02/07/2015 18:51 GMT+7

Giáo dục Việt Nam sánh ngang tầm Singapore

LƯU VĨNH TRINH 
(18 tuổi, TP.HCM)
LƯU VĨNH TRINH 
(18 tuổi, TP.HCM)

TT - Mơ ước về tương lai nền giáo dục Việt Nam có thể sánh ngang tầm với Singapore, cùng đứng đầu trong khu vực ASEAN, luôn là niềm cảm hứng để chúng em cố công học tập.

Khát khao lớn nhất của tất cả học sinh chúng em là được học tập trong một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh.

Ở đó trò thực học, thầy dạy thực tâm, ngành giáo dục luôn tạo điều kiện thuận lợi để trường học là ngôi nhà do chính học sinh làm chủ.

Ở đó, chúng em có thể phát huy tối đa sự tự chủ trong học tập và sáng tạo, trở thành những con người hết sức tự tin và năng động, dám nghĩ, dám làm, tự quyết định và làm chủ cuộc đời mình: những con người bừng bừng khí thế, khát khao lập thân, lập nghiệp.

Tạo môi trường giáo dục lành mạnh

Là học sinh lớp 12 từng trải qua nhiều lần cải cách của Bộ Giáo dục - đào tạo, em nhận thấy nguyên nhân dẫn đến đổi mới không triệt để, làm hạn chế năng lực học tập, sự chủ động sáng tạo của chúng em chính là giáo dục chưa tạo được môi trường lành mạnh.

Sự tụt hậu của giáo dục Việt Nam so với khu vực là do chưa đặc biệt cải cách dạy và học tiếng Anh trong trường học.

Thông qua bài viết này, em kỳ vọng Bộ Giáo dục - đào tạo, thầy cô và nhà trường có hướng điều chỉnh phù hợp, có hiệu quả, đúng trọng tâm hơn.

Để có được môi trường giáo dục lành mạnh, không gian học thuật tự do trao đổi, sự chủ động hoàn toàn cho cả thầy và trò, cần giải quyết những vấn đề sau: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, thiết kế lại chương trình, thay đổi cách dạy và học, tạo sự bình đẳng giữa thầy và trò.

Trước hết phải xây thêm phòng học (mỗi lớp 20 học sinh để đạt hiệu quả tối đa sự tương tác giữa thầy và trò), trang bị thêm phòng thí nghiệm, phương tiện nghe nhìn, nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu giảng dạy và thiết yếu cho học sinh. Về kinh phí đầu tư xây dựng, 3/4 trích từ ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, 1/4 còn lại vận động từ xã hội.

Nếu Chính phủ xem giáo dục là quốc sách thì phải dốc toàn lực, hơn nữa đầu tư cho giáo dục là lựa chọn khôn ngoan nhất. Về vận động xã hội, em tin mọi người sẽ chung sức đồng lòng bởi nó gắn với lợi ích mỗi người. Điều em mong mỏi nhất là bộ, các sở, ban giám hiệu hãy là những nhà quản lý có tâm, sử dụng nguồn kinh phí đúng trọng tâm, không vụ lợi, công khai minh bạch để chăm lo cho trường lớp.

Bộ nên thiết kế lại chương trình phù hợp với lợi ích học sinh, tăng tính thực tiễn, giảm tính hàn lâm.

Ví dụ, chương trình ngữ văn THPT nên thiết kế chương trình nghị luận văn học chiếm 40% thời lượng, trong đó 20% thơ văn kháng chiến, 20% thơ văn hiện đại, giới thiệu các tác giả trẻ viết về cuộc sống đương đại, bỏ phần thơ văn trung cổ chỉ phù hợp chuyên ngành bậc đại học; tăng thời lượng cho nghị luận xã hội (40%) vì giúp chúng em rèn luyện tốt kỹ năng lập luận, phát triển khả năng ngôn ngữ; 20% thời lượng còn lại là phần văn bản hành chính để giới thiệu, hướng dẫn chúng em viết những văn bản thông thường như biên bản, tờ trình, các loại đơn… phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.

Những kiến thức chuyên sâu chỉ ứng dụng ở bậc đại học cũng cần được giảm tải như: chuẩn độ dung dịch (hóa lớp 12), tính vận tốc con lắc đơn trên tàu (lý lớp 12), số phức, tích phân (toán lớp 12)…Tăng cường tối đa giờ học thực hành trong phòng thí nghiệm cho các môn khoa học tự nhiên, vừa rèn luyện tính chính xác, thuần thục trong thao tác, vừa trực quan sinh động giúp chúng em củng cố và nhớ bài lâu hơn.

Về phương pháp giảng dạy, bộ cần thay đổi theo hướng gợi mở, học sinh chủ động, tránh áp đặt, khiên cưỡng. Môn ngữ văn, giáo viên nên để học sinh có cảm nhận riêng về tác giả, tác phẩm, bởi phong cách sáng tác thường bị chi phối bởi tính cách, quan điểm của tác giả nên vẫn có những hạn chế, chủ quan.

Vì vậy không thể áp đặt tư tưởng của người đi trước lên người học. Môn sử cần nhất là dễ hiểu, trung thực. Giáo viên chỉ nên giới thiệu và giải thích các sự kiện lịch sử rồi để học sinh tự đưa ra chính kiến, nhận định riêng, không chính trị hóa dẫn đến thiếu khách quan.

Cải cách việc dạy và học tiếng Anh

Học sinh Việt Nam có ba ưu thế lớn để học giỏi và thông thạo tiếng Anh: giọng trung tính dễ nghe và truyền cảm, chữ viết theo hệ Latin cùng hệ với tiếng Anh nên dễ nhận mặt chữ, có năng khiếu và ham học ngoại ngữ. Vì vậy hãy tận dụng ưu thế này để đưa giáo dục Việt Nam lên ngang tầm với Singapore.

Về nội dung giáo trình: Bộ Giáo dục - đào tạo nên chọn giáo trình phù hợp do người bản ngữ biên soạn đưa vào giảng dạy trong trường. Đặc biệt, cần phát triển đồng bộ cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Việc rèn luyện thường xuyên các kỹ năng này phải đặt lên hàng đầu, muốn vậy đội ngũ giáo viên phải thành thạo các kỹ năng trên mới có thể đảm đương nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này.

Đề nghị Bộ Giáo dục - đào tạo và nhà trường thẩm định lại trình độ giáo viên tiếng Anh trên cả nước ở cả bốn kỹ năng, giữ lại những giáo viên đạt chuẩn, tạm ngưng với những giáo viên không đạt chuẩn, buộc học lại bổ sung kiến thức.

Bù vào số thiếu hụt giáo viên này, nhà trường sẽ công khai tuyển chọn rộng rãi trên các phương tiện truyền thông theo tiêu chí: có chứng chỉ sư phạm và đạt yêu cầu của Cục Khảo thí. Mỗi trường có thể tuyển thêm 4 - 5 giáo viên Philippines (vì trình độ tiếng Anh tốt - mức lương vừa phải). Kinh phí chi trả lương cho giáo viên nước ngoài sẽ do phụ huynh đóng góp (khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ học sinh/tháng) - em tin phụ huynh sẽ chấp nhận. Có như vậy mới có thể thay đổi căn bản tình trạng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay: đọc không thông, viết không thạo, nói thì ngọng nghịu.

Thiết kế buổi học chuyên đề

Tình trạng thầy đọc trò chép phổ biến hiện nay là hạn chế của việc dạy theo tiết học 45 phút. Bộ nên thiết kế lại theo hướng buổi học chuyên đề sẽ có lợi cho học sinh hơn vì: kiến thức liền mạch, thầy cô không bị áp lực thời gian, dễ dàng tổ chức dạy theo hướng gợi mở, để học sinh tích cực tham gia xây dựng bài học, thảo luận nhóm nên hiểu bài thấu đáo hơn.

Sự linh động thời gian cũng giúp thầy cô dễ bố trí cho học sinh thuyết trình - phản biện, tự thẩm thấu, sáng tạo, thể hiện dấu ấn cá nhân. Với cách dạy này cả thầy và trò đều thoải mái, như vậy mới là thực học!

LƯU VĨNH TRINH 
(18 tuổi, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên