16/12/2014 09:59 GMT+7

​Gian nan đòi bồi thường

HOÀNG ĐIỆP - ĐÔNG HÀ
HOÀNG ĐIỆP - ĐÔNG HÀ

TT - Bị khởi tố, bắt giam và xử án oan đã vô cùng khổ cực, nhưng khi được minh oan rồi thì chặng đường đòi bồi thường danh dự, tổn thất tinh thần cũng gian nan không kém...

Bà Nguyễn Thị Lang kể lại chặng đường 20 năm đi đòi công lý và tài sản của mình - Ảnh: H.Điệp

Thậm chí, số tiền bị mất rất nhiều nhưng số tiền nhận đền bù lại chẳng đáng bao nhiêu.

Đòi lại tài sản... của mình

Căn nhà nhỏ vừa mới cất của bà Nguyễn Thị Lang tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm sát mép biển.

Chỉ một khoảng nhỏ được kê những tấm gỗ để làm sân, làm cầu cho những chiếc ghe nhỏ neo đậu vẫn còn nồng nguyên mùi cá. Mười mấy năm rồi ở nhà thuê, may còn lại miếng đất chưa đầy hai chục mét sát mép nước trước đây vốn là nhà kho bán chẳng ai mua nên giờ mới cất được căn nhà nhỏ nhắn có gác xép, gác lửng để vợ chồng con cháu quây quần.

Trong căn nhà vẫn còn thơm mùi sơn mới, bà Nguyễn Thị Lang lật chồng hồ sơ dày đến cả chục ký mà bà và chồng đã lặn lội trong nhiều năm qua để yêu cầu bồi thường cho những vật chất mà các cơ quan pháp luật đã tịch thu của bà đến những mất mát về tiền bạc mà vợ chồng bà và bảy đứa con phải gánh chịu.

Lấy chồng sớm, bà được cha mẹ cho một xe đò để chở khách liên tỉnh từ năm 1992, thêm sự chịu thương chịu khó, vay mượn bà còn mua được một cặp ghe đi biển với số tiền mua ghe thời điểm đó lên tới hàng trăm lượng vàng.

Việc đi đánh bắt cá xa bờ hàng tháng trời của người dân biển và mua chịu dầu, nước đá để đi biển cũng là việc bình thường. Nhưng trong một chuyến đi biển vào gần bờ thì một chiếc ghe của bà Lang bị bão đánh chìm. Số tiền nợ mua dầu và nước đá ngót 30 triệu đồng bà hẹn với chủ nợ chừng nào bảo hiểm thanh toán thì bà trả nợ.

Tuy nhiên, một ngày cuối năm 1994, bà Lang bị công an gọi lên phường rồi bị bắt giam ngay lập tức với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tưởng như chết đứng bởi quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam, bà Lang gào thét trong trại tạm giam bởi khi bà bị bắt, đứa con gái út vẫn còn đang học mẫu giáo, đứa lớn nhất 17 tuổi đang tuổi ăn tuổi học và chưa biết giúp đỡ gì cha mẹ.

Hơn hai tháng bà Lang ngồi tù, chiếc ghe còn lại trị giá 42 lượng vàng phải bán với giá 35 lượng vàng, chiếc xe đò và căn nhà ngoài mặt phố Vũng Tàu cũng bị bán nốt để “trả nợ”. Tiền bảo hiểm của chiếc ghe bị chìm cũng đã được làm thủ tục thanh toán xong với số tiền 25 triệu đồng nhưng bà không được nhận.

Oan ức vì bị khép tội lừa đảo, bị tạm giam, tài sản tiêu tán hết, bà Lang làm đơn khiếu nại khắp nơi. Đến năm 1996 các cơ quan tố tụng thừa nhận đã khởi tố oan bà Lang. “Từ đó đến nay, tôi tiếp tục khiếu nại để đòi lại những gì mà gia đình tôi đã bị lấy đi” - bà Lang nói.

Và phải đến tháng 7-2012, bà Lang mới chính thức nhận được tiền đền bù oan sai do việc bà bị khởi tố và bắt tạm giam oan với số tiền đền bù là 220 triệu đồng. “20 năm qua gia đình tôi sống lang thang nay đây mai đó, khổ cực trăm bề, từ một người đang làm chủ một cặp ghe đi biển dài ngày đến nay vợ chồng tôi phải đi làm mướn kiếm sống từng bữa” - bà Nguyễn Thị Lang nói.

Cần danh dự chứ không chỉ tiền bạc

Trắng tay sau khi trở về nhà, Nguyễn Hoàng Hà (38 tuổi, đã được tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng tuyên vô tội sau 15 tháng 10 ngày bị khởi tố bắt giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) còn bị bệnh tiểu đường.

Không kể mất mát về hợp đồng, tổn thất đối với công ty, Nguyễn Hoàng Hà yêu cầu bồi thường về vật chất và tinh thần trong thời gian 15 tháng 10 ngày với tổng số tiền là 786 triệu đồng. Nhưng khi thỏa thuận số tiền bồi thường với Viện KSND tp Đà Nẵng, Hà chấp nhận mức bồi thường 260 triệu đồng.

“Số tiền thực mà tôi mất nhiều hơn thế gấp nhiều lần, nhưng cái tôi cần là danh dự chứ không chỉ là tiền bạc, dù tiền bạc đối với tôi rất quý” - Nguyễn Hoàng Hà nói như vậy.

Cũng như vậy, bà Nguyễn Thị Nở, mẹ của Trương Thị Kim Hoàn (được TAND Q.1, TP.HCM bồi thường 143 triệu đồng sau khi được xác định oan sai về hành vi mua bán trái phép chất ma túy), trong nhiều năm trời mải miết thu thập chứng cứ để minh oan cho con chứ không nghĩ đến việc lưu giữ những hóa đơn thể hiện các chi phí liên quan đến việc minh oan.

“Đi xe ôm thì không có hóa đơn, mua thức ăn lên thăm nuôi con thì lấy đâu ra hóa đơn? Con bị oan sai, không chỉ một mình con bị mất tự do, không làm ra tiền mà tất cả những người khác trong nhà cũng không thể yên tâm mà làm việc” - bà Nở nói.

Bà Nở không làm việc nhà nước nên không có mức lương ổn định và không có bảng lương nhưng không có nghĩa là bà Nở không đi làm. Hoàn cũng vậy. Ngoài giờ làm việc nếu cả gia đình là lao động tự do, buôn bán tự do thì lấy gì chứng minh rằng mình có thu nhập? Mà rõ ràng người vào tù thì không thể thu thập chứng cứ để chứng minh rằng mình oan.

Nhưng khi bồi thường oan sai thường các cơ quan tố tụng chỉ bồi thường cho phần tiền liên quan đến người trực tiếp bị oan sai: thu nhập, sức khỏe, danh dự và những ngày bị giam oan là chưa thỏa đáng.

Ngày mà Ngô Hoàng Trung (Quảng Nam) nhận được quyết định của TAND tối cao tại TP Đà Nẵng tuyên trắng án đến khi nhận được số tiền đền bù cũng tròn bốn năm. Bốn năm ấy miệt mài kêu oan đã ngốn của gia đình Trung không biết bao nhiêu tiền cho đủ mọi thứ chi phí từ ngày công đến việc tìm luật sư, photo tài liệu chứng cứ.

“Nhận số tiền đền bù oan sai 50 triệu đồng chỉ như một số tiền động viên thôi, vì nó không đủ để trả những khoản nợ mà gia đình tôi đã vay mượn trong những ngày tôi bị khởi tố và bắt giam. Khi trở về nhà rồi lại không thể đi làm lại được vì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. 50 triệu thực không là gì so với những gì mà gia đình tôi đã mất” - Trung nói.

Bà Lê Thị Thu Ba (phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương): 

Nhiều trường hợp chưa công nhận oan sai nên không được bồi thường

Theo quy định của Luật bồi thường nhà nước hiện nay thì số vụ được bồi thường rất hẹp. Bởi có những trường hợp bị bắt rồi, tạm giam nhưng miễn truy cứu vì cho rằng vi phạm đó chưa đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên chuyển hình thức xử lý thì theo tôi đó cũng là oan, nhưng pháp luật chưa được coi là oan sai và còn nhiều trường hợp khác nữa nếu làm nghiêm minh hoặc đôi khi cũng lạm dụng pháp luật.

Ví dụ đáng lẽ có trường hợp phải thả và bồi thường oan sai nhưng lại vận dụng điều 25 của Bộ luật hình sự (miễn truy cứu trách nhiệm hình sự). Theo các báo cáo của các cơ quan tư pháp trước Quốc hội cũng thừa nhận việc áp dụng điều 25 chưa đúng. Thế nên sẽ có nhiều vụ mà người dân cảm thấy bị oan nhưng pháp luật lại chưa thừa nhận đó là bị oan sai nên không được bồi thường.

H.ĐIỆP ghi

 

HOÀNG ĐIỆP - ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên