01/08/2013 14:01 GMT+7

Giáo dục không chấp nhận suy nghĩ một chiều

NHIỀU BẠN ĐỌC
NHIỀU BẠN ĐỌC

TTO - Bài viết "Chúng ta có lỗi nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo" đã nhận được nhiều ý kiến bạn đọc. Đa số ý kiến mong muốn sớm đổi mới tư duy trong công tác giáo dục, đào tạo.

yf9vBSYV.jpgPhóng to
Ảnh tư liệu
Chúng ta có lỗi nhiều trong nội dung, chương trình đào tạoPhó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPTBộ GD-ĐT nói về việc cắt thi đua vì... tỉ lệ tốt nghiệp tăng

Bạn đọc Tạ Văn Lâm (lamhadainam@...) viết: Tôi đồng ý với ý kiến của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các chuyên gia là “bây giờ không phải là lúc nói chung chung, nhấn mạnh phải thế này, thế khác. Ngành giáo dục nên chọn một vài vấn đề lớn cụ thể và giải quyết thật triệt để".

Ý kiến trên rất đáng trân trọng và phản ánh thực tế thực trạng giáo dục của nước ta hiện nay.

Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập thế giới sâu rộng và mạnh mẽ nhưng giáo dục của chúng ta dường như chưa bắt kịp với nhịp đập của thời đại, từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy đến cách vận hành. Tư duy bao cấp, áp đặt, cơ chế xin-cho trong giáo dục vẫn rất nặng nề.

Đơn cử như tôi theo dõi chương trình biên soạn mới sách giáo khoa hiện nay. Bộ GD-ĐT lựa chọn một hội đồng biên soạn, rồi đưa ra quy trình, thời gian thẩm định và thử nghiệm, thí điểm, đưa vào thực tế. Nhưng cách thức rất chậm và thời gian quá dài, nguồn kinh phí lớn, trong khi chất lượng đổi mới chưa có gì đảm bảo đã phù hợp.

Tôi đồng ý với ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên giữ vai trò định hướng, đưa ra khung chương trình, những tiêu chí về nội dung chương trình, tiêu chí ai có thể tham gia biên soạn và giám sát việc thực hiện thôi, còn viết nội dung chương trình, in ấn, lựa chọn giáo trình nào nên để lại cho các hội nghề nghiệp và các nhà xuất bản. Các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đều thực hiện theo cơ chế đó.

Thực tế, trong các hội nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay có một lực lượng hùng hậu các chuyên gia, các nhà giáo có đầy đủ năng lực, tâm huyết có thể viết sách giáo khoa. Làm như vậy sẽ phát huy được nguồn tiềm năng, sức sáng tạo và năng lực của đội ngũ khoa học, các nhà giáo. Vậy tại sao cơ quan quản lý nhà nước cứ phải dắt tận tay, chỉ tận người như cách làm hiện nay? Một sự lãng phí lớn nguồn chất xám của đất nước.

Có ý kiến cho rằng như vậy có thể dẫn tới rối loạn các loại sách do không thể kiểm soát được chất lượng, nội dung, người học khó lựa chọn được loại sách nào cho phù hợp. Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Chúng ta nói tới cải cách, đổi mới thì phải bắt đầu đổi mới tư duy của mình trước.

Trong thời đại ngày nay, giáo dục không thể chấp nhận tư duy một chiều, áp đặt tri thức, kiến thức theo kiểu nhất nhất nó phải như thế. Việc lựa chọn loại sách nào tùy thuộc vào người học, nếu người học thấy nội dung chương trình đó, loại sách đó phù hợp thì họ sẽ lựa chọn. Tất nhiên có sự định hướng, tham khảo của người đi trước, của thầy cô giáo, của người viết giáo trình và trên nhu cầu thực sự của người học.

Từ sự đa dạng về nội dung sẽ dẫn tới cách dạy, cách học và đánh giá chất lượng giáo dục cũng phải đa dạng. Đổi mới phải bắt nguồn từ đổi mới tư duy rằng một vấn đề, một sự kiện sẽ có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau, nhiều cách đánh giá khác nhau. Chỉ có như vậy mới phát huy được tối đa năng lực sáng tạo, năng lực tư duy độc lập và nhân cách người học.

Bạn đọc Nguyễn Công Tuấn góp ý kiến: Cần thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với thực tế hiện nay. Chúng ta cần sản phẩm là khi ra trường có tấm bằng trên tay dù đó là loại nào đi chăng nữa thì cũng phải có đầy đủ bản lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ khi được trao. Phải thay đổi tư duy cách làm, đừng để tình trạng chạy chọt nhiều thứ như hiện nay.

Bạn đọc mieunguyen1975@... trăn trở: Chúng ta còn phải mất bao lâu để đi từ nhận thức cái sai đến hành động thực tiễn. Không ít thế hệ đã trải qua nền giáo dục truyền thống. Và trong số đó, một số may mắn khai thác tích cực được bề nổi của giáo dục truyền thống, có thể nói họ là những người thành công. Tuy nhiên tồn tại một bộ phận không nhỏ rơi vào bề trái của nền giáo dục truyền thống, hiển nhiên là họ phải chấp nhận và phải trả giá bằng thời gian, nỗ lực, nghiêm túc hơn nữa để đạt được ngưỡng trình độ chấp nhận được ở xã hội hiện nay.

Có thể nói giáo dục lạc đường có thể giết chết một ước mơ, dập tắt một hi vọng và đâu đó đã giết đi không nhỏ một bộ phận tri thức đáng có? Chúng ta cần phải hành động triệt để hơn nữa. Mỗi năm trôi qua là một thế hệ mới đi lên, chúng ta không thể ì ạch trong cải cách được nữa...

Bạn đọc hien.bk09@... bày tỏ sự hoài nghi: Nói thì dễ, làm mới khó. Nội chỉ vấn đề chỉnh sửa nội dung SGK, thêm phần này, bớt phần kia đã rối tung lên hết, mỗi người một ý. Đằng này, để thay đổi hệ thống giáo dục, tư duy thì gần như phải cải cách cả chương trình dạy, sách, dụng cụ giảng dạy... Thử hỏi có biết bao bất đồng ý kiến sẽ xảy ra?

Bạn đọc hung13th@... đề xuất 3 giải pháp làm ngay: Thứ nhất là tăng lương cho giáo viên, giảng viên. Cùng là tốt nghiệp đại học (hay giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ) như bạn cùng lớp mà họ ra trường làm công ty này nọ thu nhập cũng 10 triệu đồng. Vậy thì có ưu tiên gì cho giáo dục? Thứ hai là cung cấp cơ sở vật chất, thư viện cho nghiên cứu khoa học một cách minh bạch. Thứ ba là thay đổi chương trình theo chuẩn chung của thế giới, đừng chế ra cái này cái kia cho khác người (thế giới) rồi cải cách mãi.

NHIỀU BẠN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên