phóng viên để tiếp cận quay hình ảnh cuối cùng của người đã mất nhằm câu view (lượt xem), kéo subs (lượt đăng ký theo dõi).

Ai đang coi thường luật?

Giữa ngồn ngộn thông tin nhiều nguồn trên mạng, những YouTuber là những người có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng vì mỗi khi họ xuất hiện thì có hàng triệu người xem, nghe và chia sẻ. Kênh mang nội dung tốt, bổ ích sẽ mang lại giá trị tích cực, ngược lại nếu mang giá trị tiêu cực là mối nguy cho xã hội.

Một bộ phận YouTuber đang đặt nặng doanh thu, like, subs, view hơn là đạo đức, chuẩn mực. Người xem vì tò mò đã tiếp tay cho những YouTuber không lành mạnh, vì họ cũng có thừa chiêu trò để lôi kéo người xem.

Không gian mạng đã và đang sinh ra những thánh chửi, giang hồ mạng có rất nhiều người theo dõi. Những người này gây tác hại không nhỏ cho nhận thức, ứng xử của thanh thiếu niên. 

Trước đây phụ huynh lo con cái ra ngoài hư hỏng, nay trẻ ở nhà cũng lo. Một cái điện thoại cũng mang trẻ vòng quanh với đủ kiểu thông tin nhảm nhí cùng nội dung bạo lực, ngôn ngữ chợ búa, tục tĩu, chửi bới...

Nhiều người đang học theo cách chửi rủa, nhục mạ người khác để lấy tiếng và kiếm tiền. Thấy có người làm được, người khác làm theo tạo thành xu hướng tiêu cực trên mạng, bất chấp mọi thứ, kể cả không kiêng dè quy định pháp luật.

Nguy hại hơn cả kiểu câu view để nổi danh và kiếm lợi, thực tế cho thấy còn lắm kiểu gán ghép, bịa đặt thông tin, xuyên tạc sự thật nhằm ý đồ sâu xa hơn gây bất an đời sống chính trị xã hội.

Trong các kiểu thông tin sai sự thật trên mạng, nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật chưa cao. Nhưng có không ít người cố tình câu view vì động cơ kiếm tiền và dụng ý xấu khác vẫn đang "sống khỏe" khi pháp luật chưa thể kiểm soát và xử lý được.

Kỳ vọng vào nghị định 15

Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rõ hơn về mức phạt đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội. Ngoài việc phạt tiền, còn buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm... Vừa qua, nhiều người đã bị chế tài nặng vì đưa tin sai sự thật, tin không có cơ sở.

Giữ trật tự trên không gian mạng, mong nghị định được tiếp tục thực hiện nghiêm để tăng sức răn đe với người có ý đồ xấu, người đưa thông tin không chính xác, mê tín dị đoan, xúc phạm người khác như hiện nay.

Thực tế hiện nay ngày càng nhiều người kiếm tiền từ việc đăng tải các kiểu thông tin lên mạng. Bên cạnh tạo nội dung giải trí, cuộc sống, tin tức thời sự, còn quá nhiều thông tin và hình ảnh giật gân, gây tò mò, hoang mang xã hội.

Các hình thức chế tài xử phạt của nghị định là giải pháp nhằm hạn chế việc sai phạm, bảo vệ công dân. Ai lên mạng cũng phải biết các quy định pháp luật về việc đưa tin, bình luận trên không gian mạng.

Không phải chuyện gì cũng có thể chia sẻ lên mạng, không ai có quyền chuyện không nói có, vu khống người khác dù có động cơ trục lợi hay không!

NGUYỄN MINH

Tung tin thất thiệt trên mạng: phạt nghiêm Tung tin thất thiệt trên mạng: phạt nghiêm

TTO - Tung tin giả mạo sai sự thật trên mạng có thể bị phạt 10-20 triệu đồng. Thông tin gây hoang mang dư luận, cản trở người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự. Quy định pháp luật đã đủ sức làm "sạch" không gian mạng?

KHÔI NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên