Theo NSƯT Quốc Hưng (Học viện Âm nhạc Việt Nam), dự thảo văn kiện cần chú trọng tới vấn đề phát triển văn hóa - yếu tố gắn mật thiết với sự phát triển con người.
“Xã hội có hiện đại tiên tiến đến đâu nhưng chưa có nền tảng văn hóa sâu sắc thì chưa thể phát triển toàn diện và bền vững được. Những giá trị truyền thống của dân tộc cần phải nhận thức sâu sắc bởi mất đi giá trị truyền thống là mất đi cái gốc của nhận thức cũng như không thể vững vàng hội nhập được” - anh Hưng nhận định.
NSƯT Quốc Hưng kiến nghị trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, một mặt Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện tối đa cho văn nghệ sĩ trẻ được cống hiến, đóng góp. Mặt khác với các giáo sư, giảng viên gạo cội cần được chăm lo cuộc sống ổn định để họ yên tâm truyền lại các giá trị tinh hoa về nghệ thuật.
Cùng mối quan tâm, ca nương Phạm Thị Huệ chỉ ra hàng loạt khoảng trống về nền văn hóa. Đó là việc hiện nay các nghệ nhân di sản chưa được hỗ trợ đáng kể, phải tự sống, tự truyền nghề, trong khi nhiều nghệ sĩ trẻ đào tạo chính quy, năng lực tốt nhưng phải bỏ nghề vì thu nhập không đủ trang trải. Các nhà hát được xây dựng nhiều nhưng phục vụ nghệ thuật hiện đại, các loại hình truyền thống bị bỏ ngỏ.
Ở một góc nhìn khác, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho rằng trong dự thảo văn kiện, văn nghệ sĩ trẻ chưa được quan tâm đúng mức.
“Dường như người trẻ bị chìm đi, bị khuất lấp đi. Cần phải có nhiều hơn nữa những diễn đàn chính thống của người trẻ để họ đóng góp, đưa ra những chính kiến riêng của mình góp phần vào sự phát triển chung” - anh Thủy đề xuất.
Theo hoa hậu Ngọc Hân, các giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một, những hoạt động của các nghệ sĩ chân chính còn quá thưa vắng trên các kênh văn hóa - giải trí của các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong khi các kênh văn hóa “tạp nham” thiếu yếu tố giáo dục thì đang tràn ngập. “Giới trẻ hiện nay học nhiều, biết nhiều nhưng nền tảng văn hóa, ứng xử, kỹ năng sống thì thiếu trầm trọng. Văn kiện phải đề cập và đưa ra được giải pháp cho vấn đề này” - Ngọc Hân trăn trở.
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng những đóng góp “rất trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết”, sẽ được Trung ương Đoàn tổng hợp để trở thành những giải pháp, hiến kế cho Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng giá trị con người, gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc, chiến lược phát triển và hội nhập văn hóa sâu rộng của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận