Điểm giao giữa quốc lộ 80 (đường ven sông) và đường dẫn cầu Vàm Cống. Cầu xây xong, quốc lộ 80 với lòng đường quá nhỏ hẹp đang là “nút thắt cổ chai” ở khu vực này - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, vốn vay ODA không còn nhiều, vốn BOT cho miền Tây không dễ thu hút, làm thế nào phát triển đường sá miền Tây?
Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Trường Đại học Giao thông vận tải - về vấn đề này.
Cao tốc hay quốc lộ?
Tập trung vốn đầu tư công cho miền Tây nên tập trung vào những công trình nào khi nhiều cái cần đầu tư và tỉnh nào cũng muốn đầu tư hạ tầng giao thông sớm? Cần tập trung đường cao tốc hay mở rộng, xây mới quốc lộ?
Đó là bài toán rất khó, cần tính kỹ. Vì đầu tư vào những vùng kém phát triển thì hiệu quả tài chính và cả kinh tế - xã hội đều ít. Đây cũng là bài toán về kinh tế - xã hội của cả nước, liên quan đến đầu tư và sự cải thiện đời sống người dân.
Đường cao tốc muốn có hiệu quả phải nối được các trung tâm kinh tế lớn. Những nơi không phải là trung tâm kinh tế lớn thì nhu cầu đi lại không lớn, lưu lượng xe không cao, đường cao tốc luôn đắt gấp 3-4 lần quốc lộ.
Đầu tư như vậy hiệu quả thấp. Ví dụ bây giờ nói làm đường cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ là hợp lý, nhưng làm luôn đường cao tốc từ Cần Thơ đến Kiên Giang hay về tận Cà Mau lại chưa hợp lý vì đoạn này vắng xe.
Làm đường cao tốc ở nơi địa chất, địa hình tốt thì cũng hơn 100 tỉ đồng mỗi kilômet. Vùng địa chất yếu, điều kiện thi công khó khăn, chi phí làm đường cao tốc lớn hơn nhiều.
Trong khi đó, quốc lộ cấp III đồng bằng tốc độ 80km/h chi phí đầu tư khoảng 23 tỉ đồng/km. Với miền Tây, nếu đầu tư phát triển mạng quốc lộ trước sẽ cải thiện điều kiện đi lại và phát triển kinh tế của khu vực đó. Vì vậy, nên tập trung đầu tư cho quốc lộ trước, mở rộng những quốc lộ còn chật hẹp.
PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Ảnh: T.P.
Không thể hát mãi bài ca chờ vốn
Quy hoạch giao thông đường bộ miền Tây Nam Bộ đã có từ lâu, nhưng việc huy động vốn đầu tư cho giao thông khu vực này chưa được như mong muốn.
Nhìn trong phạm vi toàn quốc, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA đều hạn chế. Chúng ta đã kêu gọi đầu tư xã hội hóa như BOT để huy động nguồn vốn.
Nhưng có thực tế: những vùng có lợi thế về kinh tế - xã hội, có nội lực địa phương sẽ hấp dẫn vốn BOT, tuy nhiên có vùng không huy động được.
Ở những nơi có trung tâm du lịch, công nghệ cao thu hút đông khách đến vui chơi, đông người đến làm ăn sẽ khơi thông được nguồn vốn dễ hơn.
Miền Tây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đầu tư cho miền Tây bản chất là trợ cấp cho nông nghiệp, khó thu hút nhà đầu tư.
Phát triển giao thông cho miền Tây dù rất cần thiết nhưng tốc độ tăng trưởng vùng này chậm, khả năng tích lũy từ nông nghiệp chiếm tỉ trọng rất nhỏ, nên đầu tư cho miền Tây chắc chắn chỉ là đầu tư công.
Vì vậy, chỉ mỗi cách Nhà nước dùng thuế của dân hoặc vay ODA đầu tư, rồi toàn dân trả nợ.
Chúng ta có quy hoạch giao thông nhưng thực hiện đầu tư đến mức nào, khi nào thực hiện vẫn tùy thuộc vào quan điểm và khả năng huy động vốn, nguồn lực của Nhà nước.
Bây giờ vốn ngân sách thiếu, chỉ đủ bố trí cho một số dự án trọng yếu, phục vụ giải phóng mặt bằng, đối ứng cho một số dự án vốn vay ODA.
Trong hoàn cảnh đó, không phải cứ có quy hoạch là có đầu tư ngay. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư khá nhiều vào giao thông miền Tây nhưng chưa được như mong muốn.
Ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước
Bài toán đầu tư cho giao thông miền Tây phải được giải như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Trong tình hình hiện nay, Nhà nước cần ưu tiên cho những vùng khó khăn về giao thông như miền Tây một tỉ lệ vốn ODA, vốn ngân sách nhiều hơn những địa phương khác. Còn những địa phương khác sẽ tăng cường đầu tư BOT.
Nguồn vốn nhà nước đầu tư cho giao thông miền Tây có thể là không thấp. Nơi khác vốn đầu tư của Nhà nước không nhiều, nhưng họ lại có điều kiện huy động được những nguồn vốn khác rất lớn.
Vốn đầu tư công của chúng ta cho cơ sở hạ tầng không nhiều, cũng đã cạn. Thời gian qua đã đầu tư bằng vốn đầu tư công, BOT hơn 22.000 tỉ đồng xây 9 cây cầu lớn ở miền Tây. Nhưng mức đầu tư như vậy so với cả vùng này không thấm thía gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận