09/01/2019 08:37 GMT+7

Giới khoa học Ấn biểu tình vì đồng nghiệp tuyên bố xằng bậy

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Các nhà khoa học Ấn Độ đã thể hiện sự tức giận sau khi hai học giả nước này dẫn sử thi Mahabharata để bác bỏ các nghiên cứu khoa học và những định luật vật lý thời hiện đại.

Giới khoa học Ấn biểu tình vì đồng nghiệp tuyên bố xằng bậy - Ảnh 1.

Người biểu tình phản đối các tuyên bố của hai học giả Ấn Độ - Ảnh chụp màn hinh

Sự việc xảy ra trong một hội nghị thường niên dài 5 ngày của Đại hội Khoa học Ấn Độ vừa kết thúc ngày 7-1. Điều đáng nói, những đúc kết nghe có vẻ phi khoa học đó xuất hiện trong một buổi diễn thuyết dành riêng cho trẻ em ngày 4-1, theo báo Times of India.

Ngày 7-1, các tuyên bố của hai nhà khoa học Ấn Độ xuất hiện trên mặt trang các tờ báo quốc tế, khiến sự việc như đổ thêm dầu vào lửa.

Để chữa cháy, Tổng thư ký Đại hội Khoa học Ấn Độ Premendu PMathur đã lên tiếng nói rằng phát biểu của các diễn giả không đại diện cho quan điểm của tổ chức này và rất lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra.

Trong khi đó, Manoj Kumar Chakrabart - chủ tịch đại hội, thì khuyên các học sinh, những người đã nghe bài diễn thuyết, nên "quên đi những gì đã được nghe" bởi "chúng không hề đúng".

Một trong số các tuyên bố gây tranh cãi đó là người Ấn Độ cổ đại đã tìm ra cách nghiên cứu tế bào gốc cách đây hàng nghàn năm.

"Chúng ta có 100 Kauravas được sinh ra từ chỉ một mẹ. Điều đó cho thấy gì? Đó là công nghệ nghiên cứu tế bào gốc từ ống nghiệm" - ông G Nageshwar Rao, hiệu phó đại học Andhra nhấn mạnh khi đề cập đến một sự tích trong sử thi Mahabharata.

Chưa hết, ông Rao còn cho rằng trong Mahabharata, thần Vishnu đã sử dụng "Luân xa Vishnu" để đuổi bắt các mục tiêu đang di chuyển. "Đó là các tên lửa dẫn đường chứ là gì nữa" - ông Rao khẳng định chắc nịch.

Ông Rao không phải là nhà khoa học duy nhất đưa ra nhận xét kỳ quặc. Một nhà khoa học khác đến từ một trường đại học ở miền nam bang Tamil Nadu đã bác bỏ cả thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein và lý thuyết về lực hấp dẫn của Isaac Newton.

Giới khoa học Ấn biểu tình vì đồng nghiệp tuyên bố xằng bậy - Ảnh 2.

Hình minh họa cho sử thi Mahabharata - Ảnh chụp màn hình

Những tuyên bố của hai nhà khoa học Ấn Độ đã ngay lập tức khiến giới khoa học Ấn Độ bị sốc nặng, cho rằng đã tới lúc "phải lên tiếng vì khoa học chân chính".

Ngày 6-1, hàng chục học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên khoa học đã xuống đường ở thành phố Bengaluru - nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Ấn Độ. Họ giơ các biểu ngữ thể hiện sự phản đối, cho rằng khoa học và huyền sử phải là hai thứ tách biệt, không nên trộn lẫn.

"Thà là một ai đó bình thường nói mấy câu này thì còn nghe được, chứ ông Rao là phó hiệu trưởng mà đưa ra ví dụ tệ hại như vậy thì hết chịu nổi" - giáo sư Jayant Murthy, giám đốc Viện Vật lý thiên văn Ấn Độ, chia sẻ.

Trong một tuyên bố ngày 6-1, bà Rajani KS - người đứng đầu một tổ chức khoa học của bang Karnataka nhấn mạnh: "Không có thành tựu công nghệ nào có thể trở thành hiện thực mà không có cơ sở khoa học có liên quan.

Ví dụ, việc chế tạo tên lửa dẫn đường đòi hỏi phải có điện, luyện kim, cơ học, lý thuyết về chuyển động đạn đạo, radar, quang học, cảm biến chuyển động, liên lạc không dây, v.v...

Nhưng không có bằng chứng nào cho sự tồn tại của những thứ này ở Ấn Độ cổ đại. Những câu thơ và sử thi trong Puranas rất thú vị, giàu yếu tố đạo đức và trí tưởng tượng, nhưng không nên được nhìn nhận hoặc chứng minh dưới con mắt khoa học hiện đại".

Mahabharata là một trong hai bộ sử thi vĩ đại của Ấn Độ và được xem như một kinh văn quan trọng hàng đầu của Hindu giáo.

Ngạn ngữ xưa có câu: "Cái gì không thấy được ở trong Mahabharata thì cũng không thể nào thấy được ở Ấn Độ" nhằm chỉ quy mô và mức độ chi tiết của bộ sử.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên