23/11/2015 11:00 GMT+7

Gian nan nẻo đường mưu sinh của VĐV

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG (tanphuc@tuoitre.com.vn)
TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG (tanphuc@tuoitre.com.vn)

TT - Sáng chiều miệt mài tập luyện, trưa đội nắng, tối di chuyển nhiều cây số giao hàng, chở khách… Đó là câu chuyện mưu sinh của nhiều VĐV lừng danh VN, những người kiếm sống bằng… “nghề tay trái”.

Nguyễn Văn Lâm khuân vác hàng đi giao - Ảnh: H.Đ.
Nguyễn Văn Lâm khuân vác hàng đi giao - Ảnh: H.Đ.

Trong làng thể hình VN, cái tên Nguyễn Văn Lâm sánh ngang cùng những Lý Đức, Phạm Văn Mách với bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ nhiều chức vô địch thế giới, châu Á và SEA Games. Càng thú vị hơn khi biết hình ảnh chụp cùng Nguyễn Văn Lâm thường xuyên được các bạn trẻ mê tập thể hình chia sẻ với nhau trên Facebook nhưng địa điểm phòng tập thường khác nhau. Hỏi ra mới biết đó đều là các phòng tập thể hình mà anh đến làm việc.

“May mà còn có đôi vai lực sĩ”

Hằng ngày, nhà vô địch thể hình thế giới hạng cân 65kg tất tả “chạy sô” qua nhiều phòng tập khác nhau, chẳng phải để huấn luyện mà là đi giao hàng.

Giống nhiều VĐV thể hình khác ở VN, lực sĩ Nguyễn Văn Lâm luôn mơ đến việc sở hữu một phòng tập thể hình cho riêng mình. Nhưng giấc mơ đó cũng chẳng hề dễ đạt được dù Lâm đã ngót tuổi 40. “Hơn 10 năm trời tập luyện và thi đấu, tôi mới dành dụm đủ tiền mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô TP.HCM. Hiện tại, tôi còn phải lo cho vợ con, làm sao dám nghĩ đến việc mở phòng tập riêng vào lúc này” - anh Lâm tâm sự.

Mái nhà nhỏ của anh Lâm ở Hóc Môn, là thành quả của mồ hôi, công sức từ không chỉ mười mấy năm tập luyện thi đấu thể hình mà còn từ hơn năm năm kinh doanh, buôn bán.

Anh Lâm bắt đầu công việc kinh doanh sau khi lập gia đình. Dưới gánh nặng kiếm thêm tiền chăm lo gia đình, anh cùng các anh chị em trong gia đình quyết định hùn hạp, mở một xưởng làm đồ gia công các mặt hàng may mặc, dụng cụ tập thể thao như găng tay, đai bảo hộ... với thương hiệu “Lâm Sport”. Tất cả chỉ gói gọn trong quy mô căn nhà nhỏ ở Hóc Môn. Hằng ngày, trong khi các chị em ở nhà may đồ thì anh Lâm và anh em trai cùng nhau đi lấy hàng, giao hàng. So với các anh chị em, công việc của anh Lâm đặc biệt nặng nhọc khi vừa phải tập luyện vừa chạy việc mưu sinh.

Ngày tập luyện cực nhọc của lực sĩ Nguyễn Văn Lâm bắt đầu từ rạng sáng, khi anh phải chạy từ Hóc Môn lên CLB Lan Anh tập luyện. Tận dụng khoảng thời gian nghỉ trưa trước khi tập tiếp vào buổi chiều, anh Lâm tranh thủ đi giao hàng trước khi hoàn thành nốt vào buổi tối. Một ngày như vậy, anh Lâm chạy hàng chục cây số, với hàng chục ký hàng hóa trên xe, lộ trình của anh rải đều khắp cả TP.HCM, từ trung tâm đến cả Bình Chánh, Bình Dương, Long An... Anh Lâm cho biết mấy tháng qua công việc nặng nhọc của anh đỡ đi phần nào "nhờ" anh... dính chấn thương và xin tạm rút khỏi đội tuyển quốc gia. Nghỉ đội tuyển, anh Lâm lại có thêm thời gian để đỡ đần anh trai mình trong việc giao hàng.

“Cũng nhờ những mối quan hệ trong làng thể hình, thể thao mà cũng có nhiều phòng tập tin tưởng, đặt mua hàng của tôi. Đó có thể xem như tài sản quý giá nhất trong đời VĐV. Đồng lương trên tuyển không thấp, nhưng đời tập luyện của VĐV thể hình của chúng tôi tốn kém lắm. Một tháng tiền ăn, thực phẩm bổ sung, thuốc men của tôi đều trên dưới 30 triệu đồng, mà không đầu tư thì cũng khó đạt thành tích cao được. Nếu không có thêm nghề tay trái, tôi không cách nào xoay xở để mua nhà cửa, chăm lo gia đình nổi. Hơn nữa chúng tôi sớm muộn gì cũng phải giải nghệ thôi. Công việc kinh doanh này tuy gọi là tay trái nhưng mới là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi” - anh Lâm chia sẻ.

Vừa vác trên vai lô hàng nặng gần 20kg, anh cười nói: “May mà tôi còn có sức vóc của một lực sĩ, có thể vác vài chục ký hàng đi giao mỗi ngày”.

Mai Nguyễn Hưng đi giao hàng sau một buổi tập - Ảnh: T.P.
Mai Nguyễn Hưng đi giao hàng sau một buổi tập - Ảnh: T.P.

Tuyển thủ quốc gia đi bán gel dinh dưỡng

Chuyện mưu sinh tương tự cũng đang diễn ra với Mai Nguyễn Hưng, tay đua lừng danh của làng xe đạp thể thao VN, từng đoạt HCV SEA Games. Mang đẳng cấp tuyển thủ quốc gia nhưng tổng thu nhập hằng tháng của Hưng chỉ mười mấy triệu đồng. Hưng nói: “Thu nhập của tôi với nghề VĐV nghe qua có vẻ cao nhưng thực tế tôi phải chi rất nhiều cho thiết bị, ăn uống và thuốc bổ,... nên không dư dả gì. Tôi lại sắp lập gia đình nên cần có sự chuẩn bị”.

Mỗi ngày Hưng vẫn ôm chiếc xe đua tập dượt hơn 150km. Về đến nhà chỉ kịp ăn vội đĩa cơm rồi anh phải tiếp tục đội nắng tất bật cho công việc mưu sinh. Ngoài việc buôn bán phụ tùng xe đua, Hưng còn bán gel năng lượng (một dạng gel dinh dưỡng dạng lương khô) chuyên dùng cho VĐV xe đạp mà ngay cả các tay đua chuyên nghiệp tham gia Tour de France vẫn đang dùng lúc thi đấu.

Mặt hàng gel năng lượng được Hưng mua trực tiếp của hãng từ nước ngoài rồi đem về phân phối lại. Một VĐV chuyên nghiệp chỉ cần nạp 2-3 thanh gel này là có thể thi đấu thoải mái lộ trình khoảng 150km.

Cũng nhờ có chút tiếng tăm mà uy tín của Hưng trong làng xe đạp được xây dựng khá tốt, được người chơi phong trào biết đến nhiều. Phong trào chơi xe đạp tại TP.HCM lại đang lên cao nên Hưng càng “được mùa” làm ăn. Nhiều hôm rất mệt nhưng Hưng cũng "xách xe không" tìm đến các giải đấu phong trào để “mở rộng thị trường”.

Bất kể nắng mưa, Hưng vẫn rong ruổi khắp TP.HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương... để giao hàng. Mỗi ngày chịu khó “cày”, Hưng cũng bán được trung bình hơn 1 hộp gel năng lượng để kiếm được hơn trăm ngàn.

Cuarơ “kiêm” lái xe thuê

Đồng đội của Mai Nguyễn Hưng ở đội VUS TP.HCM là Trương Nguyễn Thanh Nhân - cuarơ nổi tiếng, từng đoạt áo vàng của nhiều cuộc đua - vốn là con nhà khá giả. Nhưng từ khi lập gia đình, có thêm hai con, anh không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ.

Thanh Nhân chia sẻ: “Sau mỗi ngày tập gần 150km, tôi lại đạp xe thật nhanh gần 30km về nhà. Cất xe, ăn vội miếng cơm rồi tôi lái xe thuê chở khách. Tôi lái lên tận Mộc Bài cho khách làm việc, chờ đến tối chạy về TP.HCM. Tính ra lộ trình cũng từ 200 - 300km, mỗi ngày bình thường 23g tôi mới về đến nhà. Có những hôm khách có việc phải đi tỉnh thì đến 4g sáng hôm sau tôi mới về”.

Thanh Nhân nói thêm: “Có khi hai ngày tôi cũng không gặp được mặt con. Nhưng biết làm sao được khi lương VĐV xe đạp hiện nay vẫn chưa đủ giúp người theo nghề nuôi sống gia đình”.

TẤN PHÚC - HUY ĐĂNG (tanphuc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên