Tại trường THPT Gia Hội của chúng tôi, biết bao cặp mắt rưng rưng khi thầy và trò đọc bài báo này tại bản tin của Đoàn trường.
Phóng to |
Em Nguyễn Thị Như Quỳnh được tuyên dương tại buổi chào cờ chiều 25-3 ở Trường THPT Gia Hội, TP Huế - Ảnh: Thanh Cư |
Chiều 25-3, trong buổi chào cờ của trường, dưới sân trường rộn tiếng vỗ tay khi ban giám hiệu tuyên dương em Như Quỳnh rồi lại lặng im phăng phắc khi thầy phó hiệu trưởng đọc những lời đầy xúc động trích từ bài báo.
“Có một ngày, nơi hành lang bệnh viện tôi thấy Nguyễn Thị Như Quỳnh liêu xiêu mời khách mua tờ vé số đầu năm... để đổi lấy bút mực, sách vở theo đuổi giấc mơ đến trường. Những tấm vé số đã theo bước chân nhọc nhằn bao năm nuôi chị em Quỳnh học hành, khôn lớn. Khác với các học sinh khác tự ti về hoàn cảnh của mình, thấy thầy cô bạn bè thì tránh mặt, Quỳnh vẫn vui vẻ mời thầy cô mua vé số như bao khách hàng khác. Thầy cô nào hỏi về hoàn cảnh, em bảo vẫn thấy hạnh phúc khi chính mình đi làm để kiếm tiền đi học.”
Buổi chào cờ chiều hôm ấy đầy ý nghĩa và để lại nhiều ấn tượng cho thầy trò chúng tôi. Sau buổi ấy, nhiều thầy cô chủ nhiệm đã lấy tấm gương Như Quỳnh để giáo dục kỹ năng sống cho học trò, bởi như lời thầy hiệu trưởng Hoàng Như Dũ: “Tấm gương người thật việc thật đầy nghị lực, vượt qua sự tự ti, mặc cảm về hoàn cảnh gia đình khó khăn của em Như Quỳnh là một giáo án sinh động trong việc giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”.
Sau buổi chào cờ hôm ấy, cô giáo Lê Thị Mai đã photo bài báo không những cho học sinh lớp mình mà còn đem về nhà để các con đọc; nhiều học sinh đã tự tìm đọc bài báo trên trang web của trường hoặc trên Tuổi Trẻ Online... Cũng từ bài báo ấy, em N.T.T.T., một học sinh của trường hiện sống tại một ngôi nhà tình thương, đã tâm sự với cô giáo chủ nhiệm: “Tấm gương của bạn Quỳnh sẽ giúp em cởi bỏ những tự ti, mặc cảm để vươn lên học tốt, rèn luyện tốt nhằm đền đáp công ơn của ba mẹ, thầy cô và những người nuôi dưỡng em”.
Và cũng từ lời kêu gọi của nhà trường là các em hãy quan tâm giúp những hoàn cảnh còn khó khăn của lớp mình, nhiều tập thể lớp đã âm thầm vận động, chia sẻ không những đối với Quỳnh mà còn biết bao bạn khác có hoàn cảnh khó khăn hơn Quỳnh nhưng vẫn cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập. Đến thời điểm này, 40/40 lớp đã có những việc làm rất thiết thực: quyên góp cho quỹ “Nối nhịp nghĩa tình” để giúp đỡ các trường hợp ngặt nghèo, đặc biệt là xây hoặc sửa chữa nhà tình nghĩa cho một học sinh trong trường có hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh bạo lực học đường ngày một gia tăng, học sinh ngày càng yếu về kỹ năng sống thì những gương sáng đầy nghị lực, vượt qua số phận nếu được các nhà quản lý trường học đưa vào chương trình giáo dục ngoài giờ, chắc chắn sẽ góp phần định hướng học sinh sống tốt hơn, từ đó góp phần đẩy lùi những vấn nạn trong sân trường.
Cháu đã hơn bác Một bạn đọc ở Hà Nội đã thông qua nhà trường gửi tặng em Quỳnh một chiếc xe đạp, học phí cho hai năm học lớp 11 và 12..., đồng thời gửi đến em một lá thư chia sẻ. Tuổi Trẻ xin được trích: Hồi bằng tuổi cháu, lúc đó bác đang học lớp 11 ở một trường tại Hà Nội, mẹ bác cũng phải đi bán rau ở chợ. Bà dậy từ 3g sáng để đạp xe đi lấy rau và bán buổi sáng. Nhà bác có bốn chị em, bác là con út và là con trai độc nhất, các bác không phải vất vả như cháu, chỉ mỗi việc học thôi, không phải làm gì để phụ gia đình. Lúc đó ba bác đi làm xa, thương mẹ bác chỉ biết khi mẹ dậy sớm thì cũng dậy theo để dắt xe đạp cho mẹ xuống cầu thang, chờ mẹ về để dắt xe lên tầng bốn. Tuy nhiên, xấu hổ với bạn bè nên bác không dám nói mẹ mình là người bán rau ở chợ. Đến bây giờ bác vẫn tự thấy xấu hổ về hành động của mình lúc đó. Về phần này, cháu hơn bác rồi đấy. Có thể cháu và gia đình sẽ tự hỏi tại sao bác từ Hà Nội, không quen biết cháu lại giúp đỡ cháu. Câu trả lời duy nhất là tình người. Cháu cố học, thi học kỳ hai xong, nhờ người báo cho bác kết quả, bác sẽ gửi quà thưởng cho cháu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận