21/04/2021 09:07 GMT+7

Giao vốn bảo trì đường sắt: Nhùng nhằng, thiếu trách nhiệm!

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chỉ vì quan điểm khác nhau giữa các bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mà vụ việc bị "đá qua đá lại". Từ đó, gần hết tháng 4 nhưng các doanh nghiệp ngành đường sắt vẫn chưa được giao vốn cho hoạt động bảo trì hạ tầng.

Giao vốn bảo trì đường sắt: Nhùng nhằng, thiếu trách nhiệm! - Ảnh 1.

Xí nghiệp toa xe Sài Gòn thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn nâng cấp các toa tàu cũ để đưa vào sử dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các đơn vị này đã phải cầu cứu Thủ tướng vì họ cho rằng mình đang bị đẩy "đến bước đường cùng".

Chuyện cũ lặp lại

Cuối năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Từ đó, viện dẫn lý do vì doanh nghiệp không thuộc sự quản lý của mình nên Bộ GTVT cho rằng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, không giao vốn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như những năm trước đó.

Từ đó, năm 2020 vốn không được giao sớm khiến doanh nghiệp thông báo nguy cơ phải dừng chạy tàu do không có tiền bảo trì. Cả Bộ GTVT và tổng công ty đều có các văn bản báo cáo lên Thủ tướng.

Vụ việc chỉ được tháo gỡ khi thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết số 41 (ngày 9-4) giao Bộ GTVT dự toán ngân sách bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Năm nay chuyện lặp lại, Bộ GTVT không chịu giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nữa mà giao cho Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước thuộc bộ. Cục Đường sắt Việt Nam "mời" 20 doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường sắt lên để giao vốn nhưng các doanh nghiệp từ chối nhận. Xin được nói thêm, các doanh nghiệp này đều là công ty "con" của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Giao vốn bảo trì đường sắt: Nhùng nhằng, thiếu trách nhiệm! - Ảnh 2.

Vì chưa được giao vốn bảo trì nên rất nhiều nhân viên ngành đường sắt chưa nhận được đủ lương trong 4 tháng qua - Ảnh: NAM TRẦN

Chính phủ chỉ đạo 3 lần vẫn không xong

Trước đó, ngày 15-12-2020, để giải quyết dứt điểm vấn đề trên, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 10506, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Tài chính có ý kiến về pháp lý, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12-2020.

Đến ngày 22-1-2021, sau khi tổ chức cuộc họp với các bên liên quan, Bộ Tư pháp có văn bản số 193 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó thể hiện quan điểm khác nhau giữa các bộ. Cụ thể, viện dẫn Luật ngân sách nhà nước, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho rằng quy định Bộ GTVT phân bổ dự toán, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là phù hợp.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng phương án này không phù hợp với quy định của Luật đường sắt năm 2017 và nghị định về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Nghị định này quy định:

"Bộ GTVT giao dự toán ngân sách nhà nước cho cơ quan được giao quản lý tài sản, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia". Trong trường hợp này, đơn vị đang được giao quản lý tài sản trên thực tế là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Từ đó, Bộ Tư pháp kết luận rằng "Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện" là không trái với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Tuy vậy, quan điểm trên của Bộ Tư pháp - đơn vị được Phó thủ tướng giao chủ trì phân xử - không được chấp thuận. Ngày 4-2, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục ban hành công văn số 908 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp".

Vẫn không xong, nên đến ngày 24-3 Văn phòng Chính phủ lại phải ban hành thêm một công văn nữa (số 1956) tiếp tục truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 908 ngày 4-2, khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp tại văn bản số 193 ngày 22-1, hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, trình Thủ tướng xem xét, quyết định".

Giao vốn bảo trì đường sắt: Nhùng nhằng, thiếu trách nhiệm! - Ảnh 3.

Công nhân Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn chạy kiểm tra sau khi bảo trì sửa chữa, sáng 20-4 - Ảnh: TỰ TRUNG

Cố đấm để... ăn xôi?

Ngày 12-4, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản số 3149, do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký, gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai ký hợp đồng đặt hàng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Cục Đường sắt Việt Nam để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông đường sắt và chế độ cho người lao động.

Ngay trong ngày 12-4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại có công văn số 803 "kiến nghị khẩn" gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề cập rằng suốt từ năm 1955 đến nay là đơn vị 100% vốn nhà nước duy nhất được giao quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh trực tiếp toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Tài sản đa số đã được xây dựng từ 50 - 140 năm qua, ít được đầu tư nâng cấp, phát triển nên chỉ có thể duy trì trạng thái kỹ thuật tối thiểu đảm bảo an toàn.

Đơn vị này cũng khẳng định rằng trong quá trình vận hành giao thông đường sắt, hành trình đoàn tàu đều gắn chặt, phụ thuộc và quan hệ mật thiết với kết cấu hạ tầng đường sắt do đường sắt là đường đơn; khi thực hiện nhiệm vụ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phải luôn gắn liền với công tác điều hành chạy tàu vì kế hoạch duy tu, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phụ thuộc vào biểu đồ chạy tàu. Trong khi đó, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ GTVT soạn thảo tại thời điểm này vẫn bảo lưu phương án giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam là tạo ra cấp trung gian quản lý, tạo thêm thủ tục hành chính.

"Các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động" - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu lên Thủ tướng và nói rằng họ đang bị đẩy "đến bước đường cùng".

Phải chấm dứt tình trạng đẩy việc lên Chính phủ!

Có ý kiến về vụ việc này, một chuyên gia chia sẻ: Đường sắt Việt Nam được xây dựng từ thời thuộc Pháp, đến nay đã quá cũ kỹ, lạc hậu mà một trong những nguyên nhân là tư duy quản lý chậm đổi mới, thiếu đột phá. Chỉ một việc là giao vốn để bảo trì hạ tầng đã ì ạch như hành trình của một đoàn tàu chợ.

Vụ việc trên cho thấy tính hiệu năng, hiệu lực của nền hành chính - công vụ gặp vấn đề nghiêm trọng. Thiết nghĩ, thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính là thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm, kỷ cương hành chính, chấm dứt tình trạng đẩy việc lên Chính phủ, phải lập tức được áp dụng để xử lý vụ việc này.

* Một lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

Không nên giao tiền cho Cục Đường sắt Việt Nam

Ngày 12-4, chúng tôi đã có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng phân tích đầy đủ việc nếu giao dự toán bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam sẽ thêm một chủ thể trung gian, từ đó có thể triệt tiêu vận tải đường sắt, dồn doanh nghiệp đến bước đường cùng. Bởi nguyên tắc của đường sắt là điều hành thống nhất tập trung, chỉ 1 người chỉ huy vừa cả bảo trì, chạy tàu, đảm bảo an toàn, khắc phục sự cố.

Thêm một trung gian là phá vỡ nguyên tắc đó khi đường sắt Việt Nam là đường đơn, hạ tầng quá lạc hậu, sự cố bất thường xảy ra không biết lúc nào. Việc giao dự toán bảo trì cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì khi có sự cố, tai nạn, chúng tôi sẽ đưa ra mệnh lệnh ngay nhằm yêu cầu khắc phục vụ việc để chạy tàu đã, thay vì phải trình phê duyệt này nọ. Chúng tôi mong muốn được giao vốn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt để thực hiện bảo trì, đảm bảo điều hành tập trung thông suốt.

* Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:

Thủ tướng quyết định thế nào, bộ làm như vậy

Quan điểm của Bộ GTVT đã thể hiện trong báo cáo Thủ tướng ngày 12-4. Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài chính thực hiện giao dự toán bảo trì đường sắt theo Luật ngân sách và thực hiện đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia (có nghĩa giao vốn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam - PV).

Bởi Cục Đường sắt không cần nhiều nhân lực quản lý khi đặt hàng các công ty đường sắt thực hiện bảo trì. Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng. Thủ tướng quyết định thế nào Bộ GTVT làm theo như vậy.

xelua duongsat 16 1(read-only)

Công nhân sửa chữa đường ray xe lửa tại khu vực ga Sài Gòn, sáng 20-4 - Ảnh: TỰ TRUNG

* Một chuyên gia đường sắt:

"Miếng bánh ngon" nên ai cũng muốn

Câu chuyện giao 2.800 tỉ đồng vốn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam hay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn lình xình chưa ngã ngũ. Trong khi đó các công ty hạ tầng, tín hiệu đường sắt với hàng vạn người lao động đang thấp thỏm lo âu, vật vã mưu sinh vì đã qua hơn 4 tháng chờ tiền lương, công ăn việc làm.

Phải chăng vấn đề được giao quản lý và phân phối nguồn vốn trên như một "cái bánh" ai cũng muốn mình được nắm để phân bổ. Đơn vị này đứng chia thì đơn vị kia đứng nhìn. Và cũng bởi đơn vị nào được quyền phân bổ vốn thì có thực quyền với doanh nghiệp hạ tầng và có phí quản lý nên mới xảy ra chuyện tranh nhau "miếng bánh ngon".

* Ông Nguyễn Xuân Hòa (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn):

Có tiền mà không xài được, cần xử lý nghiêm

Trước đây, việc chậm ký hợp đồng bảo trì đường sắt rất ít xảy ra, nếu có chậm thì tới tháng 3 hằng năm đã phải hoàn tất. Tuy chậm nhưng các doanh nghiệp vẫn có cơ chế tạm ứng tiền để cầm cự đến ngày ký hợp đồng.

Còn trong năm 2021, nguồn vốn 2.800 tỉ đồng bảo trì cho đường sắt đến nay đã hơn 4 tháng rồi mà chưa thể giải ngân. Việc này sẽ làm cho 20 doanh nghiệp hạ tầng khó khăn, hàng vạn người lao động khổ sở, an toàn đường sắt bị ảnh hưởng.

Các đơn vị đều muốn được giao nguồn vốn trên và vin vào cơ chế này nọ. Từ đó, ngân sách dành cho bảo trì đường sắt đến nay không giải ngân, sử dụng được. Cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của đơn vị nào để xảy ra tình trạng trên.

TUẤN PHÙNG - ĐỨC PHÚ ghi

Đường sắt kiến nghị khẩn Thủ tướng vì tranh luận vốn bảo trì Đường sắt kiến nghị khẩn Thủ tướng vì tranh luận vốn bảo trì

TTO - Do 2.800 tỉ đồng tiền vốn bảo trì đường sắt đã có nhưng chưa thể giải ngân vì những quan điểm trái ngược, công nhân đường sắt bị nợ lương, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị khẩn Thủ tướng giải quyết.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên