Nhiều chuyên gia lo ngại giá dầu tăng liên tục sẽ tác động dây chuyền đến giá cước vận chuyển và hàng hóa mùa tết. Trong ảnh: vận chuyển hàng từ Tây Ninh về chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu ngày 4-1 đang chịu nhiều áp lực lớn khi giá xăng dầu trên thị trường Singapore có thời điểm vượt mốc 68 USD/thùng.
Áp lực tăng giá từ 300 - 600 đồng/lít
Theo thông tin về giá xăng dầu tại Singapore ngày 29-12-2016 được Bộ Công thương cập nhật trên website, tất cả xăng dầu thành phẩm đều tăng.
Cụ thể, giá xăng RON 92 đã vượt mốc 68,08 USD/thùng, dầu hỏa lên mức 66,92 USD/thùng, dầu diesel là 65,94 USD/thùng và dầu mazut tăng lên 339,02 USD/tấn.
Đây được xem là mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2017, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thống nhất sẽ cùng cắt giảm sản lượng.
Như vậy, nếu như tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 20-12-2016) giá xăng chỉ dừng lại ở mốc trên 64 USD/thùng, giá dầu cũng ở quanh mốc 63-64 USD/thùng, thì đến nay giá xăng dầu được Bộ Công thương cập nhật cho thấy tính bình quân mỗi ngày giá xăng dầu tăng khoảng 1 USD/thùng.
So với kỳ điều chỉnh giá vào ngày 5-12-2016 thì mức giá giao trên thị trường Singapore đã tăng khoảng 5 USD/thùng với xăng (63,15 USD/thùng); trên 3,7 USD/thùng với dầu hỏa và tăng thêm 3,68 USD/thùng với dầu diesel.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM cho biết với diễn biến giá xăng dầu thế giới đang tiếp tục tăng như hiện nay, khiến cho giá cơ sở (làm cơ sở để điều chỉnh giá xăng dầu) so với giá bán lẻ hiện hành tiếp tục được nới ra.
Cụ thể, đối với xăng, mức chênh lệch hiện nay lên tới 1.200 đồng/lít, với dầu là 600 đồng. Trong khi đó, mức xả quỹ bình ổn đối với xăng hiện nay chỉ là 600 đồng và dầu là 250 đồng.
“Hiện DN đang chịu lỗ khoảng 600 đồng với xăng và 250 đồng với dầu. Nhiều nhận định cho rằng cho sử dụng quỹ bình ổn tiếp để tăng giá nhẹ vì gần Tết Nguyên đán rồi, sẽ có tâm lý lo ngại tăng giá xăng làm xáo trộn thị trường.
Tuy nhiên, mức tăng như thế nào thì phải phụ thuộc vào phương án điều chỉnh của liên bộ Công thương - Tài chính. Nếu lựa chọn phương án xả quỹ bình ổn, DN mới có thể hạn chế tăng giá” - đại diện DN này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nói rằng việc điều hành kinh doanh xăng dầu sẽ được tổ điều hành giá vận hành theo đúng quy chế, cứ 15 ngày thay đổi giá một lần theo tín hiệu giá xăng dầu thế giới.
Đối với các DN nhà nước, đại diện Petrolimex nêu sẽ cùng với các cơ quan quản lý nhà nước ổn định nguồn hàng, đáp ứng mục tiêu an ninh năng lượng, đặc biệt là vào các dịp lễ tết...
Theo đại diện của Petrolimex, quỹ bình ổn giá tại DN này đến ngày 30-11-2016 còn khoảng 1.835 tỉ đồng.
Giá cả mùa tết, không thể chủ quan
Ủng hộ giá xăng dầu phải theo thị trường, tuy nhiên trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng và đi lại tăng cao nên nhiều chuyên gia khuyến nghị cần phải linh hoạt trong điều hành.
Còn nhiều giải pháp có thể áp dụng để giữ giá xăng dầu như giảm thuế, dừng trích quỹ bình ổn (khoảng 300 đồng/lít), giảm chiết khấu cho đại lý...
Ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hà Nội, kiến nghị cơ quan quản lý cần sử dụng quỹ bình ổn giá để kiềm chế giá xăng dầu. Bởi xăng dầu tăng ở mức cao vào thời điểm cận tết, cộng với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh thì giá hàng hóa có thể bị đẩy lên, không loại trừ tình trạng “té nước theo mưa”.
Trước mắt, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng giải pháp tốt nhất là không nên tăng giá xăng dầu lúc này. Vì nếu tăng giá xăng dầu rất dễ đẩy giá cả các mặt hàng khác, nhất là hàng thiết yếu như thực phẩm, rau xanh... tăng theo, thậm chí có thể lập mặt bằng giá mới.
Còn về lâu dài, để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng, ông Phú đề nghị Nhà nước cần phải tính toán và giảm tỉ trọng thu các khoản thuế từ xăng dầu của Nhà nước xuống thấp hơn mức 42% như hiện nay.
Với giá xăng RON 92 là 17.590 đồng/lít thì mua 1 lít xăng, người tiêu dùng phải nộp vào ngân sách tới 7.300 đồng. Đây là mức khá cao so với sức chịu đựng của DN, của người tiêu dùng trong nước.
Để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu, ông Nguyễn Văn Tiu, tổng giám đốc Tổng công ty CP xăng dầu Tự Lực 1, cho rằng Nhà nước nên sử dụng tối đa quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng không thể không tăng giá mặt hàng này.
Ông Tiu cảnh báo quỹ bình ổn giá chỉ hỗ trợ được một phần vì số dư quỹ bình ổn còn không nhiều. Thậm chí, số dư quỹ bình ổn giá tại một số DN đã bị âm từ lâu. Trong khi đó hiện kinh doanh xăng dầu đang lỗ.
Vận chuyển hàng từ Hải Dương về chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) chiều 3-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Sẽ điều hành hài hòa?
Trước diễn biến giá xăng dầu thời gian qua, ông Nguyễn Lộc An, phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, nhận định việc OPEC cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô sẽ ảnh hưởng lớn đến giá các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng, dẫn tới mặt bằng giá xăng dầu trong nước bình quân cả năm 2017 có thể cao hơn mức bình quân năm 2016.
Thế nhưng mức tăng, theo dự tính, có thể không quá lớn (dưới 10%). Tuy nhiên, ông An không phủ nhận diễn biến tăng của giá năng lượng có thể ảnh hưởng đến giá hàng hóa khác trong nước.
Ông Nguyễn Lộc An khẳng định với cơ chế điều hành giá gas và xăng dầu hiện nay, giá trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới.
Do đó, với mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, phương án điều hành giá xăng dầu sẽ đảm bảo có sự điều chỉnh hài hòa của Nhà nước thông qua các công cụ thuế, quỹ bình ổn...
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng mức giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian vừa qua đang tác động mạnh tới thị trường tiêu dùng Tết âm lịch, do đây là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành hàng.
Với diễn biến tăng giá như hiện nay, việc xả mạnh quỹ bình ổn xăng dầu cần được tiếp tục tính đến để giảm áp lực tăng giá bán lẻ trong nước và giảm gánh nặng lên giá hàng hóa tiêu dùng vào dịp Tết, kiểm soát tốt để tránh hiện tượng “té nước theo mưa” khi xăng tăng giá.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng Trong những giờ giao dịch đầu tiên của năm 2017, giá dầu thế giới nhích lên gần chạm những ngưỡng cao nhất của năm 2016. Reuters ngày 3-1 ghi nhận giá dầu Brent quốc tế tăng 31 cent, tương đương 0,55%, đạt mốc 57,13 USD/thùng, tức gần bằng mốc cao nhất năm ngoái là 57,89 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu WTI của Mỹ tăng 32 cent (0,6%) lên 54,04 USD/thùng, gần bằng giá 54,51 USD/thùng của ngày 12-12-2016, theo Reuters. Sự gia tăng này chủ yếu do tác động từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với các nước ngoài OPEC tháng 11-2016. Theo đó, từ ngày 1-1-2017, họ sẽ đồng loạt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày (riêng OPEC giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày). Các nhà quan sát thị trường nhận định rằng tháng 1 này là thời điểm quan trọng để xem liệu các nước có thực hiện đúng thỏa thuận hay không. Reuters dẫn lời Ric Spooner, giám đốc phân tích thị trường tại Công ty CMC Markets (Sydney, Úc), nhận định rằng kịch bản dễ xảy ra nhất là OPEC và phần còn lại sẽ tôn trọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, cũng có thông tin Mỹ sẽ khai thác mạnh dầu đá phiến, và một số thành viên OPEC khó đảm bảo việc cắt giảm như đã hứa. Điều này sẽ tác động đến giá xăng dầu thời gian tới. |
Cần tăng tính cạnh tranh Ông Vũ Vinh Phú băn khoăn giá xăng dầu trong nước vẫn cứ “u u minh minh” dù thị trường có tới hơn 20 DN nhập khẩu đầu mối. Nếu các DN kinh doanh xăng dầu cạnh tranh mạnh thì thị trường phải có nhiều mức giá. Nhưng trên thực tế lâu nay, theo ông Phú, Petrolimex - đơn vị chiếm 50% thị phần trong nước - đưa ra mức giá nào thì các DN đầu mối còn lại thường áp theo mức đó. Một khi thị trường có DN thống lĩnh dẫn dắt các DN còn lại thì chưa thể có giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Để hoạt động kinh doanh xăng dầu minh bạch, công khai và tăng tính cạnh tranh, cần từng bước cho thêm DN nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu trong nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận