05/11/2011 07:40 GMT+7

Giật mình với "quả bom" gas

L.S. - BẢO ÂN
L.S. - BẢO ÂN

TT - Sau vụ nổ gas nghiêm trọng tại Hà Nội ngày 3-11, đường dây nóng dịch vụ tư vấn khách hàng của Saigon Petro gần như quá tải vì có hàng trăm cuộc điện thoại của người dân đề nghị tư vấn sử dụng gas.

IQeT1AeJ.jpgPhóng to
Những bình gas dỏm được thu gom ở Bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM để đem đi sang chiết - Ảnh: CHÂU ANH

Trong đó câu hỏi “vì sao gas nổ?” được người dân đặt ra nhiều nhất.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực gas, phần lớn nguyên nhân dẫn đến việc cháy nổ gas được các chuyên gia trong ngành xác định đều bắt nguồn từ việc gas bị rò rỉ ra bên ngoài, gặp tia lửa điện, nhiệt độ cao gây cháy nổ. Việc rò rỉ gas xuất phát từ bình gas, van và dây dẫn kém chất lượng. Trong khi đó các loại van gas, dây dẫn kém chất lượng bày bán tràn lan tiềm ẩn nguy cơ lớn cho người tiêu dùng.

Hàng trôi nổi

Chỉ biết bật, tắt...

Bà Thanh (ngụ 60 đường C1, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết mặc dù sử dụng gas nấu ăn gần năm năm nay nhưng bà chỉ biết bật, tắt bếp gas và... số điện thoại để kêu gas mỗi khi hết. Bà Thanh cho hay chưa hề nhận được giấy hướng dẫn sử dụng gas sao cho an toàn, tiết kiệm, lúc nào thì phải thay van, dây mới chứ đừng nói đến việc phải làm gì khi xảy ra sự cố rò rỉ gas.

Còn theo chị Nguyễn Việt Hằng (P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM), từ khi sử dụng bếp gas đến giờ chưa bao giờ được nhân viên giao bình gas, thay lắp bình gas hướng dẫn cách thức khóa van hay sử dụng bình gas sao cho an toàn. “Gần đây đọc báo thì biết cách dùng sao cho đảm bảo an toàn hơn thôi. Thấy thời gian hơi lâu hay bình gas bị xì thì tôi điện thoại nhân viên bán gas đến thay giúp dây và khóa” - chị Hằng cho hay.

Hiện một số nhà phân phối gas có uy tín như Petrolimex Gas, Saigon Petro, Shell Gas... có đăng tải những thông tin hướng dẫn sử dụng trên website, cũng như có đường dây nóng chuyên tư vấn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường cho thấy hầu hết các đại lý gas không có những thông tin về hướng dẫn người dân sử dụng gas an toàn mà chỉ chăm chăm dán số điện thoại của mình lên bình gas.

Ngày 4-11, khảo sát tại các đại lý gas, phân phối các thiết bị gas ở khu vực Q.5, Q.11, Thủ Đức (TP.HCM)... cho thấy thị trường bán các loại van gas, dây dẫn khá sôi động với đủ các chủng loại, giá cả. Tại đại lý chuyên bán các thiết bị ngành gas trên đường Phó Cơ Điều (Q.11, TP.HCM), bày bán hàng chục loại van gas giá chỉ từ 50.000 đồng/cái. Có loại đóng hộp, ghi đơn vị sản xuất, nhập khẩu, có loại chỉ gói trong bịch không nhãn mác. Trong khi đó, các loại dây dẫn cắt sẵn loại 1m được cuộn tròn với giá chỉ 20.000 đồng/dây. Trên các dây dẫn không hề có các thông tin kỹ thuật cũng như được sử dụng vào mục đích gì.

Ông Bích, chủ một đại lý gas tại P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, cho biết thường xuyên nhận được những lời chào mời các loại van, dây dẫn của các đơn vị phân phối thiết bị gas ở khu vực Chợ Lớn với giá chỉ 80.000 đồng/bộ. “Nếu lấy bộ van gas này thay cho khách hàng đảm bảo lời 2-3 lần. Nhưng phần lớn là hàng trôi nổi có nguồn gốc từ Trung Quốc nên chúng tôi không dám sử dụng” - ông Bích cho hay.

Hiện trên thị trường có các loại van của Ý, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc. Trong đó loại được nhiều người sử dụng là của Ý và Nhật Bản thường được bảo hành 3-5 năm, còn những mặt hàng của Trung Quốc chỉ bảo hành sáu tháng, chủ yếu là sinh viên sử dụng. Theo nhân viên một đại lý bán bếp gas, van gas và cung cấp gas, hiện trên thị trường có loại van ghi xuất xứ Malaysia nhưng thực chất là hàng sản xuất tại Trung Quốc để gạt người tiêu dùng, vì vậy cần tìm hiểu kỹ để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Thực tế có rất ít trường hợp khách hàng tự mua các thiết bị van, dây dẫn về để sửa chữa, lắp ráp và công việc này được giao phó cho các đại lý. Mới đây, ông V. (P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) bị các đối tượng gas lừa cho biết van, dây gas của gia đình có vấn đề và đề nghị thay loại tốt có chức năng tự động ngắt nguồn khi không sử dụng với giá 500.000 đồng/bộ. Nhưng khi sử dụng được vài ngày, bình gas mới mua đã hết, ông V. nhờ người đại lý đến kiểm tra thì phát hiện đây là loại van đã qua sử dụng.

Chưa có quy chuẩn chất lượng

Ông Nguyễn Kha, phó trưởng phòng dịch vụ kỹ thuật Gas Saigon Petro, thừa nhận đến thời điểm này vẫn chưa có quy chuẩn chất lượng nào để giám định chất lượng của các loại van, gas. Đó cũng là lý do mà trước đây có một số đại lý gas sử dụng các loại ống nhựa dẫn nước để làm dây dẫn gas.

“Khi gas từ bình qua van điều áp thì áp suất không còn lớn nữa do đó nhiều người nghĩ rằng dùng loại ống dẫn nào cũng được. Tuy nhiên, một số thành phần của gas có tính bào mòn. Do đó nếu sử dụng các loại dây không chuyên dụng sẽ rất nguy hiểm, chưa kể những tác động bên ngoài như thời tiết, nhiệt độ cao làm nóng chảy dây dẫn, động vật gặm nhấm (chuột) phá hoại...” - ông Kha phân tích.

Theo bà Lê Thị Anh Mẫn - phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, bình gas gia đình (thường là loại 12kg) được sản xuất bằng thép có thể chịu nhiệt và áp suất rất cao. Tuy nhiên, hiện trên thị trường còn tồn tại lượng lớn các bình gas không đạt chất lượng do sử dụng lâu năm mà không được kiểm định, thu hồi.

Việc hoán cải vỏ bình gas (lấy bình gas của đơn vị khác sau đó cắt tai xách, mài vỏ (logo), thay chân đế...để thành sản phẩm của mình) khiến bình gas không còn chất lượng như ban đầu. Đây là những “quả bom” đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

i4C17mZZ.jpgPhóng to
Thu gom các bình gas trôi nổi tại Q.8, TP.HCM - Ảnh: HOÀI LINH

Tránh ham rẻ

Bà Mẫn khuyến cáo người tiêu dùng ngoài việc lựa chọn bình, van, dây dẫn gas đảm bảo chất lượng, việc lắp đặt cũng phải đúng kỹ thuật. Người tiêu dùng không nên ham rẻ khi sử dụng các loại van Trung Quốc chất lượng kém, các loại van, dây dẫn cũ. Khi chọn bình gas, nên chọn đại lý chính hãng, tránh trường hợp đó là sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu.

Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khí hóa lỏng miền Nam, một bình gas thường có tuổi thọ 15 năm, nhưng sau năm năm công ty phải đưa đi tái kiểm định chất lượng một lần. “Người sử dụng gas phải nắm được thông tin về chất lượng bình gas như bình gas phải có năm sản xuất, ngày tái kiểm định, thời hạn tái kiểm định...” - ông Thắng cho hay.

Từ vụ sập nhà do nổ khí gas ở Hà Nội: Dụng cụ cứu hộ còn thô sơ

Đó là nhận định của đại tá Hoàng Quốc Định, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, khi trao đổi với Tuổi Trẻ về hiệu quả và tính chuyên nghiệp của công tác cứu hộ cứu nạn trên địa bàn.

* Thưa ông, trong vụ nổ khí gas làm sập nhà, hai cháu nhỏ thiệt mạng, rất nhiều người dân phản ứng về sự chậm chạp của lực lượng cứu hộ khi phải mất gần sáu giờ (tính từ khi vụ việc xảy ra) mới có thể đưa được nạn nhân ra ngoài?

- Khi đến thì chúng tôi cũng xác định nạn nhân đã tử vong. Chúng tôi triển khai với chủ đích đưa thi thể nạn nhân ra ngoài một cách nhân văn để không gây thêm tang thương, tang tóc.

Địa hình ở đấy cũng là một nguyên nhân. Đường đi rất bé. Chúng tôi đã mượn sân sau của một tòa nhà chung cư để tiếp cận.

* Các phương tiện, dụng cụ cứu nạn cứu hộ của mình hiện nay quá thô sơ có phải là một nguyên nhân khiến hiệu quả chưa cao?

- Điều kiện có đến đâu thì mình sử dụng đến đấy, không có gì hơn nữa thì phải chịu. Việc dụng cụ thô sơ hay hiện đại cũng tùy theo cách nhìn của mỗi người, nhưng cũng thừa nhận là dụng cụ cứu hộ của mình thô sơ vì điều kiện khó khăn. Trong điều kiện có thể cho phép đến đâu thì chúng tôi sử dụng đến đó.

Thắt lòng người ở lại

Khoa bỏng Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) nằm trên tầng ba của khu điều trị vốn được bảo vệ nghiêm ngặt. Song khi có hai nạn nhân bỏng đặc biệt từ vụ nổ khí gas đau lòng đang điều trị, cánh cửa cũng mở rộng hơn với những ai có lý do “đến thăm vợ chồng anh Trần Nhật Minh và chị Nguyễn Thị Thu Ngân”.

Bà Nguyễn Thị Nhật - mẹ anh Minh - không giấu nổi xúc động khi hai ngày qua nhiều người không quen biết nghe tin cũng đến tận nơi động viên gia đình. Một thanh niên chưa từng gặp mặt chạy vào viện nắm tay bà Nhật thật chặt để động viên rồi đưa một chiếc phong bao: “Cháu ở Hàng Bún, đây là tiền phúng viếng cho hai bé Tâm, Duy”. “Không thể đau lòng hơn được nữa. Tối hôm trước, con chị gọi điện sang cho bà hớn hở khoe cháu được thi học sinh giỏi cấp quận. Thằng em cũng chen vào bảo từ đầu năm đến giờ cháu được 11 điểm 10 rồi bà ơi...”- bà Nhật thẫn thờ kể.

Hai vợ chồng anh Minh được tách nằm ở hai phòng cuối cùng của khoa bỏng, băng bó trắng xóa khắp người. Chăm cho anh Minh là người mẹ già, chăm cho chị Ngân là người bạn thân nối khố. Người bạn của chị Ngân nhất mực giấu tên khi được hỏi, nhưng cứ nép vào góc tường khóc khi kể chuyện: “Tội nghiệp vô cùng. Ngân không biết gì, nên vẫn bảo tôi bón ăn thật nhiều, cố có sức khỏe để được về nhanh chăm sóc con”.

Anh Lê Tất Đạt - người bạn thân thiết của anh Minh từ hồi học Trường cấp III Thăng Long (Hà Nội) - hớt hải đến bệnh viện thăm bạn khi vừa xong xuôi việc cất dọn đồ đạc cho gia đình anh Minh. Lặng lẽ đến bên cạnh bà Nhật, anh Đạt hỏi: “Cháu nên nói với Minh thế nào? Đã được thông báo tình hình chưa bác?”. Người mẹ già kéo ống tay áo lên chấm đuôi mắt rồi khóc ngất: “Chưa nói được đâu cháu ơi. Bác sĩ bảo phải giấu”.

Quay sang chúng tôi, anh Đạt lặng đi: “Hôm qua khi đến thăm Minh, câu đầu tiên cậu ấy hỏi là “Con tôi thế nào?”. Tôi bảo “Mình mới biết chuyện, chưa rõ hai đứa trẻ ra sao”. Nó trân trân nhìn tôi rồi lắc đầu: “Ông phải nói thật với tôi, đừng giấu”. Tôi hứa sẽ qua Bệnh viện Việt Đức để thăm hai bé rồi về báo lại tình hình. Không biết tôi có thể nói dối trước mặt Minh bây giờ mà không bật ra tiếng khóc được không nữa”.

Bố đẻ chị Ngân sau ca tai biến mấy năm trước đã không còn tỉnh táo, không nhớ bất cứ điều gì. Người mẹ bị bệnh tiểu đường lâu năm lại bất ngờ bị viêm phổi phải nhập viện tại Bệnh viện Thanh Nhàn sáng 4-11 cũng chưa được thông báo tình hình. Chỉ còn bố mẹ anh Minh, người túc trực ở nhà, người bên cạnh anh Minh an ủi.

Trung tâm Sao Mai - chuyên dạy trẻ tự kỷ, nơi chị Ngân đang công tác - đã chủ động chia giáo viên thành 10 nhóm luân phiên chăm sóc chị Ngân mỗi ngày.

“Thật ra Ngân xin vào làm tại trường ngoài lý do tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý còn bởi bé Duy con của cô ấy cũng mắc chứng tự kỷ, khó khăn trong chủ động giao tiếp. Cái tâm của một người mẹ và của một giáo viên trị liệu ngôn ngữ có nghề đã giúp Ngân dạy con mình rất tốt. Bé Duy 7 tuổi cũng đã đi học ở lớp học của các bạn bình thường” - bà Đỗ Thúy Lan, giám đốc Trung tâm Sao Mai, cho hay.

Một số lưu ý khi sử dụng bếp gas

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, các cán bộ chuyên môn của Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết những sự cố cháy, nổ có liên quan đến khí gas thường chủ yếu do bất cẩn trong sử dụng bếp gas để đun nấu.

Ngoài các cơ sở nấu ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể sử dụng khối lượng gas lớn buộc phải tuân thủ các quy định về an toàn PCCC trong lưu chứa gas, thiết kế và vận hành bếp, các hộ gia đình sử dụng bếp gas để đun nấu hằng ngày cũng cần có những hiểu biết nhất định về vận hành, xử lý sự cố để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Dưới đây là một số lưu ý để giúp người dân sử dụng an toàn bếp gas trong gia đình:

* Bố trí bếp: Có phòng bếp riêng được ngăn cách bằng vật liệu không cháy với các phòng khác. Phòng bếp có cửa đi, cửa sổ và cửa thông gió. Khoang đặt bình gas được ngăn cách với vị trí đặt bếp bằng vật liệu không cháy. Bình gas được đặt trên nền nhà bằng phẳng vững chắc, có tường ngăn cách chống va đập, làm đổ, xê dịch làm bình hỏng hoặc tuột dây dẫn khí gas. Mỗi bếp đun chỉ bố trí một bình loại 12kg hoặc 13kg gas, không để bình dự trữ hoặc vỏ bình trong bếp đun.

* Trang bị bếp: Bếp đun đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn PCCC, van an toàn phải tự động đóng trong trường hợp lửa ở bếp bị tắt hoặc công tắc bếp vẫn mở; dây dẫn gas chắc chắn, đảm bảo kín. Các khớp nối liên kết giữa bếp, dây dẫn, van an toàn và bình gas phải được lắp đặt đúng kỹ thuật, chắc chắn và đảm bảo độ kín chống rò rỉ gas. Dây dẫn gas được lắp đặt ở vị trí tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, có lớp bảo vệ để chống chuột cắn. Cần phải trang bị các dụng cụ chữa cháy cần thiết như chăn chiên hoặc bao tải, thùng dự trữ nước, một bình chữa cháy bằng bột loại 4kg.

* Kiểm tra thường xuyên: Phải thường xuyên kiểm tra chất lượng các bộ phận của bếp gas, nếu phát hiện bộ phận nào không đảm bảo an toàn thì phải yêu cầu cửa hàng cung cấp thiết bị khắc phục ngay. Cần kiểm tra và khóa van bình gas trước khi đi ngủ và trước khi ra khỏi nhà.

* Phát hiện, xử lý sự cố: Khi phát hiện mùi gas, hoặc thiết bị báo động phát tín hiệu, phải nhanh chóng xác định vị trí bị rò rỉ. Dùng nước xà phòng bôi lên những nơi rò rỉ để xác định có bị rò rỉ hay không. Tuyệt đối không được dùng ngọn lửa để tìm nơi rò rỉ. Đánh dấu vị trí bị rò rỉ. Loại trừ ngay bất kỳ nguồn gây cháy nào gần khu vực chứa bình gas. Bịt chặt chỗ rò rỉ lại và kịp thời di chuyển bình gas ra ngoài, đặt xa nguồn lửa và nơi đông người. Không được bật, tắt công tắc điện, rút hoặc cắm phích điện vì sẽ tạo ra tia lửa điện gây nổ. Không được tháo bỏ hoặc sửa van, bình gas đã bị hư hỏng mà chuyển cho cơ sở cung cấp gas xử lý.

* Quy trình sử dụng bếp an toàn: Kiểm tra độ an toàn, độ kín của van, dây dẫn khí gas, các khớp nối giữa van, dây dẫn khí gas và bếp. Mở van xả khí gas. Bật bộ phận đánh lửa ở bếp. Điều chỉnh ngọn lửa theo yêu cầu. Khi đun nấu xong, đóng van xả khí gas, tắt bếp, vệ sinh bếp.

L.S. - BẢO ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên