11/06/2019 12:14 GMT+7

Giáo sư 83 tuổi ngày ngày 'hóa phép' rác thành... tiền

TRỌNG NHÂN thực hiện
TRỌNG NHÂN thực hiện

TTO - Ở tuổi “bát thập”, GS Trần Kim Qui hằng ngày vẫn nghiên cứu khoa học. Với ông, nghiên cứu là ứng dụng, là cho ra những sản phẩm đứng được trên thị trường, đủ sức cạnh tranh với công nghệ nước ngoài.

Giáo sư 83 tuổi ngày ngày hóa phép rác thành... tiền  - Ảnh 1.

GS Trần Kim Qui và sản phẩm azadirachtin diệt sâu rầy hiện đang được ông cho sản xuất ở Củ Chi - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cuối tháng 4 vừa qua, với dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt, GS Qui nhận giải nhất cuộc thi Sáng chế năm 2018 do Bộ KH-CN tổ chức.

Với tôi, khi nghiên cứu là phải nghĩ sẽ ứng dụng được gì, có sống được trên thị trường, có cạnh tranh nổi với hàng ngoại hay không, chứ không thể nghiên cứu xong chỉ viết tạp chí khoa học cho vui.

GS TRẦN KIM QUI

10 năm nghiên cứu rác

* Vì sao ông dành gần 10 năm nghiên cứu phương pháp "hóa phép" rác thải thành... tiền, thưa ông?

- Từ lâu, xử lý rác thải sinh hoạt ở các đô thị gặp nhiều khó khăn, thường không đảm bảo vấn đề môi trường. Chẳng hạn, nếu đem đốt sẽ thải ra nhiều khí độc hại, nếu chôn lấp sẽ ô nhiễm nguồn nước ngầm. 

Vì thế, năm 2004 tôi quyết định nghiên cứu cách xử lý theo hướng xem rác là nguồn tài nguyên có thể tận dụng tối đa. Tôi bắt đầu xem qua rất nhiều tài liệu các nước rồi thực hiện 4 đề tài nghiên cứu và dự án thử nghiệm.

Đến năm 2012 thì bước đầu tìm được những loại vi sinh vật giúp phân hủy rác và xây dựng quy trình tạo phân bón dinh dưỡng cho cây trồng. Trong gần 10 năm nghiên cứu, tôi nhận ra trong rác không có thứ gì bỏ đi cả.

* Hiện nay đã có nhiều ý tưởng tái chế rác thải, nhưng dường như hiệu quả vẫn chưa cao. Ông nghĩ đâu là cơ hội cho mình?

- Dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt của tôi không yêu cầu rác được phân loại từ lúc thu gom mà chính nhà máy sẽ làm việc này. 

Khi rác chạy trên băng tải, hai công nhân ở một đầu sẽ nhặt những chai lọ tái chế, tiếp đó hai người khác sẽ phân loại rác dẻo như nilông cho sang một đường băng làm nhựa tái sinh dùng sản xuất mặt bàn composite, hai người kế tiếp sẽ lấy ra những chất trơ cho băng chuyền đưa vào khu làm gạch block... 

Phần rác hữu cơ còn lại sẽ được phun các chế phẩm có chứa vi sinh vật, phân giải sinh học làm phân hữu cơ vi sinh sau khi ủ trong hầm khoảng 20-25 ngày.

Tôi đã bỏ tiền túi lên Lâm Hà (Lâm Đồng) mua đất, xây dựng nhà máy và xin giấy phép hoạt động sản xuất, dự kiến trong tháng 8 tới sẽ chính thức vận hành. Giai đoạn 1, nhà máy sẽ cho ra phân hữu cơ vi sinh với số lượng 100 tấn/ngày. 

Khi đã ổn định, chúng tôi bước sang giai đoạn 2 sản xuất thêm nhựa tái sinh và gạch block không nung.

Giáo sư 83 tuổi ngày ngày hóa phép rác thành... tiền  - Ảnh 3.

Sản phẩm phân urê có màng bọc tránh thất thoát chất dinh dưỡng vừa được GS Trần Kim Qui nghiệm thu với Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM - Ảnh: T.NHÂN

Nghiên cứu không để viết tạp chí cho vui

* Được biết, năm 2014 ông thành lập công ty khoa học để tự mình hiện thực hóa các dự án nghiên cứu, vì sao vậy?

- Đa số người có tiền muốn đầu tư sẽ chọn cách làm ăn an toàn, chắc chắn sinh lời như đi mua đất chẳng hạn. Ít ai nghĩ đến sẽ bỏ tiền vào khoa học mà chưa biết liệu kinh doanh có thành công hay không.

Bởi vậy, tôi muốn tự làm trước bằng vốn của mình, sau đó nếu các doanh nghiệp thấy hứng thú có thể hùn hạp đầu tư hoặc đề nghị chuyển giao công nghệ. 

Cũng nhờ tích góp, ngoài nhà máy ở Lâm Hà, tôi còn một khu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học thân thiện môi trường ở Củ Chi (TP.HCM) với các sản phẩm như dầu neem trị nấm bệnh, azadirachtin diệt sâu rầy và phân vi sinh hữu cơ trị tuyến trùng trong đất.

* Thưa ông, năm nay đã 83 tuổi, công việc nghiên cứu khoa học của ông có gặp nhiều khó khăn?

- Lớn tuổi thì trí nhớ cũng kém đi, nếu không để ý thì sẽ dễ quên, với lại đầu óc cũng không còn nhạy như ngày còn trẻ. Tuy nhiên, khi làm việc, tâm trí tôi chỉ nghĩ đến các dự án mà không bị phân tán bởi những việc khác nên vẫn giữ được sự tập trung.

Nhiều người cũng khuyên tôi nghỉ ngơi, nhưng nói thật tôi không biết nghỉ ngơi để làm gì, sẽ làm gì hay đi chơi đâu, chưa kể nhiều khi nhàn lại phát sinh phiền toái. Vì vậy, tôi vẫn duy trì thói quen làm việc hằng ngày, bắt đầu từ 8h sáng đến 16h, và thường đọc sách từ 23h đến... 1h sáng.

* Ông đã có kế hoạch cho những dự án tiếp theo?

- Cuối tháng 4 vừa qua, tôi vừa nghiệm thu một sản phẩm mới có thể giá trị trong tương lai là sản xuất chế phẩm Limo NI làm tăng hiệu suất sử dụng phân đạm. Hiện nay, phần lớn các loại phân urê khi bón vào đất thì trong vòng 15 ngày lượng đạm sẽ thất thoát do hai loài sinh vật đến chuyển hóa NH3 thành NO. 

Dự án của tôi giúp tạo màng bọc cho phân urê ngăn chặn hai loài sinh vật này đến ăn đạm, vừa tránh thất thoát chất dinh dưỡng, vừa tăng năng suất cây trồng, vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Sau này, tôi muốn nghiên cứu thêm về các loài cây có nhiều giá trị để phủ xanh rừng Việt Nam bởi tôi nghĩ người ta phá rừng chủ yếu là vì người ta không thấy rừng có giá trị kinh tế gì khác ngoài lấy gỗ.

Tận tụy nghiên cứu

GS.NGƯT Trần Kim Qui từng đảm nhận các nhiệm vụ như phó chủ nhiệm khoa hóa (1988) và giám đốc Trung tâm nghiên cứu hóa học ứng dụng (1991) tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Nhắc đến GS Qui, ông Phan Minh Tân, nguyên giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, nói: "Thầy Qui là người đam mê khoa học, rất tận tụy với công việc nghiên cứu, đặc biệt thầy làm từng dự án với tinh thần trách nhiệm cao. Thầy được nhớ tới rất nhiều với những dự án xử lý rác đã được áp dụng rất thành công ở Huế.

Cá nhân tôi đánh giá rất cao đóng góp của thầy Qui đối với lĩnh vực khoa học công nghệ của TP.HCM và cả nước".

Biến bãi rác tự phát thành công viên Biến bãi rác tự phát thành công viên

TTO - Ba tháng, góp 500 ngày công lao động, 200 triệu đồng, các bạn trẻ phường Long Trường (Q.9, TP.HCM) đã biến một nơi xả rác tự phát, lấn chiếm buôn bán hàng rong thành công viên thanh niên để bà con tập thể thao, thư giãn mỗi ngày.

TRỌNG NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên