Ông Khang nói:
"Mạnh tỉnh nào tỉnh nấy quy hoạch, sản xuất mà không có thông tin tổng thể của vùng nên vừa qua mới có chuyện lúc dư, lúc thiếu" Ông Nguyễn Văn Khang |
- Thật ra những gì cần làm cho ĐBSCL thì các diễn đàn lần trước đã nói hết rồi. Thế nhưng nói rồi không ai gút lại, không ai chỉ huy làm. Nếu lần này lại nói mà không gút lại để làm thì có lẽ tới đây nhiều tỉnh không còn mặn mà với MDEC. Đó là chuyện liên kết vùng ĐBSCL.
Đặc điểm của vùng này là nông nghiệp. Mỗi tỉnh có lợi thế riêng về cây lúa, con cá, con tôm. Từ những năm trước, các tỉnh đã đề cập việc phải liên kết vùng tạo nên sức mạnh để cạnh tranh, phát triển. Nhưng đến giờ chuyện liên kết vẫn chỉ dừng lại ở khẩu hiệu chứ chưa đi vào cuộc sống. Khi các tỉnh chưa liên kết lại với nhau thì ĐBSCL sẽ khó phát triển được.
* Ông sẽ đề xuất cụ thể gì về việc này?
- Tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cụ thể hóa chuyện liên kết vùng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực. Đó là giao cho Bộ NN&PTNT làm tổng tư lệnh của lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL. Còn các tỉnh nào có lợi thế loại nào thì giao cho tỉnh đó làm tư lệnh, có quyền chủ trì quy hoạch, điều phối sản xuất, chế biến cho cả vùng.
Chẳng hạn, An Giang có thế mạnh về nuôi cá tra xuất khẩu thì Chính phủ hãy giao cho tỉnh này chỉ huy ngành nuôi trồng, chế biến cá tra cho cả vùng. Tiền Giang có thế mạnh về cây ăn trái thì giao cho tỉnh chỉ huy. Kiên Giang mạnh về lúa thì giao tỉnh này lo cây lúa.
Địa phương được giao nhiệm vụ chỉ huy sẽ chủ trì lập quy hoạch sản xuất sao cho phù hợp, sản lượng thu hoạch đủ cung ứng cho chế biến, xuất khẩu rồi điều tiết sản xuất - thu hoạch rải vụ để thu hoạch liên tục trong năm. Người chỉ huy cũng có trách nhiệm lo luôn chuyện liên kết với doanh nghiệp và nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh sẽ thảo luận về kế hoạch của người chỉ huy lập để thống nhất rồi triển khai làm.
* Nói thì dễ, nhưng nếu không có cơ chế rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm thì cũng không làm được gì?
- Đương nhiên. Chính phủ cũng phải giao “thượng phương bảo kiếm” để làm chứ không thể giao chung chung được. Nếu giao Tiền Giang làm tư lệnh về trái cây thì phải quy định quyền của tỉnh tới đâu, trách nhiệm điều phối vùng thế nào, các tỉnh còn lại phải hợp tác ra sao mới làm được. Khi đó chúng tôi sẽ làm quy hoạch trồng cây ăn trái cho cả vùng, trồng những loại đặc sản nào có khả năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao như: bưởi da xanh, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, xoài Cao Lãnh, vú sữa Lò Rèn, thanh long Tiền Giang và Long An...
Trồng những loại nào ở đâu cho phù hợp. Tỉnh này xử lý ra hoa tháng nào, tỉnh kia xử lý ra hoa tháng nào để tránh thu hoạch cùng lúc sẽ dội chợ, giá thấp. Rồi sẽ quy hoạch các nhà máy chế biến và đóng gói, bảo quản trái cây xuất khẩu. Điều quan trọng nữa là phải làm cho được liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để trái cây làm ra sẽ bán hết. Hiện nay hạ tầng giao thông, thủy lợi ĐBSCL cơ bản khá rồi nên chỉ cần đầu tư vốn cho nông dân canh tác theo tiêu chuẩn Viet GAP hoặc Global GAP để xuất khẩu dễ hơn. Ngoài ra cần điều chỉnh, tháo gỡ một số cơ chế về vốn vay cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi đầu tư nhà xưởng, thị trường...
Phóng to |
Cá tra là mặt hàng nông sản xuất khẩu đem về gần 2 tỉ USD/năm cho ĐBSCL, nhưng do không có người “chỉ huy” nên các tỉnh nuôi tràn lan dẫn đến lúc thừa, lúc thiếu - Ảnh: Trường Giang |
Tương tự, nếu giao cho tỉnh An Giang làm tư lệnh ngành cá tra thì tỉnh này cũng sẽ chủ trì lập quy hoạch vùng nuôi, số lượng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, lịch thời vụ thả nuôi và thu hoạch... để làm sao lúc nào cũng có cá chế biến. Còn nhớ mấy tháng trước cá tra đến kỳ thu hoạch không ai mua, nông dân khóc ròng. Còn mấy tuần nay nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất vì thiếu nguyên liệu.
Rồi có mấy trăm ông doanh nghiệp không có nhà máy, không có vùng nuôi tham gia xuất khẩu cá tra đã tìm mọi cách bán phá giá gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nguyên nhân là thiếu người chỉ huy trong việc quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến, xuất khẩu.
Nếu Chính phủ giao rõ ràng như thế, chúng tôi sẽ vui vẻ thảo luận, đóng góp ý kiến với An Giang để hoàn chỉnh quy hoạch cá tra. Sau đó chỉ thực hiện đúng quy hoạch mà thôi. Lúa hay chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng vậy, cũng cần ông tư lệnh riêng. Tỉnh nào xé rào làm sai thì ông tư lệnh sẽ báo cáo Chính phủ xử lý.
Khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2012 Ngày 5-12, Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) năm 2012 đã khai mạc tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). MDEC lần thứ sáu này có chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”. Trong năm ngày diễn ra sự kiện, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ tập trung ghi nhận các ý kiến đóng góp của nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học về những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL và nâng cao đời sống của người dân. Các ý kiến đóng góp sẽ được tập hợp, đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng ĐBSCL. Cũng tối qua, Hội chợ triển lãm rau quả thương mại ĐBSCL đã khai mạc. Đây là điểm nhấn của MDEC năm nay, quy tụ hơn 500 gian hàng trưng bày các loại trái cây đặc sản của vùng. Trong đó có 63 gian hàng trái cây tươi, 18 gian trưng bày cây giống và 14 gian hàng đến từ lãnh thổ Đài Loan. Song song với các hoạt động hội chợ triển lãm là hội thi trái ngon, hội thi ẩm thực và các hoạt động xúc tiến, quảng bá thế mạnh đặc thù của từng địa phương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận