23/05/2021 11:02 GMT+7

Gian nan chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bản quyền được cho là rào cản lớn nhất ngăn các nước đang phát triển tiếp cận công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19. Nhưng nếu không thể chuyển giao công nghệ thì việc từ bỏ bản quyền cũng sẽ vô nghĩa.

Gian nan chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Bên trong cơ sở sản xuất vắc xin công nghệ mRNA của Pfizer và BioNTech ở thành phố Marburg của Đức - Ảnh: FT

Việc tiếp nhận công nghệ và chuẩn bị trang thiết bị dây chuyền, máy móc cũng như nguyên vật liệu sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 không thể đơn giản và nhanh chóng. Trong khi đó, đây mới chính là vấn đề mấu chốt để thúc đẩy việc chủ động sản xuất vắcxin.


"Chúng tôi đã làm việc với nhiều công ty vắcxin, thách thức nằm nhiều hơn ở việc chuyển giao công nghệ và đẩy nhanh sản xuất.

Chris Elias (lãnh đạo bộ phận phát triển toàn cầu của tổ chức Bill and Melinda Gates Foundation)

"Cho" mà không dễ "nhận"

Trong lúc thế giới còn tranh luận về việc có nên bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin COVID-19 hay không, hãng Moderna đã tuyên bố cho phép sao chép công nghệ vắcxin mRNA của họ từ tháng 10 năm ngoái.

Theo đó, hãng dược này cho biết sẽ không dùng bản quyền để cản trở các nhà sản xuất vắc xin trong giai đoạn dịch COVID-19 và sẵn sàng cấp phép công nghệ sau khi hết dịch.

"Moderna tự hào rằng công nghệ mRNA của chúng tôi được sử dụng để chấm dứt đại dịch" - thông báo của hãng này nêu, song đến nay vẫn chưa nhà sản xuất nào "sao chép" được thành công.

Câu chuyện của Moderna cho thấy rõ ràng các nhà sản xuất cần nhiều hơn vấn đề bản quyền, nhất là với các công nghệ cao như mRNA.

Ông Stéphane Bancel, giám đốc điều hành của Moderna, giải thích công nghệ mRNA của hãng rất khó chuyển giao. Đó là chưa kể, theo một số chuyên gia, Moderna thực tế đã không từ bỏ toàn bộ các bản quyền công nghệ khác liên quan vắc xin COVID-19.

"Chuyển giao công nghệ không phải chỉ là đào tạo một đội ngũ, mà còn phải trao cho họ cơ sở sản xuất, rồi phải đảm bảo chất lượng nữa. Vì vậy, nhiều công ty đã nhận chuyển giao công nghệ nhưng họ đang gặp khó khăn. Kỹ năng lao động đòi hỏi rất cao, sự hiểu biết về vô trùng và quy trình là những điều không thể có một sớm một chiều" - ông Roger Connor, chủ tịch Công ty GSK Global Vaccines, phân tích với trang India Times.

Tạp chí British Medical Journal đầu tháng 5 cho biết các công ty và chính phủ muốn sản xuất vắcxin phải đảm bảo được nguyên liệu, hạ tầng, thiết bị, kiểm soát được chất lượng và đủ nguồn lao động có kỹ năng.

Một vấn đề khác nan giải không kém là đảm bảo được nguồn nguyên liệu và phân phối vắc xin sau khi sản xuất. Ông Sai Prasad, giám đốc điều hành Công ty dược Bharat Biotech, cho rằng vắc xin có hàng trăm thành phần mà nhiều nguyên liệu đang khan hiếm, thậm chí cả các nguyên liệu như nhựa dùng một lần.

Trong khi đó, các rào cản thương mại và tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu mất ổn định hiện nay cũng đang ngăn cản các công ty có được nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất vắc xin.

Tin vào Ấn Độ

"Đối với các công ty muốn sản xuất thuốc và vắc xin COVID-19, họ không chỉ cần được cấp bản quyền mà còn phải có một số hình thức hợp tác hoặc cấp phép với các công ty sáng chế. Điều đó sẽ giúp họ sắp xếp các thiết bị, cơ sở hạ tầng, kỹ năng kỹ thuật, công nghệ, phần mềm, phòng thí nghiệm và nguyên liệu cần thiết", ông Shivangi Mittal của Công ty tư vấn Koan Advisory giải thích.

Ông Mittal cho rằng việc này sẽ giúp các công ty được cấp quyền không cần phải thực hiện lại các bước như thử nghiệm lâm sàng.

Dù vậy, theo chuyên gia Davinder Gill - cựu giám đốc phụ trách thuốc sinh học của Pfizer, việc bỏ bản quyền vắc xin vẫn là điều quan trọng nhất.

"Nếu bỏ bản quyền vắc xin, Ấn Độ sẽ làm rất tốt. Ấn Độ có khả năng, kinh nghiệm sản xuất thuốc và vắc xin. Nếu không chuyển giao công nghệ, có thể sẽ lâu hơn, nhưng các công ty Ấn Độ có thể phát triển được", ông Gill nói với trang Business Standard.

Nhóm nhà khoa học Tamara Kay, Susan Ostermann (Đại học Notre Dame, Mỹ), Adnan Naseemullah (King’s College London, Anh) cũng đưa ra ví dụ rằng Viện Serum của Ấn Độ hiện đang sản xuất một lượng lớn vắc xin AstraZeneca cho châu Âu.

"Không có lý do gì để Viện Serum và các nhà sản xuất tại Ấn Độ cũng như các nước khác với năng lực khoa học và kỹ thuật đang lên của họ lại không thể sản xuất nhiều vắcxin hơn cho các nước đang phát triển trong năm tới" - nhóm các nhà khoa học nhận định trên tờ The Hill.

Châu Á chạy đua công nghệ mRNA

Úc, Hàn Quốc và Singapore là những nước đã bắt đầu cuộc đua thành lập các cơ sở để sản xuất vắc xin theo công nghệ mRNA. Hãng dược BioNTech cho biết nhà máy sản xuất của họ ở Singapore sẽ hoạt động từ năm 2023, trong khi Hàn Quốc và Úc sẽ hợp tác với Moderna.

"Các quốc gia nhận ra họ đang rất phụ thuộc vào nguồn cung từ nơi khác và khó để có đủ vắcxin để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế. Sản xuất vắcxin công nghệ mRNA trong nước hiện tại không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn có thể giúp đối phó với những biến thể COVID-19 có thể xuất hiện" - nhà khoa học Thomas Preiss của Đại học Quốc gia Úc nói với báo South China Morning Post.

Kêu gọi công bằng vắc xin cho các quốc gia Kêu gọi công bằng vắc xin cho các quốc gia

TTO - 'Không một quốc gia, không một người dân nào được an toàn khi chưa đảm bảo được tiêm vắc xin phòng COVID-19' - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói với trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên