Ngày 19-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Minh Tùng - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang (giai đoạn 2004-2011) - cho biết rất xúc động khi biết tin giáo sư vừa qua đời ở tuổi 84. "Công lao của giáo sư Võ Tòng Xuân đối với An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long vô cùng to lớn", ông Tùng nói.
Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời ở tuổi 84
Hai công lớn đối với An Giang
Giáo sư Võ Tòng Xuân là nhà giáo, nhà nông nghiệp không chỉ của Việt Nam, mà còn của thế giới.
Những đóng góp của giáo sư Võ Tòng Xuân đối với Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trong đó có An Giang rất lớn lao.
Từ khi trẻ đến cuối đời, ông luôn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nông nghiệp của đất nước.
"Thầy Xuân cả cuộc đời đều hy sinh cho công việc. Vừa làm phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ xong lại sang làm hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo ở Long An.
Sau đó chuyển sang Trường đại học An Giang, rồi quay lại Trường đại học Nam Cần Thơ đến cuối đời. Đến lúc mất, thầy Xuân vẫn là hiệu trưởng danh dự của Trường đại học Nam Cần Thơ", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, từ tháng 12-1999, Trường đại học An Giang thành lập, giáo sư Võ Tòng Xuân đã trở thành hiệu trưởng đầu tiên (sau Trường đại học Cần Thơ). Thầy có công lao rất lớn trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh An Giang, đưa trường này phát triển như hiện nay.
"Ấn tượng lớn nhất của tôi về giáo sư Xuân là lúc đó tôi làm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thầy Xuân đã đưa những giống lúa thần nông về An Giang để giúp nông dân An Giang chuyển từ 1 vụ sang trồng lúa 2 vụ.
Bấy giờ, chúng tôi chuyển 180.000ha lúa nổi 1 vụ sang lúa 2 vụ, 3 vụ như hiện nay. Đây là những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, đã làm cải thiện bộ mặt của vùng Tứ giác Long Xuyên vào những thập niên 1980", ông Tùng kể.
Ông Tùng khẳng định đối với An Giang, giáo sư Võ Tòng Xuân có hai công lao lớn, nổi bật là có công khai sáng lĩnh vực giáo dục ở Trường đại học An Giang và trên lĩnh vực nông nghiệp, giáo sư Xuân đã đưa nhiều giống ngắn ngày như: 732, IR36 về An Giang.
Đây là những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao giúp nông dân chuyển từ 1 vụ sang 2 vụ rồi 3 vụ như đến nay.
"Khi Trường đại học An Giang thành lập, tôi được điều động làm phó hiệu trưởng. Sau đó tôi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch UBND tỉnh đến năm 2011. Năm 2010, giáo sư Xuân rời khỏi An Giang thì tôi chuyển sang làm phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm hiệu trưởng đến khi nghỉ hưu", ông Tùng nói.
Tấm gương cho thầy cô giáo noi theo
Nói về người hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học An Giang (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), PGS.TS Võ Văn Thắng - hiệu trưởng Trường đại học An Giang - cho hay giáo sư Võ Tòng Xuân là nhà khoa học rất say mê nghiên cứu về giống, cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Giáo sư đã có nhiều đóng góp giúp bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ít khổ hơn, ít nghèo hơn.
"Chính vì tâm huyết đó, thầy đã trở thành tấm gương cho thầy cô giáo, học trò noi theo. Các nghiên cứu của thầy được ứng dụng trong thực tế là cây lúa đã có nhiều tài liệu nói rồi", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, trường nào khi mới thành lập cũng gặp nhiều khó khăn. Thầy Xuân đã có những đóng góp lớn để giúp Trường đại học An Giang phát triển như hôm nay. "Thầy đã đi nhiều nơi nên khi về An Giang, thầy muốn trường ngày càng phát triển hơn, nên đã dồn hết tâm trí - cái tâm của người thầy - vào việc xây dựng nền móng vững chắc cho trường như hôm nay", ông Thắng nhớ lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận