Nhạc Việt “đói” ca khúc mới: 5 lý do của sự nghèo nànNhạc Việt “đói” ca khúc mớiNhạc Việt: Đọng lại gì cho ngày mai?Nhạc Việt - thật và ảo: Phần nhìn đang át phần nghe
Phóng to |
Tiết mục tam tấu guitar của Võ Thành Lộc - Bùi Quý Tường - Nguyễn Đăng Khoa, sinh viên khoa nhạc nhẹ và âm nhạc công nghệ Nhạc viện TP.HCM, tại chương trình hòa nhạc Thầy & trò - những đồng nghiệp (tháng 3-2014) - một trong những chương trình âm nhạc hiếm hoi phát huy tính ứng dụng giữa dạy và học - Ảnh: Hoàng Yến |
Tuổi Trẻ chuyển đến bạn đọc nhận định này của nhạc sĩ Dương Thụ cùng ý kiến của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, TS Văn Thị Minh Hương - giám đốc Nhạc viện TP.HCM.
Môi trường tốt của “thảm họa”
Chuyện thị trường âm nhạc nghèo nàn có nguyên nhân từ chính nó: nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, người nghe, biên tập viên âm nhạc và những ông bầu âm nhạc cả tư nhân lẫn nhà nước. Sự kém cỏi của những “nhân vật” này, dĩ nhiên không thể tạo ra một thị trường âm nhạc phong phú chất lượng cao được.
Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao cả người tạo ra nhạc lẫn người thưởng thức nó lại kém cỏi đến thế? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tìm ra những nguyên nhân khác. Đây là một vấn đề nghiêm trọng của văn hóa, xã hội và suy cho cùng là của giáo dục.
Xuất phát từ quan niệm coi âm nhạc chỉ là một công cụ để giáo dục chính trị, đạo đức, vệ sinh... nên thực chất học sinh từ tiểu học tuy có giờ học nhạc nhưng chủ yếu thông qua nhạc để học cái khác, nhạc không được là chính nó nên không được hiểu, được cảm nhận đúng. Những người cảm nhận được âm nhạc thường phải có năng khiếu đặc biệt hoặc nỗ lực tự học âm nhạc. Những người này là số ít, rất ít, họ không nói được gì nhiều về một mặt bằng chung về văn hóa âm nhạc, một mặt bằng rất thấp kém, cái mà chúng ta đang được nhìn thấy hiện nay.
Vẫn biết nhạc, nhưng không hiểu được nhạc, một lớp người tạo ra nhạc và nghe nhạc như thế cộng với lối sống tôn thờ tiền bạc, kỹ thuật, thích thể hiện phô trương của họ, đây chính là môi trường tốt cho việc sinh ra các “thảm họa” nhạc Việt. Và sự nghèo nàn sáng tạo trong sáng tác và biểu diễn âm nhạc sẽ là một điều tất nhiên.
Xã hội nào thì văn hóa nấy, văn hóa nào thì âm nhạc nấy. Chúng ta không nên có ảo tưởng về chuyện này. Đây là vấn đề của dân trí, của con người Việt chúng ta hiện nay. Dân trí, nhân cách, lối sống của con người có cái gốc là từ giáo dục. Nhưng vì sao việc giáo dục âm nhạc (và nhiều cái khác nữa) lại tệ đến như vậy? Một câu hỏi không khó để trả lời, nhưng với hoàn cảnh hiện nay nó chỉ là một câu hỏi có ý nghĩa tu từ mà thôi.
DƯƠNG THỤ
Giáo trình âm nhạc hiện nay quá lạc hậu
Trước vấn đề được đặt ra, chúng tôi cho rằng lỗ hổng lớn nhất là giáo dục âm nhạc. Để đạt được hiệu quả tốt, giáo dục âm nhạc phải từ bậc mầm non, tiểu học. Và khi tiếp cận với những nốt nhạc đầu tiên, các em phải được nghe những âm thanh thật nhất - tức nhạc cụ mộc chứ không phải nhạc cụ điện tử. Ngoài ra, những người thầy đầu tiên cũng cần phải là những người rất giỏi, không chỉ giỏi ở chuyên môn âm nhạc mà còn ở tâm lý, kỹ năng giảng dạy để làm sao giúp trẻ có được sự yêu thích với âm nhạc, nghệ thuật.
Từ nhiều năm qua, chúng ta đang vướng vào việc thiếu giáo viên nhạc, họa. Và trong rất nhiều trường hợp, các trường đã để giáo viên ở những bộ môn khác, có chút ít kiến thức nhạc, họa giảng dạy các em. Tôi cho rằng đây là một sai lầm lớn và cần nỗ lực dẹp bỏ.
Việc giảng dạy âm nhạc từ bậc mầm non, tiểu học, trung học... một cách bài bản, nghiêm túc giúp chúng ta hai việc: 1. Đào tạo được lớp người hưởng thụ âm nhạc có tri thức âm nhạc. 2. Phát hiện sớm những tài năng âm nhạc và định hướng để các em phát triển năng khiếu, theo đuổi con đường, nghề nghiệp thích hợp trong tương lai.
Nhạc viện TP.HCM từ 20 năm qua đã là nơi đào tạo nên các giảng viên âm nhạc có chất lượng và gửi về các trường ở khắp các tỉnh thành phía Nam theo “đơn đặt hàng” từ các sở GD-ĐT. 100% giáo viên được đào tạo từ nhạc viện đều có việc làm tại các trường học. Tất nhiên, trình độ giáo viên là một chuyện, giáo trình lại là một chuyện khác.
Những người làm sư phạm với chuyên môn âm nhạc như chúng tôi đều cho rằng giáo trình nhạc, họa tại các trường học công lập của chúng ta hiện nay đã quá lạc hậu, hoàn toàn không còn phù hợp. Giáo trình dạy nhạc ở các trường học tại Việt Nam hiện chỉ tập trung vào dạy hát các bài hát, thanh nhạc mà quên đi khí nhạc cũng như nhiều kiến thức tổng quát khác. Thêm vào đó, để tiện, nhiều trường lại chủ yếu cho các em tiếp cận với âm nhạc thông qua những âm thanh “giả”, âm thanh điện tử quá nhiều, thay vì phải tập nghe ban đầu là những âm thanh thật từ nhạc cụ mộc.
Năm 2009, đội ngũ giảng viên của Nhạc viện TP.HCM đã cùng nhau xây dựng một công trình, tạm gọi là một giáo trình mới để trình Sở GD-ĐT và các ban ngành liên quan. Công trình đó gồm văn bản khoảng 300 trang và bộ âm thanh, hình ảnh (gồm 30 CD và VCD). Công trình văn bản đó đã viết giới thiệu âm nhạc trên toàn thế giới một cách vắn tắt, ngắn gọn với cái nhìn tổng quan dành cho học sinh, gồm ba phần: nhạc cổ điển, âm nhạc của các nước trên thế giới và âm nhạc Việt Nam.
Kèm theo đó là bộ trắc nghiệm, cung cấp trợ quan cho cả người giảng dạy và người học thông qua các CD, VCD để học sinh được nhìn thấy từng nhạc cụ, nghe được âm sắc của nó, xem nghe những phần biểu diễn chỉ dành cho nhạc cụ đó cũng như những phần biểu diễn kết hợp với nhiều nhạc cụ khác... Công trình này cũng đã được gửi đi cùng rất nhiều hội thảo được tổ chức trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được đưa vào thực tiễn (!).
TS VĂN THỊ MINH HƯƠNG
Để 20 năm nữa có thể mỉm cười... Nếu xem thời kỳ rực rỡ của Làn sóng xanh giai đoạn 2000-2010 là một cột mốc, chúng ta đã mất 10 năm. Từ năm 2010 đến nay, mất thêm bốn năm để “xốc” lại nhạc Việt. Giả sử ngay từ năm 2000, Bộ GD-ĐT triển khai kế hoạch giáo dục âm nhạc cho đồng loạt các trường mẫu giáo, bồi bổ cho trẻ về thẩm mỹ âm nhạc, thì chắc rằng chúng ta đang có hàng triệu các cô cậu từ 14-20 tuổi có thẩm mỹ tốt về âm nhạc, biết chọn lựa loại nhạc nào tốt cho tâm hồn. Và đó cũng là bước đầu để tạo dựng một mặt bằng thưởng thức âm nhạc cao cho xã hội. Đã quá nhiều lần chúng ta than vãn sao không có ca khúc hay, âm nhạc xuống cấp. Phải chi chúng ta đừng than vãn nữa mà hành động từ những năm 2000 thì cục diện hiện nay có thể hi vọng những mầm mống tốt. Một đứa trẻ như tờ giấy trắng, nếu chúng không được biết về Mozart thì chúng sẽ tự nghe Con bướm xinh. Không có gì tốt hay xấu, chỉ có tâm hồn đứa trẻ là không bay cao được! Mặt bằng thưởng thức thế nào thì âm nhạc sẽ thế ấy. Những game show, những cuộc thi cũng phải dựa trên cái nền tảng ấy để tồn tại. Rồi cả nền showbiz cũng phải nương theo cái mặt bằng ấy để mà sinh tồn. Vậy nên đừng than vãn tại sao không có ca khúc hay nữa mà phải càng sớm càng tốt đưa giáo dục phổ cập âm nhạc vào nhà trường thật bài bản, chỉn chu và theo giáo trình mà các nước phát triển đã làm. Nếu ngay hôm nay chúng ta làm điều này thì 20 năm sau chúng ta có thể mỉm cười! VÕ THIỆN THANH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận