![]() |
Kỳ 1: Người hát rong sử thi Kỳ 2: Niềm đam mê kỳ lạ Kỳ 3: Mơ Đăm San trở về Kỳ 4: Gia đình sử thi
Năm nay Y Nuih Niê đã 88 tuổi, ông đã lãng tai nặng, gần đây lại bị một căn bệnh lạ gây đau nhức ở ngực mà bệnh viện cũng không chẩn đoán được. Thấy khách tới nhà, ông ngước đôi mắt mờ đục lên cố nhớ ra đó là ai. Hằng ngày, trong ngôi nhà sàn thiếu ánh sáng, Y Nuih Niê chỉ luẩn quẩn giúp con cháu sửa lại vài vật dụng trong nhà mà không thể lên rẫy được nữa. Và hát những bài sử thi cuối cùng...
“Báu vật sống” của buôn làng
Y Nuih Niê được xem là “báu vật sống” của người Ê Đê còn lại tới ngày nay. Ông đã đóng góp bảy tác phẩm sử thi cho dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch và lưu giữ sử thi Tây nguyên” của Viện Văn hóa dân gian Việt Nam. Trong quá trình viện đi sưu tầm sử thi, ông đã hát được 15 bài trường ca Ê Đê với độ dài trung bình 10 băng/bài.
“Sử thi là một thể loại văn học tự sự dân gian được thể hiện bằng hai hình thức: văn vần và văn xuôi. Nội dung sử thi tập trung vào chiến công, kỳ tích của những vị thần, những người anh hùng của dân tộc. Qua đó thể hiện phẩm chất của nhân dân lao động với tính cách hồn nhiên, chất phác, với đầu óc năng động, trí tưởng tượng phong phú, tính đoàn kết gắn bó cộng đồng với niềm tin tuyệt đối, hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống” |
Y Nuih Niê không giải thích được vì sao lại thích hát trường ca M’Drong Dam đến thế. Chỉ biết rằng từ khi bắt đầu thuộc và hát sử thi Ê Đê, chuyện chàng M’Drong Dam đã theo ông qua nhiều con suối, cái rẫy, cái rừng của buôn làng và tới cả thị thành hòa với niềm vui trong những lễ hội lớn của đất nước. Tám tuổi ông đã có thể hát M’Drong Dam làu làu như ông già, bà lão trong buôn. Y Nuih Niê hát bất cứ lúc nào có hứng, dù đang trên nương, trên rẫy, trên đường từ rẫy về nhà mà không cần ai yêu cầu.
Nhà ai có đám tang hay buôn làng có lễ “ăn năm uống tháng” (lễ mừng mùa lúa mới) cũng đều muốn nghe Y Nuih Niê hát kể sử thi. Tiếng lành đồn xa, đích thân giám đốc Đài phát thanh Đắc Lắc là ông Y Vung đã về buôn Jé, xã Ea Nhah (nơi ở trước kia của Y Nuih Niê) mời ông lên đài hát sử thi mừng ngày giải phóng đất nước. Đây cũng là khoảng thời gian gắn với một kỷ niệm mà Y Nuih Niê nhớ mãi.
Ông kể lại: “Hồi đó cả buôn đi rước ảnh Bác Hồ về buôn vui lắm. Buôn thì hát đối đáp giao duyên, buôn thì hát những bài ca ngợi Bác Hồ, riêng buôn Jé nói Y Nuih Niê hát bài sử thi M’Drong Dam”. Sau đó, Y Nuih Niê còn được Y Ngông Niê Kơdăm (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Tây nguyên kiêm đại biểu Quốc hội từ khóa 1 đến khóa 10 của các tỉnh Tây nguyên) mời đi Buôn Ma Thuột hát sử thi trong các dịp hội diễn văn nghệ của tỉnh Đắc Lắc.
Con cháu người Ê Đê rất tự hào vì có hai người con ưu tú đã được Hội Văn nghệ dân gian công nhận là nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực diễn xướng và lưu giữ sử thi. Đó là ông A Wưi Niê ở huyện Cư M’Gar đã mất và nay chỉ còn lại Y Nuih Niê.
Tiến sĩ Tuyết Nhung, giảng viên Trường đại học Tây nguyên, nói về “người thầy” đã giúp cô hoàn thành luận án tiến sĩ về chế độ mẫu hệ của đồng bào Ê Đê: “Trong những ngày nhờ già Y Nuih Niê diễn xướng sử thi và giải thích về đời sống mẫu hệ người Ê Đê, tôi thật sự khâm phục ông. Có thể nói ông là biểu tượng của già làng Tây nguyên, là “báu vật sống” của buôn làng. Khi kể lại những trường ca của người Ê Đê, Y Nuih Niê không chỉ diễn tả lại được nội dung, không gian của những người anh hùng đang sống mà còn vào vai những nhân vật trong trường ca một cách tài tình qua chất giọng, phong thái khi hát kể. Đó là tài nghệ thiên phú mà không phải ai cũng có được”.
![]() |
Y Nuih Niê thổi cây kèn tak ta cũ - Ảnh: LÊ VÂN |
Còn sức còn hát
Trong ánh sáng mờ mờ của buổi xế chiều, Y Nuih Niê cố nén những cơn đau để cất giọng hát sử thi M’Drong Dam. “Đã rất nhiều lần dân làng im phăng phắc, hồi hộp khi Y Nuih Niê kể khan tới đoạn H’Bia Kơ Nhí trở dạ sinh M’Drong Dam phải nhờ thầy bói vượn, bà đỡ khỉ tới giúp, rồi tất cả rưng rưng nước mắt với hạnh phúc của nàng H’Bia Kơ Nhí khi nghe thấy tiếng khóc chào đời của M’Drong Dam” - Y Yzet, biên tập viên tiếng Ê Đê của Đài Tiếng nói Việt Nam, kể.
Với Y Nuih Niê, Y Yzet không chỉ là một khách quý, người quen thân mà còn là người tri kỷ. Tình cờ gặp và mến mộ tài nghệ của Y Nuih Niê, Y Yzet vẫn thường tới thăm và giúp Y Nuih Niê biên dịch sử thi Ê Đê sang tiếng Kinh. Chính vì mối thân tình này mà khi đã bước vào tuổi sắp về với Yàng, Y Nuih Niê đã trao gửi cho người bạn trẻ ở Đài Tiếng nói Việt Nam một tâm nguyện cuối cùng.
Y Yzet chia sẻ: “Cách nay hơn một năm, Y Nuih Niê đã tới nhà mình chơi và bộc bạch muốn mình giúp đỡ một việc. Ông muốn mình ghi lại bài hát về sử thi M’Drong Dam để sau này khi ông mất đi, bài này sẽ được phát trên sóng phát thanh. Đó là tâm nguyện cuối cùng mà ông muốn trao gửi lại những người thân yêu của mình, vì ông lo rằng mai này sẽ không còn ai hát sử thi nữa!”. Và để thực hiện điều này, Y Nuih Niê đã dành gần một tuần lễ để hát M’Drong Dam tới quên ăn, quên ngủ. Trường ca M’Drong Dam với 16 băng ghi âm đã hoàn thành, ước nguyện cuối cùng của Y Nuih Niê được Y Yzet lưu giữ và hứa sẽ cố gắng thực hiện khiến Y Nuih Niê vui lắm.
Dáng đi đã còng, giọng nói đã khàn đục và chậm rãi, nhưng hễ nói tới những câu chuyện trong trường ca của người Ê Đê là khuôn mặt Y Nuih Niê rạng rỡ khác thường. Ngẫu hứng, ông lại lôi chiếc kèn tak ta cũ kỹ, bám bụi vẫn gác trên nóc bếp ra thổi. Tiếng kèn trầm đục đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cơn đau, nhưng ông nói: “Nếu còn sức mình sẽ còn hát”.
Đã 88 tuổi, hằng ngày “báu vật sống” vẫn phải chật vật với cái ăn, cái mặc. Lại thêm căn bệnh luôn làm ông thấy đau nhức như kim châm vào da thịt nên ông không thể đi hát sử thi như ngày nào. Chiếc kèn tak ta cũ kỹ bám đầy bụi thi thoảng ông mới đem ra sửa. Lúc chào ông ra về chúng tôi còn thấy ông ngồi bần thần nhìn chiếc kèn tak ta mà ông mới cất đi nằm chỏng chơ trên gác bếp.
_________________________
Đón đọc số tới:
Hậu trường đề thi
“Đêm ấy, từ Quảng Ninh về, tôi thức trắng đêm không ngủ được. Đề thi là bí mật quốc gia, lộ đề thi gắn liền với sinh mạng của chúng tôi” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long kể lại sau khi tin đồn “lộ đề thi môn toán” khối A kỳ thi tuyển sinh năm 2008 lan truyền trên mạng!
Và không chỉ chuyện lộ đề, bước vào mỗi kỳ thi tuyển sinh là một kỳ căng thẳng với những người soạn đề: phải được canh giữ cẩn mật còn hơn cả ở tù trong những “trại đề”, rồi thót tim khi sao in và đóng gói đề, thi xong rồi còn hồi hộp theo dõi... Những câu chuyện hậu trường ra đề thi lần đầu tiên được kể lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận