28/10/2018 14:44 GMT+7

Giáo viên lại 'bội thực' với thi

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - 'Hiện giáo viên chúng tôi đã phải chịu quá nhiều áp lực trong quá trình giảng dạy rồi. Nhưng áp lực kinh khủng hơn, ngốn mất nhiều thời gian hơn chính là các kỳ thi phong trào', một giáo viên mầm non ở nội thành TP.HCM than thở.

Giáo viên lại bội thực với thi - Ảnh 1.

Giáo viên này nói thêm: Chỉ trừ tháng đầu tiên và tháng cuối cùng của năm học là chúng tôi được miễn tham gia các cuộc thi.

Giáo viên mầm non thi nhiều nhất

Theo đó, ngoài thời điểm đầu và cuối năm học, tính trung bình mỗi tháng tôi phải tham gia 1-2 cuộc thi. Trong đó chỉ có cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên làm đồ dùng dạy học là có liên quan đến chuyên môn. 

Hầu hết những cuộc thi còn lại đều thuộc dạng phong trào như: thi biểu diễn thời trang công chức, thi "Duyên dáng áo dài", hội diễn văn nghệ quần chúng cấp quận, thi thuyết trình "Gương sáng phụ nữ quanh ta" cấp quận đến thi sơ cấp, thi tiếng hát giáo viên... Đây đều là những hội thi giáo viên phải trực tiếp tham gia. 

Chưa kể hàng loạt hội thi khác dù giáo viên không trực tiếp tham gia nhưng cũng mất rất nhiều thời gian và công sức để vận động - kèm cặp - tập luyện cho học sinh đi thi như hội thi "Sắc màu tuổi thơ", hội thi aerobic mầm non, hội thi "Bé kể chuyện hay"...".

Thừa nhận tình trạng "bội thực" các kỳ thi, hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở TP.HCM cho biết có thể về tên gọi thì mỗi quận, huyện mỗi khác, nhưng tựu trung giáo viên hiện phải tham gia rất nhiều hội thi... 

Đặc điểm của trường mầm non là các cô giáo phải biết múa, biết hát. Nhưng kỹ năng múa, hát của họ là để phục vụ công tác giảng dạy trẻ mầm non, chứ không phải để đi thi. 

Bây giờ có quá nhiều kỳ thi, mà kỳ thi nào cũng "ấn" xuống ngành giáo dục. Đã tham gia thì phải đầu tư tiền bạc mời biên đạo múa lên ý tưởng và tập múa cho các cô, mời nhạc công đến tập cho các cô hát... 

Rồi chính bản thân các cô giáo cũng rất áp lực khi phải tập luyện để mang giải thưởng về cho trường, cho ngành...

Bỏ lớp để đi thi

Nhưng điều khiến các hiệu trưởng và giáo viên day dứt nhất chính là công sức, là thời gian mà "thí sinh" phải đầu tư cho các cuộc thi chẳng liên quan gì đến chuyên môn dạy và học. 

Cô T., giáo viên mầm non đã đoạt khá nhiều giải thưởng ở các hội thi, nói rằng có những hội diễn văn nghệ mà giáo viên phải vừa múa vừa hát, tập luyện cả tháng trời mà đạo diễn vẫn chưa hài lòng. 

Mới đầu còn tranh thủ tập vào buổi trưa - sau khi các cháu đã ngủ. Nhưng gần đến ngày thi thì ban giám hiệu trường cho phép giáo viên tập luôn cả giờ hành chính. Mà tập như thế thì phải bỏ lớp để tập. 

Hầu hết các trường mầm non ở TP.HCM bây giờ không có giáo viên dự khuyết, nên chỉ có thể nhờ cậy vào bảo mẫu. Có lớp có hai cô giáo thì cả hai cô đều bị điều động đi thi.

Những buổi giáo viên đi tập, đi thi là lớp lộn xộn lắm. Phụ huynh không hài lòng về việc chăm sóc con em của họ, mà bảo mẫu cũng lo lắng không kém: lớp hơn 40 học sinh, ngày thường có hai cô giáo đã vất vả, một mình cô bảo mẫu thì làm sao kiểm soát hết. 

Thậm chí cô T. còn buồn buồn kể: "Ở trường tôi, các phụ huynh còn kháo nhau là đừng cho con học lớp tôi. Vì tôi cứ đi thi suốt, thời gian đâu mà đầu tư vào việc giảng dạy, làm sao có thể chăm sóc con em họ chu đáo. 

Tôi nghe mà buồn không thể tả... Tôi học sư phạm và muốn khẳng định bản thân trong việc giảng dạy học sinh, chứ không phải trong các hội thi".

Ban giám hiệu các trường tâm sự họ ở thế cứ thấy cô nào có sắc vóc, khả năng ca múa được được chút là "bốc" đi thi, thi trường kỳ năm này sang năm khác. 

"Có giáo viên sau khi lập gia đình đã ra điều kiện với tôi, xin phép nghỉ thi vài năm để sinh con. Những ngày giáo viên bỏ lớp để đi thi, đi tập, ban giám hiệu chúng tôi phải thay phiên nhau xuống lớp hỗ trợ bảo mẫu, chứ chúng tôi rất lo xảy ra tai nạn cho trẻ" - hiệu trưởng một trường mầm non công lập ở TP.HCM tỏ ra băn khoăn...

Cả thầy và trò đang "bội thực"

Ở ngành giáo dục thực tế đang có rất nhiều cuộc thi, hội thi hướng tới đối tượng là thầy và trò ở các nhà trường đang chồng lấn lên nhau.

Chẳng hạn trong một năm học, giáo viên vừa thi giáo viên dạy giỏi vừa thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Tên gọi khác nhau nhưng nội dung cuộc thi có nhiều điểm tương đồng, không khác nhau bao nhiêu.

Ngoài các hoạt động chuyên môn thì giáo viên cũng thường xuyên được triệu tập tham gia rất nhiều cuộc thi, hội thi phong trào khác từ phường lên thành phố nếu đoạt giải: thi tiếng hát công chức - viên chức, tìm hiểu pháp luật, thể dục thể thao, tìm hiểu quê hương, tìm hiểu lịch sử địa phương..., thậm chí thi cả báo tường.

Đối với học sinh cũng vậy: đã có thi học sinh giỏi các môn văn hóa cuối cấp lại có cuộc thi Olympic song hành. Thành ra các cấp đứng ra tổ chức cùng một nội dung nhưng diễn ra hai thời điểm, hai cuộc thi tách biệt, tốn kém được nhân lên hai lần.

Môn ngữ văn không thi Olympic thì tổ chức thêm cuộc thi văn hay chữ tốt... Vì thế, học sinh và giáo viên đều nhân đôi sự mệt mỏi, vất vả.

Những môn không thi học sinh giỏi văn hóa như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật thì có vô vàn cuộc thi cũng chồng chéo lên nhau. Môn thể dục có Hội khỏe Phù Đổng, lại thi năng khiếu các môn. Môn âm nhạc thì đủ các cấp, ngành tổ chức. Môn mỹ thuật cũng tổ chức liên miên như vậy.

Thực tế nhiều năm qua, ba môn năng khiếu này không chỉ được tổ chức thường xuyên trong năm học, mà vào dịp hè, tết cũng được tổ chức liên miên với rất nhiều lần, nhiều cấp, nhiều tổ chức phát động và có những dịp cùng một nội dung thi nhưng thời điểm phát động liền kề nhau.

Dĩ nhiên những em có năng khiếu "tha hồ" tham dự và giáo viên cũng cứ liên tục bị cuốn vào các cuộc thi cùng với học trò. Nhiều nơi quan niệm đây là các môn năng khiếu, nên những lần tổ chức như vậy thì cấp tổ chức bao giờ cũng lấy tiêu chí là để tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh các trường giao lưu, học hỏi với nhau.

Việc tham gia các cuộc thi, hội thi của cả thầy lẫn trò trong các trường học là hoạt động thường niên, nên việc chấp hành là điều mà các trường đều phải thực hiện. Tuy nhiên, nếu hay hơn, phù hợp hơn là lãnh đạo ngành giáo dục và lãnh đạo địa phương, các tổ chức cần bàn bạc thấu đáo và phối hợp chặt chẽ với nhau để cùng tổ chức.

Điều đáng chú ý là dù đơn vị nào tổ chức cho đối tượng là giáo viên và học sinh thì việc bắt buộc đều phải có sự đồng ý của lãnh đạo ngành giáo dục. Vì thế, việc đồng ý để tổ chức của lãnh đạo ngành giáo dục cũng cần thiết phải lựa chọn những nội dung, tiêu chí từng cuộc thi, hội thi phù hợp cho ngành, tránh sự cả nể hay một lý do nào đó mà cuộc thi nào đưa ra thì ngành cũng đồng ý cho tổ chức.

Nhiệm vụ của các trường học thì điều cốt yếu nhất là dạy và học ở nhà trường. Trong nhà trường có hoạt động giảng dạy trên lớp, có hoạt động ngoài giờ lên lớp. Vậy nên đừng tăng thêm áp lực cho cả thầy và trò bằng những cuộc thi, hội thi chồng chéo không cần thiết.

NGUYỄN CAO

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên