25/03/2015 10:12 GMT+7

​Giám sát công vụ không chỉ bằng email

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Người dân rất hoan nghênh việc lãnh đạo chính quyền địa phương công khai email để tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ảnh của họ.

Dân gửi email phản ảnh lên chủ tịch TP Đà Nẵng việc xây dựng lấn chiếm vỉa hè, ngay sau đó đã có chỉ đạo xử lý và chủ nhà ngay lập tức tự nguyện tháo dỡ trả lại vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh: H.khá

Tuy nhiên, người dân mong muốn có những giải pháp giám sát công vụ bài bản hơn.

Nói về việc công khai email của mình, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng: “Tôi mở email tức là tôi đã nghe được tiếng nói của người dân, mở cánh cửa để người dân vào gặp mình”. (Tuổi Trẻ ngày 23-3).

Chuyện người lãnh đạo một địa phương, một đơn vị hành chính công khai địa chỉ email hay điện thoại cá nhân đối với các nước không có gì mới.

Ngay ở nước ta, mấy năm qua, nhiều địa phương đã công khai một loạt số điện thoại đường dây nóng của trưởng các phòng, ban đơn vị, chủ tịch UBND phường, quận huyện... để người dân phản ảnh bức xúc hoặc đóng góp ý kiến.

Mục tiêu của chế độ cam kết phục vụ cộng đồng là nâng cao trình độ phục vụ nhân dân và mức độ hài lòng của công chúng đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh vì có xây dựng cơ chế, phương thức giám sát của nhân dân.

Hơn thế nữa, để giám sát tinh thần làm việc, thái độ ứng xử của công chức với người dân đến giải quyết thủ tục hành chính, nhiều địa phương đã cho lắp đặt camera quan sát ở bộ phận một cửa...

Tuy nhiên, trong khi ở nước ta có địa phương gần 50% công chức không sử dụng hộp thư điện tử thì phải coi việc người lãnh đạo địa phương công khai email của mình để nghe phản ảnh của dân là những tấm gương tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và sự công khai minh bạch.

Phải thấy cái lợi từ việc công khai email (hay số điện thoại) của lãnh đạo, đó là được tiếp nhận thông tin gốc từ dân, là nghe dân phản ảnh kịp thời để đối chứng lại cách làm việc của bộ máy hành chính.

Qua email giúp lắng nghe dân, cũng là cách người lãnh đạo cảnh báo công chức cấp dưới đã có thêm một kênh giám sát. Và hơn thế nữa, qua email, việc lãnh đạo “tiếp” dân đã không bị rào cản ngăn cách.

Tuy nhiên, sử dụng email để thêm kênh thông tin, lắng nghe và giám sát thì tốt, nhưng để xử lý công việc thì cần phải bàn thêm. Một nền hành chính chính quy xử lý công vụ phải theo một quy tắc, một quy trình, với một trật tự nghiêm ngặt để tránh tùy tiện, sai sót.

Chính vì vậy, nhiều nước không khuyến khích dùng email cá nhân trong công vụ để công ra công tư ra tư. Đấy là chưa kể đến yêu cầu bảo mật thông tin, tin tặc tấn công sẽ rắc rối.

Nên chăng, để bài bản hơn cần áp dụng giải pháp đã được kiểm chứng ở nhiều quốc gia: chế độ cam kết phục vụ cộng đồng.

Đây là giải pháp mới trong lĩnh vực quản lý công cộng, một cơ chế hữu hiệu để nâng cao hiệu quả các tổ chức công cộng do chính phủ và các cấp chính quyền thành lập, được hình thành từ thập kỷ 1990.

Như ở nước Anh, Chính phủ Anh đã phát động phong trào Hiến chương công dân, tức là dùng hình thức hiến chương để thông báo công khai với công chúng nội dung, tiêu chuẩn, trách nhiệm của mỗi cơ quan chính phủ trong việc phục vụ cộng đồng, chịu sự giám sát của công chúng nhằm nâng cao trình độ phục vụ và chất lượng phục vụ.

Chính phủ yêu cầu tất cả cơ quan và các ngành phục vụ công cộng đều phải xây dựng hiến chương của mình.

Nội dung hiến chương bao gồm tiêu chuẩn phục vụ, mức độ công khai, quyền lựa chọn của khách hàng, sự lễ độ, cơ chế giám sát, cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng tham gia giám sát... và coi đó là những yêu cầu hợp pháp của công dân đối với các công chức và các tổ chức phục vụ công cộng.

Người lãnh đạo cứ dựa vào đấy mà giám sát xử lý công vụ sẽ bài bản, hiệu quả hơn.

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên