29/10/2022 13:26 GMT+7

‘Giọt vàng’ tiểu cầu trao sự sống cho người bệnh ung thư, sốt xuất huyết

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - 'Máu hay tiểu cầu là nguồn sống rất đặc biệt, nó không to tát như hiến tạng nhưng nó cũng là tế bào sống mà mình hiến tặng. Không có máy móc hiện đại nào điều chế ra được máu, chỉ có bản thân con người mới sản xuất được chế phẩm kỳ diệu ấy'.

‘Giọt vàng’ tiểu cầu trao sự sống cho người bệnh ung thư, sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Trường có mặt tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương từ sớm để tham gia hiến tiểu cầu - Ảnh: D.LIỄU

Đây là chia sẻ của một tình nguyện viên hiến máu, tiểu cầu tại chương trình Tôn vinh người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022. Chương trình với thông điệp "Hiến giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng" do Viện Huyết học và truyền máu trung ương tổ chức sáng 29-10.

Đây là lần thứ 3 chương trình được tổ chức nhằm tri ân, tôn vinh những người hiến tiểu cầu cho người bệnh.

Những "giọt vàng" tiểu cầu

Gần một năm điều trị ung thư máu tại viện, chị Nguyễn Thị Huyền Thủy (39 tuổi, Hải Dương) chưa lúc nào thôi gắn bó với "người bạn" mang tên tiểu cầu.

Mỗi đợt nằm viện, chị truyền hơn 10 đơn vị tiểu cầu. Những người bệnh như chị Thủy luôn cần được chăm sóc cẩn thận bởi có rất nhiều nguy cơ, trong đó có giảm tiểu cầu. Những đợt tiểu cầu xuống thấp, ngày hôm sau mới có để truyền, chị phải chờ đợi trong thấp thỏm bởi nguy cơ xuất huyết.

Những "giọt vàng" tiểu cầu đã cứu sống những bệnh nhân như chị Thủy. Và những "giọt vàng" ấy là nhờ sự chung tay của cộng đồng. Trong số 250 tình nguyện tham dự lễ tôn vinh, nhiều người đã hiến máu và hiến tiểu cầu 70, 80, 90, thậm chí hơn 100 lần.

Cùng vợ tranh thủ vào viện từ sớm để hiến tiểu cầu nhân dịp đặc biệt này, anh Nguyễn Văn Trường cho biết anh đã có 1 lần hiến máu và 41 lần hiến tiểu cầu, còn vợ anh đã có 10 lần hiến tiểu cầu.

"Tôi thấy nhu cầu về tiểu cầu cao thế nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để hiến tiểu cầu. Sau lần hiến máu đầu tiên, bác sĩ nói tôi phù hợp với việc hiến tiểu cầu. Ban đầu chỉ là tôi đi hiến, rồi rủ vợ đi cùng. Từ đó đến nay hai vợ chồng cùng nhau đi. Giúp được mọi người mình cũng cảm thấy vui", anh Trường cười nói.

Có mặt tại chương trình, anh Nguyễn Văn Thanh - người được biết đến với hình ảnh "anh xe ôm công nghệ điều tiết giao thông" gây bão trên mạng xã hội - chia sẻ đã có hơn 104 lần hiến tiểu cầu.

Tham gia hiến máu lần đầu tiên vào năm 2014 khi vừa tròn 18 tuổi, từ đó đến nay anh Thanh đều đặn hiến máu và hiến tiểu cầu giúp đỡ cộng đồng. "Khi tham gia hiến tiểu cầu, tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ được đứng ở đây, được tôn vinh. Việc làm ấy xuất phát từ trái tim, giống như tất cả 250 người hiến tiểu cầu có mặt trong ngày hôm nay", anh Thanh nói.

Còn cô Duyên (60 tuổi, tại Hà Nội) từng là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Máu hay tiểu cầu là nguồn sống rất đặc biệt, nó không to tát như hiến tạng nhưng nó cũng là tế bào sống mà mình hiến tặng. 

Không có máy móc hiện đại nào điều chế ra được máu, chỉ có bản thân con người mới sản xuất được chế phẩm kỳ diệu ấy. Cho đến nay, tôi đã hiến máu và hiến tiểu cầu 62 lần - con số có nhiều ý nghĩa với tôi vì tôi sinh năm 1962".

‘Giọt vàng’ tiểu cầu trao sự sống cho người bệnh ung thư, sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Thanh - người được biết đến với hình ảnh “anh xe ôm công nghệ điều tiết giao thông” gây bão trên mạng xã hội - chia sẻ tại chương trình - Ảnh: D.LIỄU

Dịch sốt xuất huyết tăng, cần nhiều người hiến tiểu cầu

Bác sĩ Trần Ngọc Quế - giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học và truyền máu trung ương - cho biết tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt, được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 - 5 ngày). Nhu cầu khối tiểu cầu hiện tại có thể cao hơn 2-3 lần bình thường khi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại Hà Nội và các địa phương.

"Tiêu chuẩn hiến tiểu cầu đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45 - 120 phút với hiến tiểu cầu, thay vì 5 phút khi hiến máu). Người hiến tiểu cầu ba tuần có thể hiến lại. 

Trong khi dịch sốt xuất huyết tăng cao, tôi hy vọng mọi người có thể cùng nhau hiến tiểu cầu để đáp ứng nhu cầu điều trị, cứu sống bệnh nhân cần tiểu cầu", bác sĩ Quế thông tin.

Tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương, gạn tách tiểu cầu từ một người hiến bắt đầu được triển khai từ năm 2000. Giai đoạn năm 2011 - 2020 là 222.187 đơn vị (tăng 20 lần so với 10 năm trước). Năm 2021, con số này là 33.314 đơn vị tiểu cầu. Năm 2022, tính đến ngày 28-10, viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần).

Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của viện đã giúp cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Hiện nay viện đã triển khai kênh đăng ký hiến tiểu cầu qua website: tieucau.hienmau.vn theo từng khung giờ, để người hiến tiểu cầu nắm bắt được nhu cầu sử dụng tiểu cầu của viện và đặt lịch hiến tiểu cầu.

Vừa tham gia phụ mổ xong, chàng bác sĩ trẻ vội đi hiến tiểu cầu cứu người Vừa tham gia phụ mổ xong, chàng bác sĩ trẻ vội đi hiến tiểu cầu cứu người

TTO - Vừa tham gia phụ mổ cùng êkíp xong, bác sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiệp (Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi) lướt Facebook thấy thông tin một người bệnh cần tiểu cầu nhóm máu B gấp. Ngay lập tức chàng trai trẻ đăng ký đi hiến máu.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên